Grab là nền tảng dịch vụ đặt xa hàng đầu Đông Nam Á có phạm vi hoạt động ở 8 quốc gia trong khu vực. Hãy cùng Advertising Vietnam phân tích những điểm đáng chú ý trong chiến lược marketing mix 4P của Grab.
Với chiến lược xây dựng thương hiệu đúng đắn đi kèm với dịch vụ khách hàng hiệu quả, Grab đã ”vượt mặt” đối thủ của mình – Uber để chiếm lĩnh nhiều thị trường đầy tiềm năng của khu vực.
Product (Sản phẩm)
Grab luôn phát triển sản phẩm của mình song song với nhu cầu của khách hàng từ đó thích nghi và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Sản phẩm dịch vụ của Grab khá đa dạng, khởi đầu với GrabTaxi, GrabCar, GrabBike, GrabExpress và gần đây nhất là GrabShare. Ưu điểm của Grab có thể kể đến ứng dụng dễ cài đặt, minh bạch, nhanh gọn, các hình thức khuyến mãi hay chào mừng khách hàng mới luôn được chú trọng. Hơn thế nữa, Grab luôn để tâm đến muôn vàn lợi ích của khách hàng khi họ lựa chọn sử dụng dịch vụ như Grab Pay, Grab Award hay Grab Chat.
Price (Giá cả)
Có thể nói trước khi Uber rời khỏi Đông Nam Á, Grab đã cùng đối thủ “chiếm lĩnh” thị trường, bỏ xa các hãng taxi truyền thống chỉ sau 3 năm thâm nhập vào Việt Nam. Nhưng nếu so sánh với Uber, Grab tuy có mức giá gần như tương đương nhưng luôn được duy trì ở mức ổn định, và khách hàng hoàn toàn biết chính xác giá tiền phải trả trong khi Uber chỉ mang đến một con số ước lượng. Grab thông minh ở chỗ họ cho phép người đi xe thanh toán bằng tiền mặt thay vì thẻ tín dụng như Uber, một thói quen phổ biến trong văn hóa tiêu dùng ở Đông Nam Á. Vì lẽ đó Grab càng “hút” khách về mình nhiều hơn.
Khuyễn mãi, mã giảm giá là “vũ khí lợi hại” của thương hiệu này, Grab khuyến khích bạn đi nhiều hơn, rẻ hơn và tiện lợi hơn. Điều này thúc đẩy hành vi sử dụng của khách hàng đồng thời tiếp cận một cách gần gũi với họ.
Grab luôn đẩy mạnh những hình thức khuyến mãi của mình
Place (phân phối)
Hệ thống hoạt động của Grab sở hữu hình thức phân phối trực tiếp và gián tiếp. Với một chiếc smart-phone cùng kết nối Internet là bạn đã có thể sử dụng ứng dụng được tải về từ App store hay Google play. Giao diện rõ ràng, push-notification, các tính năng linh hoạt giúp Grab được nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra, thật không khó khi bắt gặp những tài xế với chiếc áo xanh quen thuộc trên đường phố, ở những trung tâm thương mại, khu vui chơi, nói không ngoa khi Grab phủ sóng ở khắp mọi nơi, trên nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.
Promotion (truyền thông)
Thương hiệu này truyền thông đến khách hàng mục tiêu bằng chiến lược đa kênh, tận dụng mạng xã hội, YouTube, Instagram… nơi họ có thể giao tiếp và tương tác với khách hàng.
Đặc biệt, mọi người khá “quen mắt” với màu xanh lá – ngôn ngữ màu sắc mà Grab tận dụng để khắc ghi vào tâm trí khách hàng từ đó lưu giữ hình ảnh thương hiệu và thông điệp bằng Visual Marketing. Bộ nhận diện thương hiệu được duy trì nhất quán trong các chiến dịch truyền thông chinh phục tâm lý cũng như mức độ tin cậy ở khách hàng.
Những chiến dịch Grab lan tỏa đến số đông và ngập tràn tính nhân văn, đơn giản nhưng sâu sắc. Có thể kể đến chiến dịch “Cùng Grab chung tay chở Tết về gần” với sự góp mặt đại sứ H’Hen Niê vào dịp Tết năm nay. Chiến dịch nâng tầm sứ mệnh của Grab bởi thương hiệu đại diện cho sự kết nối, thật ý nghĩa khi Grab giúp đỡ những người xa quê được đoàn tụ và trở về với gia đình trong dịp sum họp của năm.
Cũng ở góc nhìn dung dị ấy, chiến dịch “Việt Nam sau tay lái” lại mang đến những thiết kế “áo mới” đầy thu hút cho những mảng tường đơn điệu tại 7 góc phố chính của Hà Nội – Sài Gòn. Đó là những bức vẽ khắc hoạ một Việt Nam bình dị, thân quen, gần gũi với người dân địa phương và gây ấn tượng mạnh với du khách….
Kết
Từ chiến thắng của Grab, có thể thấy “trái ngọt” cũng từ công vun trồng. Sự am hiểu thị trường, chiến lược địa phương hóa cùng marketing thông minh giúp doanh nghiệp này nhanh chóng chiếm thế thượng phong trên những quốc gia mà Grab đặt bước chân đầu tiên.
My Nhon / Advertising Vietnam