Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại cuộc họp góp ý một số nội dung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô diễn ra sáng 13-7 vừa qua.
Doanh nghiệp công nghệ có nên “kiêm” luôn làm vận tải?
PGS. TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả) chia sẻ, trong nền kinh tế hiện đại, các doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa, tập trung đầu tư vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị, tìm cách tối đa hóa hiệu quả kinh doanh. Ngoài các đơn vị cung cấp phần mềm ngoại như Uber, Grab và sắp tới là Go-Jek, hiện nay, một số doanh nghiệp nội địa như VATO, EMDDI, T.NET và Viettel (ứng dụng Gonow) cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc kết nối vận tải.
Vận tải ứng dụng công nghệ là tất yếu trong xu thế cách mạng công nghệ hiện nay
Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định 86 hiện tại vẫn giữ quan điểm rằng doanh nghiệp công nghệ, dù tham gia vào một công đoạn của hoạt động vận tải, sẽ bị coi là đơn vị vận tải và chịu các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải.
“Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, không hỗ trợ cho phát triển công nghệ. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại”, ông Ngô Trí Long nói.
Vì vậy, PGS. TS. Ngô Trí Long kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh nội dung của Khoản 1 Điều 3 và Khoản 4 Điều 16 trong Dự thảo, tránh việc buộc các đơn vị công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối hành khách phải xin phép kinh doanh vận tải bằng ô tô và phải đáp ứng các điều kiện như một đơn vị vận tải.
Ông Long cho rằng, quy định tại Dự thảo Nghị định này sẽ được áp dụng chung cho tất cả các đơn vị công nghệ, không chỉ là Uber hay Grab mà còn bao gồm rất nhiều start-up Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính.
Không nên áp đặt cái mới vào khuôn khổ cũ
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, sự phát triển công nghệ nảy sinh mô hình mới và áp đặt theo khuôn khổ cũ là không phù hợp, không nên gò ép mô hình mới vào hệ thống pháp luật chưa có hoặc cấm hạn chế. Cần có cách nhìn nhận mới và giải quyết xung đột với loại hình kinh doanh cũ.
Đại diện Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, theo Dự thảo hiện nay, việc quy định doanh nghiệp công nghệ giống như taxi truyền thống cần phải xem xét lại, nếu cố đưa vào thì khi ban hành Nghị định ra sẽ triệt tiêu sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng đánh giá đây là giai đoạn quá độ, có nhiều thách thức trong quản lý nhà nước cũng như tạo môi trường kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ. Yêu cầu tất yếu là phải ứng dụng công nghệ mới phù hợp với thực tiễn phát triển, việc tăng cường công tác quản lý không chỉ là trách nhiệm của Bộ GTVT mà còn là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thì cho rằng, về xung đột giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, taxi truyền thống cần ứng dụng công nghệ để tăng cường quản lý nội bộ và phục vụ tốt quản lý Nhà nước. Taxi truyền thống phải thích nghi, nếu không sẽ bị đào thải.
Theo lộ trình, trong tháng 7 này, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP để xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành.
Châu Anh (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/ung-dung-cong-nghe-trong-giao-thong-van-tai-la-tat-yeu-khach-quan.html