Tuy nhiên, thách thức lớn nhất kìm hãm thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam chính là sự thiếu đồng bộ. Nghĩa là, mỗi đơn vị đều “tự thân vận động”, đồng thời phát triển theo định hướng khác nhau, thời gian khác nhau.
Thanh toán điện tử ngày càng phổ biến vì thuận lợi và tiết kiệm thời gian.
Thanh toán điện tử gia tăng
Theo số liệu từ một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), ở một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan..., tỷ trọng dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dao động khoảng từ 11 - 17%. Đối với Việt Nam, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm từ 19,02% của năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và còn 11,45 % vào tháng 8/2017.
Như vậy, Việt Nam đang ở mức trung bình so với các nước trong khu vực về tỷ lệ thanh toán không tiền mặt. Về phát triển thị trường thanh toán điện tử, khảo sát của các đơn vị kinh doanh chỉ rõ, hiện tổng số lượng giao dịch không tiếp xúc tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao với tốc độ ổn định ở mức 44% mỗi tháng.
Đáng chú ý, hơn một nửa số người Việt biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong đố đó từng sử dụng và 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế cho thanh toán tiền mặt trong tương lai.
Được công nhận là một công cụ thay thế cho tiền mặt, công nghệ không tiếp xúc đang không ngừng chuyển dịch bối cảnh thanh toán tại các cửa hàng hiện nay, tạo điều kiện cho những phát triển đột phá đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ghi nhận của phóng viên, nhiều dịch vụ đã áp dụng khá tốt loại hình thanh toán kể trên.
Đơn cử, MoMo “phủ sóng” nhiều điểm bán hàng, như: cửa hàng tiện lợi (Circle K, MiniStop), siêu thị (Lotte Mart, Coopmart), chuỗi cửa hàng ăn uống (Gongcha, Tocotoco, Royal Tea, The Coffee House, Hoàng Yến, King BBQ, Hotpot Story, Aka House…). Tương tự, người tiêu dùng có thể dễ dàng áp dụng một phương thức thanh toán mới, an toàn, nhanh chóng và thuận tiện hơn tại các nhà hàng, siêu thị và các đơn vị bán lẻ như KFC, Saigon Coop, BigC và Nguyễn Kim với dịch vụ thanh toán của Visa.
Ông Sean Preston- Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ: “Người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ và cả các tổ chức tài chính tại Việt Nam đang nắm bắt rất tốt các khái niệm phi tiền mặt. Hiện nay, chúng tôi đang ghi nhận những tín hiệu cực kì tích cực trong việc đón nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam. Cụ thể, người Việt đang dần hiểu rõ hơn về những lợi ích, tính bảo mật và sự tiện lợi mà công nghệ này mang lại trong các giao dịch hàng ngày”.
Cần sự đồng bộ
Có thể thấy, sau hơn 2 năm thực hiện, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, so với các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ tỷ lệ thanh toán không tiền mặt của Việt Nam còn thấp. Đánh giá về thị trường thanh toán, nhiều ý kiển bày tỏ băn khoăn, đối thủ lớn nhất trong thanh toán điện tử chính là tiền mặt.
Các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận, thách thức lớn nhất là thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam đang phát triển thiếu đồng bộ. Nghĩa là, mỗi đơn vị đều “tự thân vận động”, đồng thời phát triển theo định hướng khác nhau, thời gian khác nhau. Nhằm phát triển công nghệ thanh toán không tiếp xúc thông qua việc đẩy mạnh hợp tác giữa ngân hàng và đơn vị bán hàng, hướng đến mở rộng phạm vi sử dụng thanh toán điện tử tại thị trường Việt Nam, Chính phủ thông qua Đề án phát triển cụ thể.
Theo đó, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đầu năm 2018, Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội thông qua các giải pháp nổi bật như: Phát triển thêm các sản phẩm thẻ ngân hàng, tăng điểm chấp nhận thanh toán, đẩy mạnh thanh toán di động và cổng thanh toán.
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần có sự phát triển đồng bộ từ Chính phủ; các ngân hàng, trung gian thanh toán; các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ và cuối cùng là thói quen của khách hàng.
Theo nhận định của giới đầu tư và chuyên gia kinh tế, sắp tới thanh toán điện tử sẽ phát triển mạnh hơn mức hiện nay. Lý do, Việt Nam có lượng người tiêu dùng trẻ khá đông. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng trong giao thương, đặc biệt sự lớn mạnh thị trường thương mại điện tử tạo điều kiện thanh toán không tiếp xúc phát triển hơn. Đây chính là lượng khách hàng tiềm năng thúc đẩy thanh toán điện tử. Trước tiềm năng và sự phát triển nhanh chóng của thị trường Việt Nam, dự đoán đến hết năm 2019, thị trường thanh toán điện tử trong nước sẽ đón nhận khoảng 200 triệu USD đầu tư.
Người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ và cả các tổ chức tài chính tại Việt Nam đang nắm bắt rất tốt các khái niệm phi tiền mặt. Hiện nay, chúng tôi đang ghi nhận những tín hiệu cực kì tích cực trong việc đón nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam. Cụ thể, người Việt đang dần hiểu rõ hơn về những lợi ích, tính bảo mật và sự tiện lợi mà công nghệ này mang lại trong các giao dịch hàng ngày- ông Sean Preston- Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận xét.
Thanh Giang