Các bạn cần một cỗ máy chơi game thực thụ, nhưng tất nhiên ngoài chơi game ra thì ai cũng có công việc của mình. Bạn muốn một chiếc laptop có sự đẳng cấp nhất ở cả 2 thế giới này, một thứ gì đó thanh mảnh mang lại hiệu quả công việc cao như Macbook của Apple, nhưng vẫn mạnh mẽ như một cỗ máy PC gaming thực thụ. Đó chính là sứ mệnh của dòng Razer Blade.
Năm nay, Razer đã cách mạng hóa dòng Blade lên hẳn một tầm cao mới, hãng đã bỏ hoàn toàn phiên bản 14-inch để thay thế phiên bản 15-inch, nhưng kích thước vẫn gần như không thay đổi nhờ viền màn hình siêu mỏng, và đây chính là một trong những cỗ máy gaming mỏng nhất trên thế giới hiện nay.
THIẾT KẾ
Thiết kế dòng Razer Blade đã thay đổi khá nhiều. Dù vẫn là kiểu thiết kế nhôm nguyên khối unibody, nhưng năm ngoái, Razer Blade bo cong tròn tròn trông khá giống MacBook và cũng thường được mọi người ví như MacBook chạy Window. Năm nay thiết kế có nét và đặc trưng hơn, nhìn máy vuông vức lại tối giản đến mức tối đa nên khi mới nhìn qua khá giống với một chiếc hộp. Mặt trên được sơn phủ nhám và chỉ có duy nhất chỉ có logo rắn 3 đầu phát sáng chính giữa rất tinh tế.
Về chất lượng build, nói cứng như đá thì hơi quá nhưng thực sự nó rất chắc chắc, thậm chí mình cho rằng nó cứng cáp hơn cả Macbook Pro của Apple. MacBook Pro làm quá mỏng nên vỏ nhôm sẽ không thể dày bản được như Razer Blade. Mà hơn nữa với laptop, thực sự chúng ta cũng không cần quá mỏng đến như vậy, chỉ cần như Razer Blade 15 2018 là đủ: chắc chắn nhưng vẫn đảm bảo tính di động cao tuyệt đối.
Sự đẳng cấp của chiếc Razer Blade này cũng sẽ cảm nhận thấy ngay khi các bạn gập mở máy, bàn lề hoàn thiện rất tốt, mình gập mở máy không cần quá nhiều lực nhưng lúc gập mở, một khi đã thả tay là nó sẽ giữ màn hình lại ngay tại vị trí đó, chứ không bị đung đưa hay bị đẩy 1 thêm chút nữa do lực quán tính giống như những bản lề thông thường.
CỔNG KẾT NỐI
Razer Blade có gần như đẩy đủ các cổng kết nối mà bạn cần: 3 cổng USB-A, jack tai nghe, MiniDisplayport, HDMI và cả Thunderbolt 3 để có thể kết nối qua eGPU - một khi các bạn cắm vào egpu thì nhiệt độ CPU khi chơi game có thể giảm tới 20-30 độ, nhưng đó là câu chuyện khác, mình sẽ làm 1 video nữa kỹ hơn để cho các bạn thấy. Hơi tiếc là chúng ta sẽ không có khe thẻ nhớ SD.
BÀN PHÍM & TOUCHPAD
Cảm giác gõ phím tương tự như phiên bản tiền nhiệm. Khoảng cách hợp lý, phản hồi nhanh nhạy, nhưng hành trình phím thì hơi nông 1 chút. Trải nghiệm nhìn chung là tốt nhưng chưa đạt mức hoàn hảo. Bù lại, dải led Chroma lên tới hơn 16 triệu màu trên màn phím này là cực kỳ đẹp: led rất trong và sáng, thậm chí cường độ sáng còn được chia thành 15 nấc khác nhau và khi để mức tối đa thì ngay cả ở môi trường ánh sáng mạnh nhìn cũng sẽ rất nổi bật.
Touchpad có không gian rộng rãi và đây chính là touchpad trên laptop window rộng nhất, di mượt và phản hồi chính xác cộng thêm việc hỗ trợ precision touchpad nên cảm giác sử dụng là rất đã. Các nút click chuột trái phải tích hợp ngay dưới bề mặt, bấm yên tĩnh, chắc chắn và cũng k cần quá nhiều lực.
MÀN HÌNH & LOA
Màn hình của Razer Blade có 3 option khác nhau:
Phiên bản của mình là FullHD với tần số quét rất cao 144Hz mang lại trải nghiệm gaming nhanh hơn mượt hơn, ngay cả việc đọc báo lướt web bình thường cũng đã cảm thấy sướng hơn nhiều.
Chất lượng hiển thị của màn hình là rất tốt, màu sắc đầy đủ, chính xác:
- 96% sRGB
- 70% adobeRGB
- Độ chính xác màu: deltaE = 1.4
- Độ sáng: 310 nits
Ngoài ra, màn hình Razer Blade còn có option 4K 60Hz hướng đến đối tượng những người làm sáng tạo chuyên nghiệp, nhưng FullHD 144Hz cũng đã cho trải nghiệm về hình ảnh là tốt lắm rồi.
2 loa được đặt 2 bên bàn phím, cải dải âm thể hiện chi tiết và vẫn có bass nhẹ, nhưng nó vẫn chưa thể bàng được chiếc Razer Blade Pro hay Macbook Pro. Dù sao thì nó cũng tốt hơn rất nhiều so với các đối thủ.
CẤU HÌNH
Cấu hình phiên bản mình đang có ở đây là max option - Giá: 2599$:
- CPU: Corei7-8750H, 6 nhân 12 luồng, 2.2-4.1GHz
- Card đồ họa: Nvidia Geforce GTX 1070 Max-Q
- RAM: 16GB DDR4 2666MHz
- SSD: 512GB
CPU i7-8750 6 nhân 12 luồng rất phù hợp để làm các tác vụ đòi hỏi tính đa nhiệm cao.
Nói về card đồ họa, rất nhiều mẫu laptop cùng có kích thước gần như tương đương Razer Blade chỉ dám dừng lại ở GTX1060 max-q hay thậm chí GTX 1050Ti, nhưng Razer Blade 2018, bên cạnh option GTX1060 max-q thì chúng ta có tận GTX 1070 max-q, và hiệu năng của con quái vật này trong các trận game vẫn rất mạnh mẽ và ổn định, nó giúp đẩy fps trong game để tận dụng được màn hình 144Hz nên trải nghiệm thị giác khi chơi game trên Razer Blade 2018 là cực kỳ đã.
Tất nhiên nó sẽ hơi nóng và xung nhịp CPU có giảm đôi chút, nhưng mình không gặp bất kì hiện tượng nào tụt FPS đột ngột. Và mức nhiệt độ 80 cho GPU và khoảng 90 ở CPU là hoàn toàn chấp nhận được. Thực ra, khi chơi kéo dài liên tục trên một chiếc laptop mỏng nhẹ thì chỉ cần FPS trong game dạo động ở mức vừa phải đã là tốt lắm rồi, nhưng với Razer Blade fps vẫn rất ổn định, đảm bảo một trải nghiệm gaming đã nhất.
TẢN NHIỆT
Để tản nhiệt cho một chiếc laptop mỏng nhẹ như thế này không phải là 1 điều dễ dàng và không phải hãng nào cũng có thể làm được. Ngay cả với chiếc Razer Blade này nó vẫn chưa đạt đến mức hoàn hảo, nhưng nó đã được cải thiện hơn rất nhiều so với phiên bản tiền nhiệm cũng như hiệu quả hơn rất nhiều các mẫu máy trong cùng phân khúc. Vậy Razer Blade nào đã làm như thế nào?
Thay vì dùng các ống heatpipe dẫn nhiệt truyền thống, thì Razer Blade sử dụng cơ chế tản nhiệt buồng hơi gọi là Vampor Chamber. Cụ thể bên trong lớp đồng này có chứa chất lỏng, khi được làm nóng, chất lỏng sẽ chuyển từ trạng thái lỏng sang hơi và ngược lại. Cách tản nhiệt này đã được sử dụng trên chiếc Razer Phone 2 và nó cũng thực sự hiệu quả trên chiếc Razer Blade này.
Nhân tiện trong quá trình khám phá cơ chế tản nhiệt Vampor Chamber này thì mình cũng tiện tra lại keo tản nhiệt MX-4, xung CPU đã tăng lên rất nhiều, ổn định hơn mà nhiệt độ cũng chỉ khoảng 90 độ C mà thôi.
Trước khi tra keo (Trái), Sau khi tra keo (Phải)
Bên cạnh cơ chế tản nhiệt mới, thì 2 miếng cao su dày ở phía đáy máy cũng giúp máy lưu thông luồng nhiệt tốt hơn. Razer Blade cũng tản nhiệt qua bề mặt nữa, thế nên nhiệt độ phần kê tay khi chơi game là khá cao trên 40 độ. Còn phần nhiệt trên bàn phím là rất nóng, mình tin là các bạn không muốn chạm vào đó đâu.
Có một điều mình không thích lắm ở chiếc máy này là bật chế độ quạt ở mức tối đa chúng ta sẽ hơi phức tạp 1 chút, phải thông qua phần mềm razer synapse chứ không được trang bị hẳn 1 phím cứng như MSI hay Asus. Bù lại, tiếng quạt khi tải nặng là rất yên tĩnh, yên tĩnh hơn rất nhiều các mẫu gaming khác. Rõ ràng cơ chế tản nhiệt trên razer blade rất đáng để các hãng học hỏi theo.
KHẢ NĂNG NÂNG CẤP
Khả năng nâng cấp của máy cực kỳ dễ dàng, tháo vài con ốc, dùng tay gậy nhẹ lên là chúng ta đã tiếp cận được linh kiện bên trong:
- 2 khe Ram đã có thể nâng cấp trên phiên bản này chứ không bị hàn chết như năm ngoái
- 1 khe SSD M2
- Card wifi
THỜI LƯỢNG PIN
Viên pin lớn chiếm toàn bộ diện phần dưới, có dung lượng rất cao là 80 WHr, thời gian sử dụng khoảng 5 tiếng rưỡi với những tác vụ thông thường, có thể lên đến 7 tiếng nếu các bạn tối ưu một chút, không sử dụng đèn nền bàn phím và để độ sáng màn hình 50%.
TỔNG KẾT
Giá của Razer Blade 2018 là cao và chỉ phù hợp với những người có nguồn tài chính dư giả. Với cấu hình này bạn hoàn toàn có thể mua được Asus Zephyrus S: giá rẻ hơn khoảng gần 10 triệu, màn hình 144HZ 3ms, GTX 1070 thường có hiệu năng cao hơn 10% so với GTX1070 max-q trên Razer Blade 2018. Nhưng với 10 triệu hơn trên Razer Blade, các bạn sẽ có một chiếc máy có chất lượng build, mức độ hoàn thiện là tốt hơn rất nhiều. Và sự lựa chọn là ở bạn!
Ảnh: TheVerge