Hà Nội lên kế hoạch cụ thể xóa 41 điểm đen ùn tắc giao thông
Ùn tắc gia tăng
Theo Sở GTVT Hà Nội, ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp, sự đi lại của người dân, làm chậm tốc độ phát triển của thành phố. Giai đoạn 2011-2014, toàn thành phố có 89 điểm ùn tắc giao thông; năm 2015 giảm còn 44 điểm; năm 2016 giảm còn 41 điểm. 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã xóa được 6/41 điểm đen ùn tắc giao thông, tuy nhiên lại phát sinh một số điểm đen ùn tắc khác.
Sở GTVT Hà Nội nhận định, mặc dù có giảm về các điểm đen ùn tắc giao thông, tuy nhiên, tình trạng ùn, tắc vẫn diễn biến phức tạp, các điểm có nguy cơ xảy ra ùn, tắc có chiều hướng gia tăng. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch thực hiện một loạt các giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm, tiến tới xóa bỏ các điểm đen ùn tắc giao thông trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trước mắt, đối với 41 điểm ùn tắc giao thông, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở GTVT chủ trì cùng CATP Hà Nội thành lập Tổ công tác trực tiếp xuống thực địa nghiên cứu, phân tích, đánh giá và thống nhất phương án xử lý, khắc phục.
Theo đó, sẽ hoàn thiện công tác tổ chức giao thông để xóa bỏ 2 điểm ùn tắc giao thông cơ bản đã hoàn thành (Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu và Trung Văn - Tố Hữu); tại 8 điểm ùn tắc khác liên quan đến các dự án đang thi công, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và có phương án tổ chức giao thông khi thi công; đối với 4 điểm ùn, tắc liên quan đến dự án BRT, nghiên cứu hoàn thiện phương án tổ chức giao thông, điều chỉnh hợp lý các xe buýt kết nối với buýt nhanh BRT để cải thiện và tiến tới xoá bỏ ùn, tắc tại các nút này.
Còn đối với các điểm ùn tắc liên quan đến các dự án thi công đường sắt trên cao gồm tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, Sở yêu cầu chủ đầu tư các dự án đảm bảo tiến độ đã cam kết, bố trí lực lượng phối hợp hướng dẫn giao thông, đặc biệt không để phát sinh các điểm mới.
Đối với 15 điểm ùn, tắc liên quan đến phương án tổ chức giao thông, thành phố sẽ nghiên cứu, có phương án cụ thể cho từng điểm. Với 10 điểm ùn tắc do lưu lượng đông, mặt cắt đường hẹp, ngoài giải pháp sử dụng các lực lượng tham gia hướng dẫn giao thông, phải thường xuyên theo dõi đề xuất các giải pháp cụ thể xử lý ùn, tắc.
Không để phát sinh điểm “đen” mới
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, UBND TP đã giao Sở GTVT và CATP Hà Nội phải đưa ra dự báo, cảnh báo các tuyến, nút giao có thể xảy ra ùn tắc khi diễn ra các sự kiện, ngày lễ lớn và khi hoàn thành, khai thác sử dụng các khu đô thị, khu thương mại, khu công nghiệp để có giải pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng “xóa được điểm này lại phát sinh điểm mới”.
Sở GTVT cam kết chủ động rà soát phương án tổ chức giao thông tại các tuyến đường mới xây dựng, cải tạo. Tập trung vào các đường Vành đai 2, đoạn cầu Giấy - Nhật Tân, Ngã Tư Vọng - Tôn Thất Tùng - Lê Trọng Tấn; Nút giao QL5 - Vành đai 3. Đặc biệt, cần phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến các tuyến giao thông lân cận, trên cơ sở đó lập phương án tổ chức giao thông và khu vực ảnh hưởng để phát huy hiệu quả của công trình mới và giảm phát sinh các điểm ùn, tắc.
Cùng đó, TP Hà Nội còn đưa ra các nhóm giải pháp khác trong tổ chức, điều hành giao thông; cải tạo, nâng cấp các nút giao thông; cải thiện năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xử lý triệt để tình trạng xe dù, bến cóc, xe thô sơ, xe ba bánh tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, không đúng quy định; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong quản lý, sử dụng hè phố...
Trong đó, UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng hè phố, đồng thời sẽ thực hiện quản lý chặt chẽ đối với taxi truyền thống, Grab, Uber và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi...
Ngân Tuyền (ANTĐ)