Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS, được thành lập với tổng số vốn đầu tư chung ban đầu lên đến 6 triệu đô la Singapore, là Phòng thí nghiệm AI đầu tiên của Grab, và cũng là Phòng thí nghiệm AI đầu tiên của NUS kết hợp với một đối tác thương mại.
Được đặt tại Viện Khoa học Dữ liệu (Institute of Data Science) của NUS, Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS sẽ tận dụng dữ liệu từ nền tảng Grab để giải quyết các thách thức phức tạp tại khu vực Đông Nam Á. Với việc thực hiện hơn 2 tỉ chuyến xe, nguồn dữ liệu khổng lồ của Grab mang đến sự thấu hiểu sâu sắc về cách các thành phố khắp Đông Nam Á đang di chuyển. Bằng cách kết hợp nguồn dữ liệu này với chuyên môn nghiên cứu của NUS trong lĩnh vực AI, cả hai bên có thể vạch ra các mô hình giao thông và xác định những cách thức để tác động trực tiếp đến hoạt động di chuyển và tính năng động của các thành phố khắp Đông Nam Á.
Ông Anthony Tan, CEO và Đồng sáng lập Grab, tiết lộ rằng những kiến thức từ Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS có thể tạo ra sự khác biệt cho Việt Nam bắt đầu từ hôm nay: “Dữ liệu từ nền tảng Grab có thể giúp vạch ra những mô hình giao thông và sự phát triển trong hoạt động di chuyển tại các thành phố khắp Đông Nam Á. Ví dụ, dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng thời gian di chuyển của người dân từ Khu đô thị Times City đến Ngọc Khánh, Q. Ba Đình, Hà Nội giờ đây có thể được cải thiện đáng kể. Nếu tuyến đường này có được nhiều giải pháp phương tiện đi chung hơn, ví dụ như xe buýt, xe lửa, GrabShuttle, GrabShare hoặc GrabHitch, chúng ta có thể giảm thời gian di chuyển trong giờ cao điểm đến 25%, từ 50 phút xuống còn 38 phút. Tôi rất trông đợi được tiếp tục phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng để đưa dữ liệu từ Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS trở thành những giải pháp hiệu quả.”
Trong giai đoạn đầu, Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của việc di chuyển trên nền tảng Grab tại các thành phố Đông Nam Á. Sau đó, Phòng thí nghiệm sẽ mở rộng nghiên cứu những thách thức lớn hơn mà các thành phố Đông Nam Á đang phải đối mặt, ví dụ như ùn tắc giao thông và tính năng động tại các đô thị. Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS sẽ tạo ra một nền tảng AI mạnh mẽ cho machine learning (máy học) trên quy mô lớn và phân tích hình ảnh, từ đó có thể phát triển các ứng dụng mới từ bộ dữ liệu khổng lồ của Grab. Phòng thí nghiệm cũng sẽ giúp Grab thấu hiểu và dự đoán nhu cầu của cả khách hàng lẫn đối tác.
Giáo sư Tan Eng Chye, Chủ tịch NUS, cho biết: “NUS rất hào hứng được trở thành đối tác chính đầu tiên của Grab trong lĩnh vực AI. Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS là một nỗ lực hợp tác tuyệt vời, khi các nhà nghiên cứu của NUS sẽ làm việc chặt chẽ với các chuyên gia dữ liệu của Grab để tạo ra những sáng tạo AI độc nhất dựa trên sự hiểu biết về châu Á và thế giới. Đây cũng là cơ hội rất tốt để các nhà nghiên cứu và sinh viên của NUS có thể mang đến những ảnh hưởng thực sự thông qua nghiên cứu về khoa học dữ liệu và AI. Qua thời gian, chúng tôi hy vọng sẽ đào tạo được hàng loạt chuyên gia dữ liệu và chuyên gia nghiên cứu AI giàu kinh nghiệm cho Singapore và thế giới.”
“Sứ mệnh của Grab là giải quyết những thách thức phức tạp tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị. Chúng tôi đã có một chặng đường phát triển dài và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhờ độ phủ ngày càng lớn, nguồn dữ liệu sâu rộng từ hàng triệu tuyến đường, hành trình và điểm đặt xe phổ biến. Phòng thí nghiệm AI sẽ khai thác sức mạnh dữ liệu và machine learning của Grab, kết hợp với chuyên môn nghiên cứu và những chuyên gia tài năng từ một viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới để trở thành một công cụ vô giá hỗ trợ các cơ quan chức năng, những người luôn muốn đưa giao thông thông minh hơn đến với các đô thị của mình tại Đông Nam Á,” ông Anthony Tan cho biết thêm.
Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS cũng sẽ góp phần phát triển các tài năng công nghệ AI trong nước thông qua việc đào tạo tiến sĩ được tuyển chọn vào NUS. Được sự hỗ trợ của Ban phát triển kinh tế (Economic Development Board – EDB) của Chính phủ Singapore, chương trình đào tạo Tiến sĩ sẽ giúp các sinh viên không chỉ được phát triển các kỹ năng cần thiết mà còn cho phép họ được tham gia giải quyết các thách thức thực tế thông qua nền tảng Grab.
Phòng thí nghiệm AI Grab-NUS nằm trong Tòa nhà 4.0 thuộc khuôn viên Kent Ridge của NUS, và sẽ là nơi làm việc của 28 nhà nghiên cứu làm việc trong các dự án AI khác nhau.
Ngô Viết Hùng - TECHRUM.VN