Các doanh nghiệp cho rằng đề xuất tăng thuế TTĐB với ô tô bán tải là chưa hợp lý
Vì sao tăng thuế?
Viện dẫn lý do cho việc tăng thuế TTĐB với dòng xe bán tải, Bộ Tài chính cho rằng có nhiều căn cứ, trong đó có nhu cầu tiêu thụ, sản xuất trong nước để tránh việc nhập khẩu ồ ạt vào nước ta. “Nếu xe bán tải được sử dụng làm phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng đến cả nền công nghiệp ô tô trong nước” - ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong những năm qua, số lượng xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh. Nếu như năm 2012, lượng xe tiêu thụ chỉ là gần 3.300 chiếc thì tới năm 2016, lượng xe tiêu thụ đã lên tới hơn 28.000 chiếc. Đáng chú ý, trong số xe đã tiêu thụ, xe nhập khẩu chiếm phần lớn, còn lại, xe lắp ráp trong nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Ngoài ra, do loại xe này có mức thuế thấp hơn so với ô tô chở người có cùng số chỗ (xe SUV có mức thuế TTĐB với dòng có dung tích xilanh 2.500 -3.000cm3 lên tới 55%) nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang dùng xe bán tải như phương tiện cá nhân.
Đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính, bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia cao cấp về thuế và hải quan cũng cho rằng xe pick up chạy ngoài đường cũng giống như xe con cho nên cần đưa về 1 thuế suất như với xe con.
Theo quy định hiện hành, mức thuế với dòng xe này đang dao động trong khoảng 15- 25% tùy dung tích xilanh. Nếu mức thuế tăng lên theo đề xuất của Bộ Tài chính thì mức thuế với xe bán tải có thể tăng lên 33% do loại xe này chủ yếu có dung tích xilanh khoảng 2.000 - 3.000 cm3, tương đương với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống đang chịu mức thuế 55%.
Doanh nghiệp phản ứng
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cho rằng những viện dẫn để tăng thuế của Bộ Tài chính là chưa thuyết phục. Đại diện Công ty Ford Việt Nam cho rằng, luận điểm cho rằng xe bán tải hiện nay được sử dụng rất nhiều và sử dụng để chở người như xe con chưa được chứng minh. “Tại rất nhiều cuộc họp, chúng tôi đã yêu cầu Bộ Tài chính phải có số liệu cụ thể. Bởi vì, theo thống kê của Ford, hiện trên 70% khách hàng mua xe đăng ký dưới tên của doanh nghiệp và họ đang sử dụng với mục đích thương mại, vừa chở người vừa chở hàng” - đại diện Ford Việt Nam nói.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, tại lần sửa đổi thuế TTĐB với xe bán tải trước đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế này với xe bán tải bằng 60% thuế suất thuế TTĐB của xe chở người dưới 9 chỗ.
“Vấn đề này đã được Quốc hội rà soát cân nhắc và quyết định cũng tăng nhưng không đến mức bằng 60%. Lần này Bộ Tài chính lại đề xuất tăng lên 60% nhưng chúng tôi không thấy có lập luận nào mới. Vì vậy, chúng tôi đề nghị để bảo đảm ổn định thuế suất và bảo đảm doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài thì cần giữ nguyên thuế TTĐB với xe bán tải như hiện nay” - đại diện Ford Việt Nam đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty TNHH General Motors Việt Nam, cho rằng việc Bộ Tài chính đưa ra khái niệm “xe bán tải” hay “xe vừa chở người vừa chở hàng” là không rõ ràng. “Khái niệm xe vừa chở người vừa chở hàng không hề tồn tại trong bất cứ văn bản pháp luật nào của nhà nước. Xe bán tải cũng chỉ là cách gọi “dân gian”. Việc Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế TTĐB với xe vừa chở người vừa chở hàng bằng 60% xe con là không rõ ràng” - ông Nguyễn Văn Quý nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quý, không phải ngẫu nhiên người ta xếp xe pick up vào loại xe tải để được chịu thuế suất thấp chứ không phải coi nó như xe con. Hiện xe pick up thuế nhập khẩu trong ASEAN là 5% (xe con là 30%), thuế nhập khẩu ở các nước khác là 70%.
“Bộ Công Thương còn muốn đánh thuế TTĐB với xe bán tải như xe con nhưng họ quên rằng khi được xếp vào nhóm xe tải, xe pick up chỉ có niên hạn sử dụng 25 năm, sau 25 năm thì vứt đi, không được hoán cải và không được làm gì hết. Nhưng nếu nó là xe con thì nó được dùng mãi mãi, không có thời hạn nào cả. Tôi thực sự chưa tìm ra lý do nào để tăng thuế với dòng xe này, nếu không muốn nói là cần phải giảm về 0% như các xe tải khác”, đại diện General Motors lập luận.
Linh Nhật (ANTĐ)