Dự thảo báo cáo này cho thấy một phần thực tế còn nhiều hạn chế của lĩnh vực công nghiệp Việt Nam. Theo dự thảo báo cáo, đó là trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Cụ thể, hiện nay phần lớn doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ, trong đó có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại.
Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%. Tỷ trọng công nghệ cao trong các doanh nghiệp nhà nước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức thấp và ngày càng giảm, trong khi tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng tăng.
Cũng theo dự thảo báo cáo trên, mặc dù công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu nhưng các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp nhà nước lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ.
Cụ thể, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu (trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%). Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm vừa qua (các nước khác trong khu vực tỷ lệ tương ứng là 15-20%).
“Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao”, dự thảo báo cáo nêu đánh giá.
Cùng đó, trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2-3 thế hệ. Tỷ lệ máy móc được điều khiển bằng máy tính thấp, làm giảm khả năng tận dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cũng theo đánh giá tại dự thảo báo cáo, hiện nay ngành cơ khí chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án công nghiệp có độ phức tạp cao như nhà máy nhiệt điện, alumin, dầu khí, hóa chất, lọc hóa dầu…
Nêu rõ hơn về trình độ cơ khí chế tạo của sản xuất công nghiệp Việt Nam nói chung, dự thảo cho biết có đến 60-70% vẫn ở trình độ công nghệ những năm 1950 (dùng máy công cụ chạy bằng động cơ điện, điều khiển gia công do công nhân thực hiện); chỉ có 20-30% ở trình độ công nghệ sử dụng máy công cụ điều khiển bằng máy tính (CNC) và máy công cụ điều khiển số (NC) song chủ yếu sử dụng máy điều khiển số ở trình độ… những năm 1950-1960.