Trong một nghiên cứu đăng trên tạp trí Nature, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Havard (Mỹ) đã tìm ra cách mã hóa một đoạn video ngắn lên trên DNA của tế bào sống. Tương tự như chép bộ phim vào USB, sau đó họ có thể lấy lại video từ tế bào và xem lại.
Trước đó các nhà khoa học đã có thể 'tải lên' dữ liệu trên DNA nhưng đây là lần đầu tiên một video được thu phát từ vi khuẩn.
Quá trình này được lý giải đơn giản như sau, DNA về cơ bản là một cách lưu trữ thông tin, không khác gì so với lưu trữ kỹ thuật số. Thay vì mã hóa dữ liệu bằng các số 0 và 1 của hệ nhị phân, DNA sử dụng 4 cơ sở nucleotide để mã hóa thông tin thay thế.
Về cơ bản quá trình được thiết kế để dịch những thông tin số chứa trong mỗi điểm ảnh và số khung hình thành mã DNA, với các chuỗi bổ sung kết hợp thành những miếng đệm. Mỗi khung hình lại là một bộ sưu tập miếng đệm.
Video gốc (trái) so với video tái tạo lại từ vi khuẩn (phải).
Seth Shipman, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết thêm nhóm đã cung cấp bộ sưu tập miếng đệm cho các khung liên tục theo thứ tự thời gian với một quần thể vi khuẩn, sử dụng hoạt động Cas1/Cas2, thêm chúng vào chuỗi CRISPR trong hệ gen.
Sau khi lấy lại toàn bộ chuỗi một lần nữa từ quần thể vi khuẩn bằng trình tự DNA, các nhà khoa học có thể tái tạo tất cả khung hình của đoạn clip ngựa phi nước đại và trình tự xuất hiện của chúng.
Các khung hình của video được cắt từ một trong những bộ phim ngắn đầu tiên của ngành điện ảnh có tên Sallie Gardner at a Gallop. Những bức ảnh ghi lại cuộc đua ngựa, được thực hiện vào năm 1878 bởi nhà nhiếp ảnh tiên phong người Anh Eadweard Muybridge.
Khi các bức ảnh được đặt lại với nhau, chúng tạo ra một hiệu ứng hình ảnh động. Những bức ảnh gốc đã có vị trí mang tính biểu tượng trong ngành điện ảnh nhưng mục đích ban đầu chỉ đơn giản là tìm ra liệu một con ngựa có thể nâng cùng lúc bốn chân lên khỏi mặt đất trong khi phi nước đại hay không.
Bước tiến trong cuộc nghiên cứu đã chứng minh khả năng sử dụng DNA để lưu trữ thông tin. Một phương thức quan trọng khi xét tới lượng thông tin không lồ mà xã hội tạo ra ngày một tăng.
DNA là loại lưu trữ siêu nhỏ gọn, đồng nghĩa với việc có thể lưu trữ tất cả dữ liệu trên thế giới chỉ trong một căn phòng. Chuỗi phân tử này còn có khả năng lưu trữ trong hàng trăm nghìn năm nếu được bảo quản tốt.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý