Theo thống kê từ Sở GTVT TP.HCM, hiện thành phố có khoảng gần 7,9 triệu phương tiện (chưa tính hơn 1 triệu lượng phương tiện ngoại tỉnh đang lưu thông). Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), nếu 60% phương tiện lưu thông trên đường thì diện tích mặt đường đô thị toàn TP.HCM vượt năng lực khoảng 1,2 lần diện tích mặt đường đô thị.
Trong đó, đối với khu vực trung tâm như: quận 1, 3, 5 và 10, tỷ lệ này khoảng 2 lần năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông đô thị thành phố. Trong khi đó, với tổng số hơn 4.100km chiều dài cầu đường, có hơn 1.700km đường có bề rộng lòng đường trên 7m (chiếm hơn 41%), gần 2.100km đường không có vỉa hè hoặc có nhưng rất nhỏ dưới 1m (chiếm hơn 51%), khiến cho các phương tiện tham gia giao thông rất khó khăn.
Từ thực tế trên, theo các chuyên gia giao thông, ngoài việc gia tăng nhanh số lượng xe cá nhân hiện nay gây nên tình trạng quá tải hạ tầng giao thông đô thị, thì một nguyên nhân khác rất đáng lưu tâm là việc có quá nhiều xe chạy rỗng ngoài đường khiến cho giao thông ngày càng ùn tắc.
Trong Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.HCM, Tiến sĩ Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, nếu hạn chế được xe chạy rỗng trên đường sẽ tận dụng nhiều hành khách đi cùng một chuyến, một lộ trình, từ đó, tạo sự minh bạch trong cung cấp dịch vụ cho hành khách, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Tỷ lệ chạy rỗng của taxi khá cao là 1 trong những nguyên nhân gia tăng ùn tắc
Taxi chạy rỗng gia tăng ùn tắc
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TP.HCM) xác nhận, hoạt động của taxi truyền thống cần lưu ý tần suất chạy rỗng hiện nay của taxi truyền thống vẫn thuộc loại cao, như thế lại góp phần tăng lưu lượng xe trên đường, làm kẹt xe, tăng khí thải vào môi trường và làm đội giá.
Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM dù đang ở năm 2017, nhưng lượng xe taxi đã đạt 84% mức dự kiến của năm 2020 (10.711 xe/12.700 xe dự kiến) dù nhu cầu sử dụng thực tế không nhiều đến vậy. Câu chuyện cung - cầu và những áp lực đè lên giao thông đô thị thể hiện rõ trong cao trào của cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Trong khi mải “tố” taxi công nghệ chiếm thị phần của mình, nhiều hãng taxi truyền thống vô tình thừa nhận, taxi công nghệ đang khiến họ mất khách, doanh thu sụt giảm. Và để cạnh tranh, rất nhiều tài xế taxi “phải” chạy rỗng, phải “chạy vòng vòng để kiếm khách”.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến đô thị gia tăng ùn tắc, vì lượng xe rỗng phải chạy luồn lách để tìm khách. Bên cạnh đó, còn một lượng xe “dù” chạy vòng vòng để đón thêm khách tại các khu điểm nóng như bến xe, nhà ga hay các cửa ngõ ra vào thành phố, cũng trở thành điểm nóng cần giải toả, để giảm kẹt xe.
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị cho hay, ngoài việc khắc phục hạn chế trên thì chính quyền Hà Nội hay TP.HCM phải tổ chức xây dựng các tuyến đường ưu tiên dành cho xe buýt lẫn các loại hình xe công cộng khác, thậm chí là xe cá nhân nhưng phải đảm bảo chở đủ số lượng người theo thiết kế của mỗi loại xe. Điều này sẽ giúp giảm xe chạy rỗng ngoài đường, giảm lượng người và xe lưu hành trên đường, tiết kiệm chi phí liên quan, giảm ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông.
“Các hãng taxi truyền thống cũng có thể triển khai dịch vụ gọi xe qua ứng dụng như xe công nghệ, để chủ động giảm tỷ lệ xe chạy rỗng trên đường đón khách, từ đó, giảm áp lực đô thị, đồng thời, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải”, Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Nam Phong (ANTĐ)