Theo báo cáo báo cáo số 34/BC-BCT về đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển của Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa với xe 9 chỗ đến nay mới đạt tỷ lệ bình quân 7-10%; trong đó, Thaco đạt tỷ lệ nội địa hóa 15-18%, Toyota là 37%
Để có thể khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng như tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất thay đổi giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt TTĐB đối với xe sản xuất trong nước, cụ thể không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng). Đề xuất này có thể sẽ là giải pháp tốt làm tăng năng lực cạnh tranh cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Tài Chính mới đây cũng đã đưa ra đề xuất không giảm thuế nhập khẩu đối với những phụ tùng đã sản xuất được trong nước, trước mắt, tập trung vào các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, ưu đãi cho dòng xe từ 2.000cc trở xuống, có mức tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100km và đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 (tương đương Euro 4 trong giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi); dòng xe tải nhẹ có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 (từ năm 2022 trở đi)
'Ưu đãi cho sản xuất trong nước' là chưa đủ?
Theo các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam, việc 'ưu đãi cho sản xuất trong nước' là chưa đủ. Theo họ nên giảm thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018 cho tất cả các linh kiện CKD được nhập khẩu bởi các nhà sản xuất ô tô điều này mới tạo nên ”sự cân bằng” về thuế nhập khẩu giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho rằng sau năm 2018 thị trường sẽ tràn ngập xe từ ASEAN với thuế nhập khẩu bằng 0% và đe dọa sự tồn tại trong nước. Vì thế trong giai đoạn các thành viên VAMA đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất tại Việt Nam thì việc Bộ Tài Chính yêu cầu các nhà sản xuất phải gia tăng sản lượng cũng như tỷ lệ nội địa hóa hằng năm một cách nhanh chóng và liên tục trong giai đoạn 2018 đến 2022 là không phù hợp.
Quỳnh Trang (Tuoitrethudo)