Từ nay đến 2020 Hà Nội sẽ ưu tiên xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị bằng các nguồn vốn theo cơ chế hợp tác công tư - PPP
Ưu tiên làm trước 3 tuyến
Bộ GTVT đồng thuận với Hà Nội đối với chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho 3 tuyến ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2020 là tuyến số 2, đoạn Nội Bài đi Nam Thăng Long (18km) và đoạn Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Bưởi (7km); tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc (38,4km); tuyến số 3, đoạn Nhổn - Trôi - Đan Phượng (5,9km). Tổng mức đầu tư 3 đoạn tuyến này ước tính là 5,118 tỷ USD. “Với nguồn lực đầu tư rất lớn, Bộ GTVT thống nhất với quan điểm, ngoài nguồn vốn vay ODA, cần huy động thêm từ các nguồn vốn khác theo cơ chế hợp tác công tư - PPP”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận.
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, trong đó, có 75,6km đi ngầm. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, Hà Nội đề xuất kêu gọi vốn ODA cho 2 dự án, gồm: tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình) và tuyến số 3 (đoạn từ ga Hà Nội đến Yên Sở, Hoàng Mai) đang chuẩn bị đầu tư. Các đoạn thuộc tuyến số 2, tuyến số 3, tuyến số 5 sẽ huy động vốn đầu tư theo cơ chế PPP.
Bộ GTVT cho biết, về cơ bản, các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đều thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia và thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thuộc về Quốc hội. Tuy nhiên, để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương báo cáo Quốc hội ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án như kiến nghị của UBND TP Hà Nội. Ngoài ra, để thúc đẩy các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Bộ GTVT thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đầu tư xây dựng đường sắt đô thị như đề nghị của UBND TP Hà Nội.
Bộ đưa ra nhiều khuyến nghị
Do quy mô đầu tư của các dự án rất đồ sộ, phức tạp về công nghệ, diện tích giải phóng mặt bằng lớn nên Bộ GTVT cũng đưa ra nhiều khuyến nghị để UBND TP Hà Nội cân nhắc thực hiện.
Cụ thể, đối với đề nghị Hà Nội có thể căn cứ Quy hoạch chi tiết các tuyến đường sắt đô thị được phê duyệt để triển khai trước việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai dự án, Bộ GTVT nhận thấy, trong bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, các dự án mới chỉ dự kiến quy mô, địa điểm và phương án thiết kế sơ bộ; đến bước báo cáo nghiên cứu khả thi, chủ đầu tư mới xác định cụ thể vị trí, hướng tuyến, quy mô, giải pháp kiến trúc, mặt bằng… của các tuyến đường sắt đô thị.
Do đó, nếu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ngay từ bước quy hoạch chi tiết thì sẽ gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến khiếu kiện do quy mô, phương án hướng tuyến trong quá trình lập dự án có thể sai khác so với quy hoạch được duyệt. Mặt khác, kinh nghiệm từ các dự án đường sắt đô thị đang triển khai cho thấy, do các dự án loại này có tính chất kỹ thuật phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư kéo dài, nếu thu hồi đất ngay từ bước quy hoạch chi tiết sẽ khó khăn cho công tác quản lý đất, tạo dư luận không tốt về dự án (dự án treo).
“Trong trường hợp chấp thuận việc thu hồi đất như kiến nghị của UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT đề nghị cần có nghiên cứu chi tiết để hạn chế các vướng mắc và xây dựng phương án khai thác có hiệu quả quỹ đất sạch đã được giải phóng mặt bằng trong thời gian chờ triển khai dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị.
Về việc cho phép chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo cơ chế PPP để chuẩn bị đầu tư và thực hiện một số hạng mục, Bộ GTVT cho rằng, việc chỉ định nhà đầu tư trước khi phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bên cạnh đó, nếu chỉ định nhà đầu tư trước khi phê duyệt dự án, sẽ khó đảm bảo được tính khách quan trong quá trình lập, phê duyệt dự án cũng như chắc chắn về năng lực của nhà đầu tư.
Hải Dương (ANTĐ)