Di chuyển với tốc độ phù hợp, giữ khoảng cách an toàn
Về bản chất, việc lái xe ban đêm thường khiến tầm nhìn của bạn thấp hơn nhiều so với ban ngày. Chính vì thế, bạn chỉ nên cho xe di chuyển ở tốc độ vừa phải và phù hợp với khoảng chiếu sáng của hệ thống đèn pha. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý việc giữ một khoảng cách an toàn tối thiểu với các xe phía trước để phản ứng kịp thời trước những tình huống bất ngờ xảy ra.
Theo đó, bạn có thể áp dụng nguyên tắc “4 giây” để căn chỉnh khoảng cách an toàn như sau: Chọn một điểm sáng xa nhất mà đèn cốt rọi tới và đếm từ 1 đến 4 giây sau khi xe phía trước đi qua điểm này. Sau 4 giây nếu xe của bạn chỉ vừa tới hoặc sắp tới điểm sáng đã chọn thì xe của bạn đang ở trong khoảng an toàn. Ngược lại, nếu xe vượt qua điểm sáng khi chưa đếm tới 4 giây thì bạn nên giảm tốc độ để giữ khoảng cách phù hợp.
Ví dụ, nếu xe đang di chuyển với tốc độ 40 km/h (tương đương 11,1 m/s) thì bạn cần phải giữ khoảng cách an toàn với xe đi phía trước một khoảng bằng 11,1 x 4 = 44,4 m.
Sử dụng chế độ chiếu sáng pha – cos hợp lý
Thông thường, đèn chiếu sáng trên xe ô tô sẽ có 2 chế độ là đèn pha và đèn cos. Trong đó, đèn pha được dùng để chiếu xa và đèn cos dùng để chiếu gần. Khi lái xe vào ban đêm trên các tuyến đường nội thành hay khu dân cư thì bạn nên giảm tốc độ và bật đèn cos để quan sát tốt hơn tình trạng mặt đường.
Đối với đèn pha, do có với cường độ ánh sáng mạnh nên thường chỉ được sử dụng chạy trên các đoạn đường cao tốc hoặc ít phương tiện và không có xe đi ngược chiều để giúp người lái thấy được các chướng ngại vật và các biển báo từ xa.
Ngoài ra, khi di chuyển ở những đoạn đường có dải phân cách thấp hoặc có vạch liền hay đứt. Nếu có xe chạy theo hướng ngược chiều với bạn thì hãy chuyển đèn về chế độ cos để tránh gây lóa cho những xe đi ngược chiều.
Nếu bị lóa mắt bởi đèn pha của xe đi ngược chiều thì bạn tuyệt đối không nên nhìn trực diện vào đèn pha mà hãy chớp mắt ngay lập tức và giảm tốc độ. Quan sát kỹ phía lề đường và phía trước xe để đảm bảo an toàn.
Cuối cùng, khi vào những đoạn cua, nếu không có xe đi ngược chiều, bạn có thể bật đèn pha để mở rộng tầm quan sát trong giây lát rồi chuyển về đèn cos. Ngoài ra, nếu bạn muốn vượt xe phía trước thì hãy nháy đèn để ra hiệu xin vượt và quan sát thật cẩn thận xung quanh trước khi vượt.
Nghỉ ngơi khi cảm thấy buồn ngủ
Việc lái xe khi đang buồn ngủ là nguyên nhân rất thường thấy trong những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, đặc biệt là khi lái xe ban đêm. Chính vì thế, nếu bạn đang lái xe mà cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi thì đừng nên cố gắng chạy tiếp mà hãy đỗ xe vào nơi an toàn và chợp mắt một lát cho tỉnh táo rồi sau đó tiếp tục hành trình.
Ngoài ra, nếu trên xe có bảng báo hiệu phản quang thì hãy sử dụng trong trường hợp cần phải đỗ xe bên đường.
Cảnh giác với động vật
Bạn cần hết sức cảnh giác với những chướng ngại vật trên đường khi di chuyển vào ban đêm, nhất là động vật. Do đó, khi di chuyển trên những đoạn đường ngoại ô hoặc đường rừng núi, nếu không may bắt gặp động vật băng qua đường thì bạn hãy chủ động giảm tốc độ và quan sát thật kỹ phía sau vì có thể còn nhiều con khác cũng chuẩn bị băng qua đường.
Thường xuyên vệ sinh kính xe sạch sẽ
Hãy thường xuyên kiểm tra và vệ sinh kính lái, gương chiếu hậu thật sạch sẽ để đảm bảo bạn luôn có một tầm nhìn tốt khi tham gia giao thông. Việc làm này tưởng như rất đơn giản nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của bạn di chuyển vào ban đêm.
Tránh xa thuốc lá
Bạn cần nói không với hút thuốc khi đang lái xe bởi các chất trong thuốc lá có thể làm giảm thị lực của người lái. Còn nếu bạn thật sự muốn hút thuốc thì lời khuyên là bạn nên dừng xe lại.
Ngoài ra, bạn cần quan tâm nhiều hơn đến thị lực của mình khi lái xe vì có thể bạn sẽ quan sát tốt vào ban ngày nhưng khi lái xe vào ban đêm thì đó lại là một câu chuyện khác vì tầm nhìn lúc này sẽ bị suy giảm đáng kể.