Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng cho phép UBND tỉnh Sơn La là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan triển công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư để đánh giá tính khả thi, huy động nguồn lực thực hiện đầu tư dự án.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ làm cao tốc Hòa Lạc- Hòa Bình với tổng đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng
Theo đó, tuyến cao tốc Hòa Bình – Sơn La có điểm đầu kết nối với dự án cầu Hòa Bình 4, thuộc địa phận xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Điểm cuối tuyến cao tốc kết nối với đường Lê Đức Thọ, xã Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.
Tổng chiều dài tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La khoảng 189,5km, rút ngắn khoảng 40km so với QL6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, nếu thiết kế với tốc độ 80-100km/h thì thời gian di chuyển từ Sơn La về Hà Nội chỉ khoảng 2,5 giờ.
Do chiều dài và kinh phí đầu tư tuyến đường lớn, Bộ GTVT cho rằng, cần thiết phân đoạn đầu tư theo giai đoạn để phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, trong đó giai đoạn trước năm 2020 xem xét ưu tiên đầu tư đoạn Hòa Bình – Mộc Châu để đáp ứng nhu cầu vận tải, nguồn lực, cụ thể: đoạn Hòa Bình – Mộc Châu triển khai đầu tư trước năm 2020; đoạn Mộc Châu – Sơn La triển khai đầu tư sau năm 2020.
Theo khái toán tổng vốn đầu tư được Tư vấn TEDI tính toán trên cơ sở suất đầu tư có xét đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên khu vực, quy mô công trình các đoạn tuyến khoảng 50.270 tỷ đồng trong đó, đoạn Hòa Bình – Mộc Châu khoảng 25.000 tỷ đồng; đoạn Mộc Châu – Sơn La khoảng 25.270 tỷ đồng.
Khi tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La được hình thành sẽ kết nối mạng giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với tỉnh Hòa Bình và với Thủ đô Hà Nội (qua cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình) tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện; giảm tải cho tuyến QL6 đoạn Hòa Bình - Sơn La.
Ngân Tuyền (ANTĐ)