Dự báo tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 ước đạt 25% so với năm 2016, nhiều khả năng doanh số của TMĐT sớm đạt mức 10 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục Thương mại điện, Bộ Công Thương cho biết: 'Thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh, chính sách pháp luật cho thương mại điện tử về cơ bản đã hoàn thành'.
Về nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cho thấy hiện nay trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone. Hạ tầng công nghệ vững vàng là nền tảng để thương mại điện tử Việt Nam tạo ra doanh số 4 tỷ USD trong năm qua.
Nói về tiềm năng phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2017 và những năm tiếp theo, bà Nguyễn Hương Quỳnh - TGĐ Nielsen Việt Nam cho biết: 'Hiện nay những sản phẩm được mua nhiều chủ yếu là quần áo thời trang, sách báo, vé máy bay, đồ điện tử, điện thoại và đồ gia dụng. Nhưng tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử sẽ rất hứa hẹn ở các ngành hàng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, sữa, sản phẩm của em bé'.
Theo chỉ số xếp hạng năm 2017, chỉ số thương mại điện tử cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách số rất lớn giữa các địa phương. Số liệu thống kê giá trị Ngày mua sắm trực tuyến năm ngoái cho thấy tỷ trọng giá trị mua sắm trong một ngày của TP.HCM là 37%, Hà Nội 35% và các tỉnh, thành khác 28 %.
Người Việt ưa thích công nghệ cao là nền tảng phát triển của hạ tầng công nghệ.
Cũng trong một số liệu đo lường sức mua, giá trị mua sắm của các ngành hàng tiêu dùng nhanh thì thị trường Hà Nội và TP.HCM chiếm 72%. Có thể nói, tiềm năng các thị trường ngoài 2 thành phố lớn nhất nước là rất cao cũng như dư địa phát triển của thương mại điện tử Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ chờ khai phá.
Với những điều kiện thuận lợi trên, dự báo có 5 xu hướng sẽ dẫn dắt thương mại điện tử phát triển trong những năm tới, trong đó xu hướng gia tăng kết nối trong thế giới số là chính.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, 5 xu hướng đó là gia tăng kết nối, gia tăng đô thị hoá, người tiêu dùng kết nối, những đột phá về thanh toán điện tử và cải tiến mô hình kinh doanh.
Ở xu hướng kết nối, người tiêu dùng Việt Nam được cho là yêu thích công nghệ cao. Cứ 130 người thì 100 người có 2 điện thoại di động. Trong đó người tiêu dùng thành thị ở trên mạng 24,7 giờ/tuần, chỉ thấp hơn Singapore một ít. Ngày nay người tiêu dùng ngày càng có nhiều cách kết nối hơn và họ dành nhiều thời gian trên mạng hơn.
Xu hướng đô thị hóa được sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, lối sống thành thị vì vậy tiếp tục phát triển. Dự kiến dân số thành thị sẽ đạt 40% vào năm 2020.
Cùng với chính sách phát triển thành phố vệ tinh, cơ hội phát triển thương mại điện tử không dừng ở TP.HCM và Hà Nội. Việt Nam hiện có khoảng 700.000 cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi. Vẫn còn rất nhiều người mua bán ở các kênh mua sắm truyền thống. Nếu thương mại điện tử giành được một phần thị trường này thì doanh số tăng trưởng rất cao.
5 xu hướng sẽ dẫn dắt thương mại điện tử phát triển trong những năm tới đó là gia tăng kết nối, gia tăng đô thị hoá, người tiêu dùng kết nối, những đột phá về thanh toán điện tử và cải tiến mô hình kinh doanh.
Trong kỷ nguyên số, người tiêu dùng kết nối là mối quan tâm hàng đầu của sự phát triển. Họ là những người trẻ thành thị ưa thích những trải nghiệm mới và sẵn sàng chi tiêu. Quy mô của người tiêu dùng kết nối cũng lớn hơn tầng lớp trung lưu rất nhiều với hơn 800 triệu người tiêu dùng kết nối so với 782 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu trên toàn cầu. Ở khu vực Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương, số lượng người tiêu dùng kết nối trên 300 triệu so với 296 triệu thuộc tầng lớp trung lưu.
Thanh toán trực tuyến, trả tiền khi giao hàng là những hoạt động quan trọng của thương mại điện tử. Phương thức thanh toán đã và đang tiếp tục chuyển dịch dần về thanh toán trực tuyến, nhưng hiện nay hình thức nhận tiền mặt khi giao hàng vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu trong thương mại điện tử. Tuy nhiên sắp tới sẽ có nhiều ngân hàng kết hợp với các nhà bán lẻ để tạo ra phương thức thuận tiện, linh hoạt hơn cho người tiêu dùng khi thanh toán.
Xu hướng cuối cùng là cải tiến mô hình kinh doanh. Bà Hương Quỳnh cho biết, hiện nay hầu hết doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn dùng cách thức thu hút người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi nhưng thực tế nhu cầu của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khá đơn giản.
Họ chỉ muốn thông tin chính xác khi mua hàng online, muốn được hoàn tiền khi sản phẩm không đúng yêu cầu, muốn được đổi hàng trong ngày khi sản phẩm không như ý, được gửi email thông báo khi hết hàng. Phương thức giao nhận hàng, thời gian giao hàng cũng là những vấn đề mà các doanh nghiệp thương mại điện tử cần chú trọng cải tiến và hoàn thiện. Trong đó, địa điểm nhận hàng thuận lợi, giao hàng miễn phí những đơn hàng cố định, giao hàng miễn phí những ngày nhất định, cho đơn hàng cả năm là những tiêu chí được khách hàng online đánh giá cao.
Những nhu cầu đơn giản như vậy, theo bà Quỳnh vẫn chưa được các doanh nghiệp thương mại điện tử đáp ứng đầy đủ.
Phạm Thủy
* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn