Mặc dù được Chính phủ hậu thuẫn bằng các chính sách nhằm hướng đến một nền kinh tế có tỷ lệ sử dụng tiền mặt thấp nhưng những khó khăn dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán điện tử vẫn còn rất lớn.
Chính phủ thúc đẩy mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt
Dịch vụ thanh toán điện tử đang là một sân chơi sôi động, thu hút ngày càng nhiều tên tuổi mới tham gia. Đây được đánh giá là một lĩnh vực nhiều tiềm năng, đặc biệt sau những chính sách mới của Chính phủ thời gian gần đây.
Cụ thể, trong Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5-9-2016 về “Phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế”, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng tại Việt Nam. Theo đó, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên ít nhất 70%; lắp đặt 30.000 máy ATM (tương đương tỷ lệ khoảng 40 máy ATM/100.000 dân số trưởng thành); lắp đặt 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS (khoảng 400 máy POS/100.000 dân số trưởng thành).
Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 lắp đặt 30.000 máy ATM, tương đương tỷ lệ khoảng 40 máy ATM/100.000 dân số trưởng thành. Ảnh: Kinh Luân.
Mới đây nhất, “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% (tỷ lệ hiện tại khoảng 11-12%); có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng POS; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông... nhận thanh toán hóa đơn qua các hình thức không dùng tiền mặt.
Định hướng của Chính phủ cùng khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện đang tạo nên sự hậu thuẫn rất lớn cho sự phát triển của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Nhiều tiềm năng nhưng cạnh tranh gay gắt
Về thực trạng thị trường, theo một khảo sát, thanh toán điện tử hiện mới chiếm khoảng 5% trong tổng số 4 tỉ đô la Mỹ của thương mại điện tử (tương đương 200 triệu đô la Mỹ, khoảng 4.500 tỉ đồng) nhưng đang hứa hẹn tạo nên một thị trường có tốc độ tăng trưởng đột biến khi Việt Nam có dân số cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và truy cập Internet tăng nhanh cùng với hạ tầng công nghệ thương mại điện tử đang được hiện đại hóa. Vì thế, danh sách các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này ngày càng dài. Những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực dịch vụ trung gian thanh toán xuất hiện lần đầu tiên vào tám năm trước với những cái tên như PeaceSoft , VTC Pay, Smartlink. Và kể từ đầu năm 2015, khi Thông tư 39/2014/TT- NHNN chính thức có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho gần 20 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Đa số các công ty đã đăng ký thực hiện cả bốn nghiệp vụ liên quan bao gồm: cổng thanh toán điện tử; thu- chi hộ, chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử, trong đó sôi động nhất là dịch vụ ví điện tử.
Từ đầu năm 2016 đến nay, rất nhiều ví điện tử đã được ra mắt trên thị trường. Đơn cử như cuối tháng 5-2016, tập đoàn FPT đã ra mắt dịch vụ trung gian thanh toán ví FPT, xuất phát từ dịch vụ thanh toán trực tuyến Senpay trước đây của trang web thương mại Sendo.vn. Lợi thế của ví FPT là thừa hưởng danh mục khách hàng từ Sendo.vn, FPT Telecom, FPT Retail, FPT Online... chuyển sang. Ước tính, nhờ ví FPT, giá trị giao dịch trên Sendo.vn có thể tăng trưởng 30-40%. Lâu dài hơn, hàng triệu khách hàng sử dụng Internet, dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến Fshare, quảng cáo trực tuyến... của FPT có thể cũng sẽ sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử từ ví FPT. Trước đó, MobiFone cũng đã giới thiệu ví điện tử Vimo; VTC với ví điện tử VTC Pay; Công ty cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Vietnam Esports) cũng đã trình làng ví điện tử TopPay vào tháng 3-2016...
Mặc dù được Chính phủ hậu thuẫn bằng các chính sách nhằm hướng đến một nền kinh tế có tỷ lệ sử dụng tiền mặt thấp nhưng những khó khăn dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán điện tử vẫn còn rất lớn.
Do sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán ngày càng gay gắt, các công ty đang cố gắng tạo ra những thị trường ngách mà mình có lợi thế cạnh tranh nhiều nhất trong mảng thị trường đó. Như đối với 123Pay của Zion, thuộc tập đoàn VNG, lợi thế là đã bắt tay với nhiều tên tuổi lớn như Lazada, Vietravel, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh... Trong khi đó, Payoo của VietUnion có lợi thế về độ phủ của thị trường nhờ tạo ra mạng lưới liên kết và tích hợp lớn nhất trên thị trường, từ ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, nhà cung cấp dịch vụ tiện ích đến toàn bộ mạng lưới bán lẻ hiện đại. Nhờ vậy, không cần có tài khoản ngân hàng, chỉ cần mua các thẻ thanh toán do Payoo phát hành, người dùng có thể trả các hóa đơn trực tuyến, mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi như Circle K, B’smart, FamilyMart, VinMart+ hay đặt vé máy bay, vé xe... Riêng MoMo của M_Service chọn con đường tấn công lĩnh vực trung gian thanh toán qua kênh thiết bị di động...
Nhìn một cách khách quan, mặc dù được Chính phủ hậu thuẫn bằng các chính sách nhằm hướng đến một nền kinh tế có tỷ lệ sử dụng tiền mặt thấp nhưng những khó khăn dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán điện tử vẫn còn rất lớn. Khó khăn lớn nhất chính là thuyết phục và lấy được niềm tin từ người tiêu dùng về tính tiện lợi của dịch vụ và mức độ bảo mật, an toàn của các giao dịch thanh toán. Khó khăn tiếp theo là phải huy động được nguồn vốn “dài hơi” để nuôi dịch vụ, chờ đến ngày thị trường thực sự phát triển. Phải có vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm kết nối được với nhiều đối tác như ngân hàng, các công ty viễn thông, điện, nước, cơ sở công quyền (kho bạc, thuế...), bệnh viện, trường học, các hãng vận tải... Hạ tầng kỹ thuật này đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và cho phép thanh toán trên nhiều phương tiện (máy tính, điện thoại di động), thông qua nhiều kênh giao dịch khác nhau (Internet Banking, SMS/Mobile Banking, thẻ thanh toán...).
Khai phá một thị trường mới luôn là thách thức không nhỏ nhưng cũng hứa hẹn sẽ mang đến nhiều “trái ngọt” cho các doanh nghiệp chịu đổi mới sáng tạo và ưa mạo hiểm.