Đường vào Phou Phanang
Sáng sớm, Admi – tay lái chuyên nghiệp đến từ Malaysia, người dẫn đường cho đoàn chúng tôi trong suốt hành trình trên đất Lào thông báo: “Hôm nay, chúng ta sẽ có trọn một ngày khám phá Khu bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia Lào – Phou Phanang”.
Đường vào Phou Phanang
Trong thời gian đợi đội kỹ thuật kiểm tra xe và setup đoàn, tôi tranh thủ google về địa điểm sắp đi. Chẳng có mấy thông tin. Thứ tôi tìm thấy duy nhất chỉ nói rằng, đây là một trong 21 Khu bảo tồn của Lào, rộng khoảng 700 cây số vuông. Trên bản đồ, nó nằm giáp với thủ đô Viêng Chăn, giống như Vườn Quốc gia Ba Vì nằm cạnh thủ đô Hà Nội. Nghĩa là chỉ lái xe độ ba chục cây số là đã vào đến vùng lõi rừng.
Ít thông tin, đâm ra buổi sáng lái xe vào rừng lại thành ra thú vị. Vì mỗi cây số đoàn xe lăn bánh qua là nhìn thấy mỗi điều mới mẻ. Dịp này Lào vào đúng mùa mưa. Thế nên, mới chạm vào Phou Phanang, những con đường đất ngày khô ráo rất bình thường giờ có nước mưa “tưới” lên đã trở nên cực kỳ khó đi. Đoạn “sống trâu” trơn tuột. Đoạn ngập ngụa bùn. Đoạn bị đào thành rãnh sâu bởi vết bánh xe tải chở lâm sản trông như những “chiếc bẫy”.
Mới chạm vào Phou Phanang, những con đường đất ngày khô ráo rất bình thường giờ có nước mưa “tưới” lên đã trở nên cực kỳ khó đi
Admi một lần nữa liên lạc bộ đàm yêu cầu các lái xe chuyển sang chế độ vận hành bùn lầy. Tôi nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng thỉnh thoảng vẫn “phá lệ” chuyển về chế độ tự động xem chiếc xe phản ứng ra sao. Thực ra ở chế độ thường thì đoạn đường bùn này chỉ là “muỗi” so với khả năng off-road của Land Rover Discovery. Ngay ở chế độ này thì tính năng Active Driveline đã làm việc rồi. Nó chuyển đổi liên tục giữa dẫn động hai bánh và bốn bánh tùy theo điều kiện. Khả năng off-road, cũng như độ bám đường vẫn được phát huy.
Hết đoạn đường bùn. Vào sâu trong rừng mới là vấn đề. Chục cây số xuyên rừng sau đó rặt những dốc lên rồi dốc xuống. Khóa vi-sai phát huy hiệu quả cùng động cơ đưa về ở mức số thấp giúp cho những chiếc xe tiến lên trong trạng thái đầy tự tin và phấn khích.
Chục cây số xuyên rừng sau đó rặt những dốc lên rồi dốc xuống
Nhưng trong bất kỳ một cuộc chinh phục thử thách nào, không phải cứ trang bị tốt cộng với tinh thần hăng hái phấn khích là mọi chuyện trở nên suôn sẻ và dễ dàng bởi hành trình luôn chứa đựng những bất ngờ không thể lường trước. Chiếc Land Rover Discovery dẫn đầu đã xém chút nữa bị chiếc xe tải chở cây “táng” vào khi vượt dốc. Mặc dù đã cố tránh, nhưng do đường trơn, lốp mất độ bám nên đuôi chiếc xe tải trượt thẳng vào thân xe và chỉ dừng lại khi còn cách chiếc xế sang nhà Land Rover vài cm. Hú hồn.
Nếm “đặc sản” off-road
Thử thách trong buổi sáng chưa dừng lại ở đó. “Phê” nhất vẫn là cảnh cả đoàn Land Rover Discovery “lội” hết con suối này đến con suối khác – một thứ “đặc sản” trong off-road.
“Phê” nhất vẫn là cảnh cả đoàn Land Rover Discovery “lội” hết con suối này đến con suối khác – một thứ “đặc sản” trong off-road
Đi trong rừng, lại đúng vào mùa mưa. Nên chẳng ngạc nhiên khi lộ trình xuyên Khu bảo tồn Phou Phanang cứ bị cắt ra từng đoạn bởi những con suối. Vào mùa khô, đây là những con suối cạn, nhưng những cơn mưa rầm rề đẫm nước đã biến những điểm này thành các thử thách thực sự. Có những con suối sâu, Admi và đội kỹ thuật của anh phải lội bộ xuống dò từng mét đường, tìm lối đi thích hợp cho cả đoàn.
Những chiếc Land Rover Discovery chúng tôi đang cầm lái là bản 2015, có khoảng sáng gầm xe 212 mm cùng khả năng lội nước 600mm (bản 2017 khả năng lội nước còn lên tới gần 900mm). Vì thế, độ sâu của suối không phải là vấn đề. Vấn đề là dưới lòng suối có rất nhiều đá hộc mà người lái không thể nhìn thấy được. Thế nên có lúc một bánh xe bất ngờ bập xuống, có lúc lại nẩy khi gặp một tảng đá to. Khung xe liên tục bị xoắn vặn. Song, sự linh động của hệ thống treo hàng hiệu từ MagneRide kết hợp cùng hệ thống điều phối lực kéo Torque Vectoring phân phối mô-men xoắn giữa bốn bánh giúp chiếc xe nhẹ nhàng băng qua những thước đường gồ ghề một cách dễ dàng.
Chưa hết, vượt qua lòng suối không bằng phẳng không khó khăn bằng việc đánh lái lên dốc ở ngay khúc cua. Đất đỏ trộn nước trơn nhẫy, nếu tài xế không chắc lái, xe sẽ trượt bánh như chơi. Lúc này, hệ thống kiểm soát địa hình danh tiếng Terrain Response® có cơ hội được phát huy. Điều hay là ngay cả những lúc chân phanh bị bỏ ngỏ, chiếc xe vẫn sẽ giữ trạng thái treo tại chỗ, trong một khoảng thời gian đủ để người lái chuyển qua chân ga và đi qua con dốc trơn. Leo ngần ấy con dốc, cũng không hề gặp 1 cú chạm gầm bởi Discovery có góc tới 25 độ và góc thoát lên tới 31 độ.
Đường khó đi là thế, nhưng không ngăn được đoàn xe Land Rover Discovery chạm đích vào buổi trưa
Đường khó đi là thế, nhưng dường như cả những đoạn dốc cao, đầy bùn nhão nhoét, hay cả những lòng suối ngập sâu, đá lởm chởm và nước chảy xiết cũng không ngăn được đoàn xe Land Rover Discovery chạm đích vào buổi trưa.
Hành trình tới ngôi đền thiêng
Sau bữa cơm trưa giữa rừng toàn những nhái, dế mèn, tằm dâu và châu chấu – những món đặc sản của các bộ tộc núi cao Lào, chúng tôi “hành quân” lên một ngôi đền thiêng nằm ở ngọn núi cao nhất giữa rừng Quốc gia Phou Phanang.
Chúng tôi “hành quân” lên một ngôi đền thiêng nằm ở ngọn núi cao nhất giữa rừng Quốc gia Phou Phanang
Để lên tới đỉnh, chúng tôi phải lăn bánh trên những con đường lắt lẻo xuyên qua khu rừng nguyên sinh đang trong mùa mưa. Theo thông báo thành viên tiền trạm, cung đường này không dành cho những chiếc xe thông thường. Phải là những chiếc xe off-road cỡ Discovery “nhà Land Rover” mới đủ khả năng chinh phục.
Đường xuyên rừng chỉ đủ rộng vừa đúng một chiếc xe. Dốc nọ nối tiếp dốc kia, tạo thành những địa hình lên xuống theo độ dốc tự nhiên vốn có. Dưới mặt đường lúc là bùn nhão, lúc lởm chởm đá, lúc lại là những hố sâu sánh nước.
Đây là một cung đường off-road đúng nghĩa. Lối đi chỉ được tạo ra bởi vệt bánh xe trước, dù team kỹ thuật liên tục nói vào bộ đàm hướng dẫn, nhưng đôi khi người lái phải tự quyết định nên đi theo hướng nào. Cơn mưa trước đó càng tăng thêm thử thách cho các tay lái. Những con dốc cao trơn trượt được tăng thêm độ khó với các rễ cây chằng chịt vắt ngang, hoặc hố nước. Những thảm cỏ xanh tuyệt đẹp lại chính là những cái bẫy, sơ sểnh trượt xuống thì rất khó lên.
Trước chặng khó khăn nhất là chinh phục đỉnh núi được coi là “nóc nhà” của Phou Phanang, Admi có nói với tôi, bí quyết của off-road là càng từ từ, càng đều chân ga thì càng tới đích nhanh. Mọi sự nôn nóng, sẽ dẫn tới sai lầm. Mà khi đã sai lầm thì sẽ mất rất nhiều thời gian để “khắc phục”.
Để tới được đích thành công, “vua off-road” Discovery đóng vai trò quan trọng
Suốt đoạn đường cuối cùng, tôi cứ nhớ lời tay off-road chuyên nghiệp, điều khiển xe từ từ “bò” qua đá gập ghềnh, qua những hố sâu hay leo dốc thẳng đứng. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, để tới được đích thành công, “vua off-road” Discovery đóng vai trò quan trọng. Xe có trọng lượng nhẹ (khoảng gần 1,8 tấn) do cản trước và khoang sau đều được làm bằng nhôm trong khi các dầm ngang lại sử dụng vật liệu magie giúp tăng cường độ cứng và khả năng chịu xoắn đáng kể. Thanh dẫn dưới của hệ thống treo trước được làm bằng thép với các khớp nối bằng nhôm, hệ thống treo sau được phối hợp sử dụng vật liệu nhôm một cách linh hoạt giúp giảm tối đa trọng lượng của xe. Tôi được biết, trong off-road, trọng lượng xe nhẹ là một trong những điều kiện tiên quyết để vượt địa hình.
Khoảng 3h chiều thì chúng tôi cũng lên được tới đỉnh núi. Nơi có ngôi đền thiêng nằm lừng lững trên núi cao. Đây là ngôi đền làm bằng gỗ theo lối kiến trúc đặc trưng của chùa chiền Lào. Đền có mái che rộng, nằm cuối con đường như dẫn lên tới trời. Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt ra cả một bình nguyên rộng lớn, xa xa là những đỉnh núi đá lởm chởm, gai góc, thăm thẳm mà cuốn hút.
Cả đoàn đã có những giây phút lắng lại, nhìn về phía xa mà nghĩ ngợi, chiêm nghiệm. Đâu đó lẫn lộn cái cảm giác lâng lâng của những kẻ vừa mới chinh phục thành công những thử thách lớn.
Chuyến trải nghiệm Land Rover Discovery trên đất Lào của tôi ấn tượng, cảm xúc mà cũng lắng đọng như thế đấy!
Thế Đạt (forum.autodaily.vn)
Nguồn : http://autodaily.vn/2017/10/hanh-trinh-trai-nghiem-land-rover-discovery-tren-dat-lao-p2/