OnePlus Nord là sản phẩm smartphone tầm trung thứ hai đến từ hãng điện thoại cùng tên. Chúng ta đã có OnePlus X ra mắt vào năm 2015. Chiếc Nord là thế hệ thiết bị thứ ba được bán ra, đi cùng với bộ đôi OnePlus 8 và 8 Pro.
Thông số kỹ thuật
Bộ xử lý (CPU) | Qualcomm SDM765 Snapdragon 765G (7 nm) CPU Octa-core (1x2,4 GHz Kryo 475 Prime & 1x2,2 GHz Kryo 475 Gold & 6x1,8 GHz Kryo 475 Silver) |
Bộ xử lý đồ họa (GPU) | Adreno 620 |
RAM | 6GB, 8GB hoặc 12GB |
ROM | 64GB, 128GB hoặc 256GB UFS 2.1 |
Thẻ nhớ | Không hỗ trợ thẻ nhớ |
Số Sim | Hai SIM (Nano-SIM, chế độ chờ kép) |
Màn hình | Công nghệ: Fluid AMOLED Kích thước: 6.44 inches Tỷ lệ: 20:9 Độ phân giải: 1080 x 2400 pixel, (mật độ ~ 408 ppi) Tốc độ làm mới 90Hz, HDR10+ |
Kết nối | USB type C 2.0 Cảm biến vân tay NFC Bluetooth 5.0 |
Cảm biến | Cảm biến vân tay dưới màn hình Cảm biến chuyển động Con quay hồi chuyển Cảm biến tiệm cận, la bàn Nhịp tim, SpO2 |
Mạng | Wi-Fi 802.11 a/b/g/n/ac/ax, dual-band, Wi-Fi Direct, hotspot GSM / CDMA / HSPA / EVDO / LTE |
Pin | Lithium-polymer 4115 mAh Sạc nhanh 30W |
Máy ảnh | Camera sau gồm 4 ống kính - 48 MP, f/1.8, 26mm (wide), 1/2.0', 0.8µm, PDAF, OIS - 8 MP, f/2.3, 119˚ (ultrawide) - 5 MP, f/2.4, (depth) - 2 MP, f/2.4, (macro) Camera trước: - 32 MP, f/2.5, (wide), 1/2.8', 0.8µm - 8 MP, f/2.5, 105˚ (ultrawide), 1/4.0', 1.12µm |
Chống nước | Không chống nước |
Kích thước | 158,3 x 73,3 x 8,2 mm (6,23 x 2,89 x 0,32 in) |
Trọng lượng | 184 g |
Đánh giá chi tiết điện thoại OnePlus Nord
Thiết kế
Phong cách thiết kế của chiếc OnePlus Nord mang hơi hướng cổ điển với một màn hình phẳng, bộ tứ camera xếp dọc ở phía sau. Tuy nhiên màn hình đục lỗ kép lại rất hot của năm nay. Nhìn chung thiết kế này không thể chê được ở phân khúc tầm trung.
So sánh nhẹ một chút với chiếc OnePlus 8 thì Nord có một khung máy rộng hơn nhưng màn hình nhỏ hơn do không có màn hình cong. Đó là điều bình thường ở một sản phẩm tầm trung khi so với cao cấp. Nhưng mình là một người thích màn hình phẳng và chơi game thì mình cảm thấy Nord vẫn thích hợp hơn.
Nord cũng nặng hơn một chút so với OnePlus 8, nó còn rộng hơn một chút nữa. Mặc dù nó chỉ có viên pin 4.115 nhỏ hơn và hoàn thiện khung máy cùng mặt lưng đều bằng nhựa. Tuy vậy, mình cảm thấy Nord không có gì phải xấu hổ vì những điều này vì đơn giản OnePlus 8 là điện thoại cao cấp cơ mà.
Mặt trước
Mặt trước của Nord vẫn sở hữu một màn hình tràn viền mặc dù nó không được bo cong ở các cạnh. Màn hình đục lỗ kép ở góc trên bên trái dành cho bộ đôi camera selfie.
Mặt trước OnePlus Nord
Các cạnh viền cực mỏng cho bạn một trải nghiệm màn hình tốt hơn mặc dù kích thước màn hình chỉ 6.44 inch mà thôi. Cạnh dưới vẫn hơi dày một chút nhưng điều đó không quan trọng lắm với mức giá này.
Trên cùng là một dải loa thoại nằm ở mép màn hình và khung máy. Nó không gây chú ý nhưng nằm ở đó và có đầy đủ chức năng. Tất nhiên đó không phải là một đầu loa ngoài và điện thoại này cũng không có loa âm thanh nổi nhé.
Mặt sau
Như mình đã nói từ đầu, mặt sau được thiết kế theo kiểu cổ điển. Nó có bộ tứ camera xếp dọc ở góc trên bên trái. Sự thực thì sự sắp xếp này đã được sử dụng vài năm trước và giờ đây lại tái hiện. Nó cũng chẳng ảnh hưởng gì tới khả năng của camera cả.
Mặt sau OnePlus Nord
Một sự thay đổi nhẹ chính là logo thương hiệu ONEPLUS đã được chuyển thành chữ in hoa tất cả. Điểm này có đôi lúc chẳng ai để ý làm gì nhưng khá đáng chú ý.
Bạn sẽ có hai phiên bản màu để lựa chọn đó là Blue Marble, Gray Onyx. Chúng là những lớp sơn mờ trông rất hiện đại với xu thế ngày nay. Chắc chắn nó sẽ không phải là nơi bám vân tay hay vết bẩn và chúng chỉ được làm bằng nhựa nhé
Các cạnh còn lại
Khung máy cũng được làm bằng nhựa tuy nhiên nếu bạn nhìn vào lần đầu tiên, bạn sẽ nghĩ rằng đó là kim loại. Cách hoàn thiện bóng bẩy của OnePlus tạo ra cảm giác sang trọng cho chiếc điện thoại này. Các vị trí cổng kết nối và nút bấm không có gì thay đổi so với các điện thoại cao cấp của thương hiệu.
Cạnh trái OnePlus Nord
Cạnh bên trái chẳng có gì ngoài nút tăng giảm âm lượng cả. Tuy nhiên có một điều lạ chính là nó được làm bằng nhựa, trong khi nút nguồn và thanh trượt lại làm bằng kim loại.
Cạnh phải OnePlus Nord
Cạnh bên phải này có nút nguồn đi kèm với thanh trượt cảnh báo, chúng đều được làm bằng kim loại. Thanh trượt cảnh báo như là một đặc điểm riêng của điện thoại OnePlus, nó cho phép bạn chuyển nhanh giữa các chế độ im lặng, rung và chuông báo.
Cạnh trên OnePlus Nord
Cạnh trên chẳng có gì ngoài một lỗ nhỏ cho một chiếc micro phụ ở đây
Cạnh dưới OnePlus Nord
Cạnh dưới chứa khá nhiều thứ nhưng vẫn không có chỗ cho jack cắm tai nghe 3.5 mm, đây là một thiếu sót khó chịu cho hầu hết các mẫu điện thoại OnePlus. Chính giữa vẫn là khe cắm sạc USB type C 2.0, kế đó là micro chính cùng khay sim và đối diện là lưới tản nhiệt loa ngoài. Khay sim ở đây chỉ có 2 vị trí sim mà không hỗ trợ thẻ nhớ nhé.
Màn hình
OnePlus Nord trang bị màn hình Fluid AMOLED 6.44 inch khá nhỏ và trông có vẻ “không hợp thời đại” trong khi các điện thoại khác đang vươn mình ở 6.6x inch rồi. Tuy nhiên nó lại trở thành lựa chọn ưu tiên cho những người thích màn hình nhỏ. Bạn sẽ có độ phân giải màn hình FullHD + (1080 x 2400 pixel), mật độ điểm ảnh lên tới 408ppi sắc nét hoàn hảo.
Màn hình OnePlus Nord
Nhờ công nghệ OLED nên bạn sẽ có một màn hình tương phản cao với màu đen sâu. Độ sáng màn hình có thể hơi khó để đánh giá vì nó có chênh lệch rất lớn giữa chế độ tự động và thủ công. Tuy nhiên thông qua việc đô độ sáng màn hình chúng ta đã nhận được độ sáng tối đa trong chế độ thủ công chỉ là 323 nits. Nó thực sự không cao lắm và chỉ phù hợp sử dụng trong nhà mà thôi. Tuy nhiên chế độ tự động đo được ở mức 756 nits, thoải mái cho bạn sử dụng ngoài trời và thậm chí là dưới ánh nắng trực tiếp.
OnePlus Nord có chứng nhận HDR10+. Khả năng tái tạo màu của HDR này không thể so sánh được với các sản phẩm cao cấp của thương hiệu nhưng chúng ta không thể mong đợi nhiều hơn với một điện thoại tầm trung.
Bạn có thể tùy chọn hai chế độ làm mới màn hình là 60Hz mặc định hoặc 90Hz. Nhưng chế độ 90Hz của OnePlus có một số tính năng thông minh tự động, chủ yếu là về hiệu quả sử dụng pin. Sau khi bật 90Hz, bạn có thể đạt được 90 khung hình / giây nhất quán trên toàn bộ giao diện người dùng hệ điều hành Android. Điều đó có nghĩa là tất cả các menu và ngăn kéo ứng dụng. Nord không bao giờ giảm tốc độ làm mới của nó xuống.
Phần mềm
OnePlus Nord chạy hệ điều hành OxygenOS 10.5.4 với những cải tiến mới tạo ra trải nghiệm hài lòng với số động người dùng chung thành với thương hiệu này.
OnePlus Switch là công cụ truyền dữ liệu tích hợp tương thích với các thiết bị Android khác thông qua ứng dụng OnePlus switch hoặc thiết bị iOS thông qua đăng nhập iCloud sẽ lấy dữ liệu từ bản sao lưu. Đó là một trong những giải pháp di chuyển dữ liệu linh hoạt.
Máy quét vân tay cũng được tích hợp trong màn hình, nó thực sự nhận dạng nhanh chóng và có khả năng mở khóa đáng tin cậy. Tuy nhiên cảm biến vân tay ở Nord lại đặt rất thấp trên một màn hình dài, vì thế bạn sẽ phải duỗi tay khá nhiều để mở khóa.
Tính năng “Màn hình luôn bật” được yêu cầu rất nhiều ở thời gian trước. Và trong năm nay, nó đã xuất hiện trên Nord và chiếc OnePlus 8 Pro. Nó xuất hiện dưới dạng một chiếc đồng hồ Ambient Display có thể tùy chỉnh.
Có rất nhiều tùy chọn tùy chỉnh trực quan trong Oxygen OS, được tìm thấy trong menu “Cài đặt” chuyên dụng. Tại đây, bạn có thể thay đổi giao diện người dùng và bạn có thể chọn chủ đề sáng, chủ đề tối hoặc chủ đề bán tối.
Live Caption là một tính năng tương đối mới, hiện đã có trên các thiết bị OnePlus và Oxygen OS. Nó sẽ tự động chạy phụ đề cho âm thanh từ điện thoại và đây là tính năng thiết kế riêng cho người khiếm thính. Tuy nhiên nó chỉ hỗ trợ tiếng Anh nên không khả dụng lắm ở Việt Nam.
Hiệu năng
OnePlus Nord không phải là một chiếc Flagship mà nó là một sản phẩm tầm trung. Nó được trang bị bộ xử lý Snapdragon 765G và nó mang tới hiệu năng hàng đầu trong phân khúc này. Với sự tinh chỉnh tối ưu hóa phần mềm và nhiều tính năng phụ trợ, nên nó lại mang tới hiệu năng tốt nhất trong số các mẫu điện thoại sử dụng 765G tương tự.
Bộ xử lý Octa-core (1×2,4 GHz Kryo 475 Prime & 1×2,2 GHz Kryo 475 Gold & 6×1,8 GHz Kryo 475 Silver) đi kèm với GPU 620. Bên cạnh đó OnePlus Nord có rất nhiều phiên bản bộ nhớ với Ram tối đa 12GB và bộ nhớ trong tối đa 256GB.
Hiệu năng CPU
Đánh giá hiệu năng CPU qua GeekBench 5.1 chúng ta có thể thấy OnePlus Nord luôn chiếm vị trí đầu trong phân khúc tầm trung và vượt qua cả chiếc vivo X50 Pro nữa. Nhưng tới bài hiệu năng lõi đơn thì bị vivo X50 Pro bỏ qua một đoạn. Tất nhiên minh đang nói tới những chiếc điện thoại tầm trung sử dụng Snapdragon 765G. Những chiếc cao cấp dùng Snapdragon 865 mới nhất thì đương nhiên ở một đẳng cấp khác.
GeekBench 5.1 (đa lõi)
GeekBench 5.1 (lõi đơn)
Hiệu năng GPU
Đánh giá GPU với bài 3Dmark chúng ta vẫn thu được một kết quả khả quan nhất trong phân khúc. Hiệu năng này vẫn chiụ ảnh hưởng khá lớn với điểm số đến từ tốc độ làm mới màn hình. Ở tốc độ 90Hz đứng đầu phân khúc là xứng đáng.
3DMark SSE OpenGL ES 3.1 1440p
3DMark SSE Vulkan 1440p
Hiệu năng tổng thể
Đánh giá điểm hiệu năng tổng thể không gây cho chúng ta bất ngờ khi OnePlus Nord vẫn đứng hàng đầu với những điểm số cao. Nó chỉ thua kém đôi chút với vivo X50 Pro nhưng lại vượt xa các đối thủ khác trong phân khúc.
Khả năng chơi game
Không phải là một chiếc Flagship như OnePlus 8, nó không có bộ xử lý Snapdragon 865 hàng đầu. Nhưng OnePlus Nord trang bị Snapdragon 765G mạnh mẽ nhất tầm trung và tối ưu hóa cho chơi game. Không những thế bạn còn có chế độ Fnatic hỗ trợ tối ưu hóa không gian bộ nhớ và ứng dụng, tắt thông báo để tránh làm phiền khi đang chơi game.
OnePlus Nord chơi LPUBG mobile
Khi chơi thử PUBG mobile, bạn sẽ có trải nghiệm mượt mà nhưng không thể đạt max sitting như ở các điện thoại cao cấp. Ở đây bạn chỉ chơi được ở mức đồ họa HD thôi, nó không hỗ trợ HDR hay UHD nhé. Nói chung với cài đặt đồ họa HD thì máy chạy vẫn ngon, fps không tụt nhiều. Khi bạn bật màn hình 90Hz thì fps trò chơi luôn duy trì ở mức 59-60 fps nhé. Bởi nó cũng tối đa chỉ tới đấy, nhưng thực sự là mượt đấy.
Một điều thú vị nữa là máy này không nóng lên nhiều lắm khi chơi game nhé. Mặc dù chơi qua vài trận PUBG thì nó vẫn không tăng nhiệt lên quá cao. Nó duy trì ổn định ở tầm 35 độ mà thôi.
Camera
OnePlus Nord trang bị bộ tứ camera sau cùng những cắt giảm cho phù hợp với phân khúc tầm trung. Đương nhiên 4 camera là điều rất bình thường khi so sánh với các đối thủ ở phân khúc này.
Camera chính là một cảm biến Sony IMX586, 48MP, 0,8µm, 1 / 2,25 “, Quad-Bayer, phía sau một ống kính f/ 1.8. Cảm biến này bê nguyên từ OnePlus 8 sang và những tính năng chính đều nằm trên camera này. Nó không có camera tele và ống kính siêu rộng cũng giảm cảm biến xuống 8MP. Nó có thêm một cảm biến chiều sâu 5MP và một camera macro 2MP nữa.
Có một điểm khá hay với máy ảnh này là bạn nhấn đúp phím nguồn sẽ kích hoạt được ứng dụng máy ảnh. Mặc dù thao tác này có thể sẽ cần chờ tầm 2 giây nhưng rất tiện lợi. Khả năng chụp ảnh cũng rất nhanh chóng nhưng sẽ có một độ trễ nhỏ nếu như bạn vừa chụp ảnh xong và vào xem ảnh ngay lập tức.
Camera chính
Trong điều kiện đủ sáng thì camera chính cho hình ảnh đầy đủ chi tiết. Màu sắc bão hòa tốt hơn, độ tương phản cao nhưng nó cũng có đôi chút hạt trên bầu trời nếu bạn phóng lớn ảnh đã chụp lên. Chế độ HDR luôn bật và hoạt động tốt ở hậu trường.
Ảnh chụp đủ sáng từ OnePlus Nord
Bạn cũng có thể chụp với độ phân giải gốc 48MP từ camera chính, nó có nút chuyển đổi riêng trên thanh điều hướng mà không cần chuyển sang chế độ Pro như trước đây nữa. Hình ảnh nhận được sẽ tăng thêm một chút chi tiết nhưng đổi lại sẽ nhiều nhiễu hơn và dung lượng lưu trữ cao hơn.
Ảnh chụp tele 2x kỹ thuật số từ OnePlus Nord
Chúng ta sẽ không có camera tele với Nord nhưng bạn cũng có thể chụp zoom 2x từ camera chính, đó là zoom kỹ thuật số. Hình ảnh sẽ được cắt từ trung tâm hình ảnh nhận được từ camera chính. Đầu tiên nó sẽ tạo ra một tấm ảnh 12MP như thường, sau đó cắt trung tâm và nâng cấp nó lên 12MP. Như vậy chúng ta sẽ có hình ảnh zoom 2x, nó hơi mờ và nhiễu nhưng vẫn sử dụng tốt nhé.
Ảnh chụp thiếu sáng từ camera chính OnePlus Nord
Chất lượng hình ảnh chụp được từ camera chính trong điều kiện thiếu sáng vẫn hơi kém. Nhưng đó là so sánh với các điện thoại phân khúc cao cấp, còn đối với tầm trung thì nó vẫn đứng đầu đấy. Mức độ chi tiết cao, độ tương phản, dải động, bão hòa màu sắc đều rất đáng khen ngợi.
Ảnh chụp chế độ ban đêm từ camera chính
Chế độ Nightscape được áp dụng, nó không chỉ giúp hình ảnh sáng hơn mà còn có thêm nhiều chi tiết, độ tương phản cao và cân bằng trắng tốt. Hiệu quả của nó thực sự thuyết phục mình.
Camera góc rộng
Camera góc siêu rộng có mặt ở đây nhưng nó bị hạ thấp cảm biến xuống còn 8MP so với cảm biến 16MP thông thường. Đây là điều OnePlus làm để cắt giảm chi phí cho một thiết bị tầm trung. Nhìn chung hình ảnh vẫn được hiệu chỉnh rất tốt, độ sắc nét và dải động vẫn tương đương với camera chính.
Ảnh chụp từ camera góc siêu rộng OnePlus Nord
Khi chụp ảnh siêu rộng bạn có thể bật/tắt hiệu chỉnh ống kính để tạo ra hiệu ứng mắt cá nếu muốn. Chế độ hiệu chỉnh siêu rộng này luôn bật ở mặc định, nhưng khi bạn tắt đi sẽ có hiệu ứng mắt cá và các góc sẽ bo cong dẫn tới biến dạng.
Chế độ ban đêm trên camera góc cực rộng OnePlus Nord
Chế độ ban đêm cũng được hỗ trợ trên camera góc cực rộng này. Khả năng của nó thực sự gây ấn tượng, mặc dù hình ảnh nhận được không thể so sánh với camera chính. Tuy nhiên bạn phải nghĩ rằng camera góc siêu rộng chỉ có 8MP mà thôi, hình ảnh nhận được cực tối, thiếu nét nhưng nó đã lột xác sau khi áp dụng Nightscape.
Chân dung
Nhờ có sự hỗ trợ từ một cảm biến chiều sâu 5MP mà bạn có thể nhận được những tấm hình chân dung tuyệt vời. Hình ảnh chân dung trông rất ấn tượng, nó nhận chủ thể nhanh chóng và tách đối tượng tuyệt vời. Tất nhiên ảnh chân dung là sự kết hợp giữa camera chính và cảm biến chiều sâu. Nhưng bạn có 2 chế độ chân dung là 1x và 2x cho những khung hình khác nhau.
Ảnh chân dung 1x và 2x có làm đẹp từ OnePlus Nord
Bạn sẽ không tìm thấy một thanh điều chỉnh độ mờ hậu cảnh, tuy nhiên bạn sẽ hài lòng với chế độ mặc định như vậy. Ngoài ra bạn còn có một nút bật và tắt chế độ làm đẹp khi muốn chụp chân dung.
Camera macro
Chúng ta có một camera macro lấy nét cố định 2MP. Nó có độ phân giải thấp nên hình ảnh không nhiều chi tiết lắm, cộng với đó là khẩu độ f/2.4 hơi mờ. Tuy nhiên nếu bạn có đủ kiên nhẫn để đưa chủ thể vào tầm ngắm thì vẫn có được những tấm hình cận cảnh sử dụng được. Tất nhiên chỉ dừng lại ở sử dụng được mà thôi, nó không quá nhiều chi tiết như mong muốn.
Ảnh chụp Macro từ OnePlus Nord
Camera trước
Bạn sẽ có một bộ đôi camera selfie ở phía trước. Đó là một camera chính 32 MP và một camera ultrawide 8MP. Cả 2 ống kính đều có khẩu độ f / 2.5 hơi tối với tự động lấy nét.
Trong điều kiện ánh sáng đầy đủ thì cả 2 camera này đều hoạt động tuyệt vời tới đáng ngưỡng mộ. Độ chi tiết cao, sắc nét với màu sắc rực rỡ nhưng không quá bão hòa.
Ảnh chụp từ camera selfie chính OnePlus Nord
Máy ảnh selfie siêu rộng tạo ra hình ảnh bão hòa hơn một chút và vẫn có độ mềm góc đáng kể. Nhưng nhìn chung chất lượng hình ảnh là chấp nhận được. Hơn nữa bạn còn có chế độ làm đẹp cho cả 2 camera, thậm chí bạn còn có 3 mức độ làm đẹp để lựa chọn. Tất nhiên nó sẽ không làm đẹp quá đà
Ảnh selfie siêu rộng từ OnePlus Nord
Bạn cũng có thể sử dụng camera selfie để chụp đêm nhưng chất lượng hình ảnh không đáng kể. Nó có thể dùng được nhưng không có gì đáng chú ý ở đây cả.
Quay video
OnePlus Nord có thể quay video ở tốc độ lên tới 4K @ 30fps từ cả camera chính và camera siêu rộng của nó. Ở độ phân giải 4K đầy đủ, các clip từ camera chính trông rất đẹp, nhưng vẫn chưa hoàn hảo. Màu sắc trông đẹp nhưng có thể là hơi quá bão hòa. Mức độ chi tiết là tuyệt vời.
Cảnh quay 4K từ siêu rộng có dải động hẹp, đầu ra nhiễu hơn và chất lượng tổng thể thấp hơn. Về mặt tích cực, OnePlus đã điều chỉnh siêu rộng để tạo ra cảnh quay tương tự về màu sắc.
Tuổi thọ pin
OnePlus Nord trang bị viên pin Li-Po 4.115 mAh nhỏ hơn một chút so với người anh em cao cấp OnePlus 8. Với chipset Snapdragon 765G tương đối hiệu quả, được sản xuất trên tiến trình Samsung EUV LPP 7nm. Nó dường như sinh ra để thể hiện khả năng của mình trong độ bền pin.
Điều đáng chú ý là không có sự chênh lệch quá nhiều khi bạn sử dụng màn hình 90Hz và 60Hz. Nó vẫn cho bạn 100 giờ độ bền.
- Thời gian đàm thoại 3G Talk Time 25 giờ 5 phút
- Thời gian lướt web với wifi 13 giờ 22 phút
- Thời gian phát lại video 18 giờ 15 phút.
OnePlus Nord đi kèm với bộ sạc nhanh 30W Warp Charge. Bộ sạc nhanh này không có gì nổi bật trên thị trường vì giờ đây đã có những bộ sạc trên 100W rồi. Tuy nhiên tốc độ sạc này vẫn thực sự nhanh, nó không như quảng cáo của thương hiệu là 70% trong 30 phút nhưng nó làm được 60% trong khoảng thời gian đó. Hơn nữa nó cũng sạc đầy chỉ với một giờ 5 phút mà thôi.
So sánh với đối thủ
Moto G 5G Plus
Moto G 5G Plus là một lựa chọn xứng tầm trong cùng mức giá với OnePlus Nord. Tuy nhiên Moto G 5G Plus chỉ có một màn hình IPS LCD mà thôi, mặc dù nó cũng hỗ trợ 90Hz cùng HDR10+. Bộ xử lý tương đương nhau nhưng bản G của Nord tối ưu cho game hơn. Bộ tứ camera có vẻ giống nhau nhưng macro 5MP có hỗ trợ lấy nét là một điểm mạnh của Moto G 5G Plus. Vân tay gắn bên là điều bắt buộc với màn hình LCD nhưng nó lại có pin khủng 5000 mAh, hơn nữa sự có mặt của jack cắm tai nghe và thẻ nhớ càng là ưu tiên lựa chọn của nhiều người.
Oppo Reno3 Pro
Oppo Reno3 Pro là một lựa chọn tuyệt vời khác với hoàn thiện hai mặt kính sang trọng hơn. Vẫn là một màn hình tương đương nhau nhưng nó hơi lơn hơn một chút ở mức 6.5 inch. Bộ xử lý Snapdragon 765G như nhau cho hiệu năng tương đương. Bộ tứ camera tương đương nhưng nó không có macro và đổi lại là camera tele 2x, tuy vậy camera selfie kép lại là lợi thế của Nord.
Xiaomi Mi Note 10
Nó có hoàn thiện hai mặt kính sang trọng hơn với một màn hình AMOLED tương tự Nord nhưng không có tốc độ làm mới cao, bộ sử lý Snapdragon 730G kém hơn một chút. Nhưng Xiaomi Mi Note 10 nổi bật hẳn với 5 camera sau cực kỳ linh hoạt cùng với camera chính lên tới 108MP. Pin sạc cũng khủng hơn với viên pin 5.260 mAh.
Samsung Galaxy A71
Một lựa chọn tương đương khác chính là Galaxy A71. Một màn hình AMOLED như nhau nhưng không có tốc độ làm mới 90Hz, ngược lại nó có màn hình lớn hơn đáng kể. Bộ xử lý như nhau trên bản quốc tế nhưng phần camera có vẻ như Galaxy A71 nhỉnh hơn một chút. Nó có camera chính 64MP với camera macro 5MP vượt trội hơn. Ngược lại Nord có camera selfie kép nổi bật hẳn trong phân khúc.
Kết luận
9.2 Điểm Đánh Giá Sự nổi bật mới ở phân khúc tầm trung
Mang trong nhiều điểm nổi bật về màn hình, hiệu năng và camera. OnePlus Nord đang là một lựa chọn xứng đáng ở phân khúc tầm trung.
ƯU ĐIỂM
- Thiết kế đẹp, thanh trượt cạnh bên tiện dụng
- Màn hình OLED 90Hz siêu sáng, chính xác và mượt mà, hỗ trợ HDR10 + và quản lý tốc độ làm mới tự động thông minh
- Hiệu suất tốt nhờ Snapdragon 765G.
- Tuổi thọ pin tuyệt vời ngay cả ở chế độ 90Hz.
- Sạc nhanh.
- Hệ điều hành Oxygen với nhiều tính năng hơn bao giờ hết. Đem lại trải nghiệm Android thú vị nhất hiện có.
- Hiệu suất camera chính xuất sắc trong phân khúc
NHƯỢC ĐIỂM
- Khung nhựa; camera selfie kép có nghĩa là một lỗ bấm lớn.
- Không có jack cắm âm thanh 3.5mm
- Không có khe cắm thẻ nhớ microSD
- Không có đèn LED thông báo.
- Loa đơn với hiệu suất không ấn tượng.
- Zoom 2x không ấn tượng
OnePlus Nord là một sản phẩm mới của năm 2020 với mục tiêu đánh dấu sự có mặt ở phân khung tầm trung của OnePlus. Nó có một thiết kế đẹp, màn hình đẹp với tốc độ làm mới 90Hz và HDR10+, hiệu năng tối ưu từ Snapdragon 765G. Ngoài ra thời lượng pin cao cùng với sinh trắc học nhanh chóng cũng là ưu thế vượt trội của một chiếc điện thoại tầm trung. Tuy nhiên hoàn thiện bằng nhựa, không có jack cắm tai nghe, không có thẻ nhớ lại dùng loa đơn cũng là những nhược điểm cần nhắc tới. Hãy lựa chọn theo nhu cầu của bản thân nhé, còn mình thì chắc chắn sẽ sở hữu nó ở một ngày không xa.