Trên thực tế, có một tranh cãi về quảng cáo cho rằng người dùng luôn phải mua sản phẩm với mức giá cao hơn thực tế do họ phải trả thêm cho các chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó, lý luận đó chứng tỏ rằng quảng cáo làm lãng phí nguồn tài nguyên của kinh tế khi khách hàng chỉ đơn giản là mua sản phẩm, chứ họ không muốn trả tiền cho các hoạt động marketing không cần thiết khác. Vậy liệu quảng cáo có làm lãng phí nguồn tài nguyên kinh tế?
Quảng cáo làm lãng phí nguồn tài nguyên kinh tế?
Công bằng mà nói, nhận định trên khá đúng đắn khi cho rằng người tiêu dùng luôn phải trả thêm tiền cho các chi phí buôn bán không cần thiết đối với họ. Nhưng khi áp dụng vào thực tiễn trong kinh doanh, thương hiệu luôn phải làm mọi chiến lược để có thể khiến khách hàng yêu thích, tìm kiếm sản phẩm của mình.
Nếu quan điểm trên đúng hoàn toàn, thương hiệu sẽ chỉ cần sản xuất và lưu trữ hàng hóa rồi chờ đợi người tiêu dùng đến mua sản phẩm. Việc đó thật dễ dàng và không tưởng, thậm chí còn được coi là kinh doanh thụ động sẽ làm lãng phí nguồn tài nguyên kinh tế. Bởi sản phẩm được sản xuất ra mà không ai mua, dẫn đến lượng tồn kho cực kì nhiều, tình hình đó có thể kéo theo sự trì trệ trong sản xuất – kinh doanh và gây hại cho nền kinh tế. Từ những lập luận logic đó, ta có thể thấy quảng cáo truyền thông không hề làm lãng phí nguồn tài nguyên kinh tế.
Người dùng luôn phải mua sản phẩm với mức giá cao hơn thực tế do họ phải trả thêm cho các chi phí quảng cáo của doanh nghiệp (Ảnh: Bandt)
Những chỉ trích đối với ngành quảng cáo không chỉ dừng ở đó. Những người phản đối thường ví sự cạnh tranh trong quảng cáo không khác gì những cuộc chạy đua vũ trang. Khi một doanh nghiệp bắt đầu tăng cường độ quảng cáo, các đối thủ cạnh tranh khác bắt đầu cảm thấy rằng họ cần phải làm một điều tương tự để duy trì thị phần, hoặc sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần.
Theo một tiết lộ đến từ Đại hội Sales và Marketing Việt Nam năm 2016, trong mỗi lon Coca-Cola, chi phí quảng cáo chiếm tới 59.8%, trong khi chi phí nguyên vật liệu chỉ chiếm 4.3%. Đối với những người phản đối quảng cáo trong doanh nghiệp, điều đó càng củng cố thêm cho quan điểm rằng phương thức này là một sự lãng phí tài nguyên – ở đây chúng ta hiểu là tiền bạc.
Có một thực trạng không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp đã và đang chi tiêu rất nhiều vào những chiến dịch truyền thông không hiệu quả, và phòng Marketing chính là phòng sử dụng ngân sách nhiều nhất trong doanh nghiệp. Có thể thấy, cạnh tranh trong quảng cáo tiêu phí rất nhiều tiền bạc, dù vậy, nó lại là kim chỉ nam cho những đổi mới và cách tân sản phẩm, đồng thời thiết lập những tiêu chuẩn mới trong ngành hàng. Về bản chất, cạnh tranh luôn là nhân tố thúc đẩy để phát triển.
Vậy liệu quảng cáo có thực sự làm lãng phí tài nguyên kinh tế? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi thương hiệu không hề chi tiền cho quảng cáo một cách vô nghĩa. Quảng cáo là một phương thức thu hút khách hàng tìm hiểu và mua sản phẩm, do đó không thể nào quảng cáo lại không có ý nghĩa. Mặt khác, các hoạt động quảng cáo sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế theo định luật Say – lượng cung tăng cao sẽ tạo ra một lượng cầu tương ứng. Chẳng hạn, quảng cáo (dù lãng phí) cũng sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm cho những người hoạt động trong ngành và tạo thêm nhu cầu cho những khu vực sản xuất khác.
Các chi phí trong một lon Coca (Nguồn: Đại hội Sales và Marketing Việt Nam)
Một trong những chức năng quan trọng của quảng cáo đó là thông tin. Với chức năng này, quảng cáo là chiếc cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm như địa điểm phân phối, giá bán, tính năng, v.v. cũng như tiện lợi trong việc so sánh giữa các nhãn hàng với nhau. Doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng của mình, từ đó gia tăng lượng tiêu thụ và sản xuất trong nền kinh tế. Vì thế, xét về tổng thể thì quảng cáo là một hoạt động cần thiết và có ích cho nền kinh tế; không có nó, người tiêu dùng sẽ phải mất thời gian hơn rất nhiều cho việc tìm kiếm thông tin, và vì thế sản phẩm sẽ khó đến được tay người tiêu dùng hơn – đó mới thật sự là lãng phí.
Vai trò của quảng cáo
Quảng cáo đối với doanh nghiệp sản xuất
Đối với doanh nghiệp sản xuất, quảng cáo là một công cụ truyền thông quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh. Nhờ chức năng thông tin của quảng cáo, doanh nghiệp có thể thông báo nhanh chóng đến thị trường, tạo thêm nhu cầu từ phía khách hàng, từ đó tăng doanh thu và tăng thị phần cho doanh nghiệp. Ngoài ra, quảng cáo còn là một công cụ hiệu quả giúp thương hiệu hỗ trợ việc bán hàng và giảm chi phí phân phối, cũng như hỗ trợ các chiến lược về sản phẩm, giá và phân phối. Qua đó quảng cáo đã góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và dịch vụ.
Quảng cáo đối với nhà phân phối
Chức năng thông tin của quảng cáo sẽ kéo người tiêu dùng đến mua sản phẩm, vì thế giúp cho nhà phân phối bán hàng nhanh và thuận lợi hơn, đồng thời giảm chi phí bán hàng, thiết lập mối quan hệ tốt giữa nhà phân phối và khách hàng.
Quảng cáo đối với người tiêu dùng
Đối với người tiêu dùng, quảng cáo giúp chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về hàng hóa, dịch vụ và tiến hành so sánh giữa các nhãn hàng trước khi ra quyết định mua sản phẩm. Không có quảng cáo, người tiêu dùng sẽ khó khăn và mất thời gian hơn trong việc tìm kiếm và mua sắm. Và nhờ có quảng cáo, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo vì nó buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để cung cấp những gì tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, quảng cáo còn giúp người tiêu dùng nâng cao trình độ nhận thức về sản phẩm, dịch vụ đang lưu thông trên thị trường.
Đối với người tiêu dùng, quảng cáo giúp chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về hàng hóa, dịch vụ và tiến hành so sánh giữa các nhãn (Ảnh: Behance)
Quảng cáo đối với xã hội
Như đã đề cập ở trên, quảng cáo góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội. Không những hỗ trợ cho các phương tiện truyền thông phát triển, nó còn giúp tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn người trong xã hội, có thể kể đến như: các nhà sáng tạo, thiết kế, diễn viên, nhiếp ảnh gia, nhà quay phim, biên kịch, nhân viên nghiên cứu thị trường, v.v… Hơn nữa, việc những biển billboard và panel được treo ngoài trời sẽ giúp các con phố bớt “trống trải” và trở nên đầy màu sắc, đơn cử như ý tưởng về “chiếc bảng cảm xúc” trong chiến dịch “Trao Coca-cola trao cảm xúc” của Coca-cola đã giúp việc dừng xe chờ đèn đỏ trở nên thú vị hơn với người đi đường.
Ngày nay, quảng cáo không chỉ đơn thuần là việc giới thiệu sản phẩm, mà nó đòi hỏi bộ phận sáng tạo (creative) phải thiết kế một thông điệp có giá trị đến khách hàng. Từ đó, những mẩu quảng cáo với những thông điệp ý nghĩa và mang tính nhân văn cao đã góp phần tô thêm màu sắc tươi đẹp cho đời sống, giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Với chính phủ, họ thường dùng quảng cáo như một công cụ để tuyên truyền đến dân chúng để thông tin về những chính sách mới hoặc nhằm định hướng dư luận. Tại những quốc gia dân chủ như Mỹ, quảng cáo giúp những người làm chính trị thông tin đến dân chúng về những chính sách và lời cam kết của họ trong những cuộc bầu cử. Nhờ vậy, người dân có thể sáng suốt chọn ra được người lãnh đạo mà họ mong muốn.
Kết
Có thể thấy rằng, nếu một ngày quảng cáo biến mất thì đó sẽ là một mất mát lớn với toàn bộ xã hội. Henry Ford từng có một câu nói rất hay rằng “Ngừng quảng cáo để tiết kiệm tiền cũng giống như dừng đồng hồ để tiết kiệm thời gian”. Vì thế, nếu có một ai nói với bạn “quảng cáo là một sự lãng phí tài nguyên”, thì hãy nói với họ rằng: Không quảng cáo, đó mới thật sự là lãng phí.
Nguồn: Trần Tuấn Sang – Founder Nghiên cứu Kinh tế
Nguồn : https://marketingai.admicro.vn/nhung-tranh-cai-ve-quang-cao-co-lam-lang-phi-nguon-tai-nguyen-kinh-te/