Hiện tại mỗi năm ước tính có khoảng 1 triệu tấn cà phê được trồng, thu hoạch và chế biến hàng năm trên toàn thế giới. Nhu cầu của thứ nông sản này chỉ có tăng lên chứ không hề giảm đi. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản xuất cà phê theo phương pháp truyền thống sẽ cần cả diện tích đất lớn để cây có đủ ánh sáng mặt trời (đôi khi phải phá rừng để phục vụ nhu cầu ấy) cũng như lượng nước tưới khổng lồ. Có một điều tồi tệ, cà phê là một trong những loại nông sản dễ bị ảnh hưởng bởi quá trình biến đổi khí hậu nhất. Trái đất càng nóng lên, diện tích đất phù hợp để trồng cà phê càng thu hẹp lại. Chưa hết, nhiệt độ tăng cao thì sâu bệnh ảnh hưởng tới cà phê cũng phổ biến hơn.
Đó là lúc viện nghiên cứu VTT của Phần Lan cố gắng tìm cách ứng dụng “nông nghiệp tế bào” để sản xuất cà phê ngay trong phòng thí nghiệm. Giải pháp này áp dụng việc nuôi cấy tế bào thay vì phải nuôi cả một con động vật hay trồng cả một đồi cây để thu hoạch nông sản, từ đó quá trình này chỉ tiêu tốn một phần rất nhỏ năng lượng, nước sạch cần sử dụng, cũng như xả thải carbon ít hơn rất nhiều.
Tiến sĩ Heiko Rischer của viện VTT cho biết: “Ý tưởng là sử dụng công nghệ sinh học thay vì kỹ thuật canh tác truyền thống để sản xuất thực phẩm, từ đó tạo ra những giải pháp thay thế, không phụ thuộc vào những giải pháp không bền vững. Lấy ví dụ, những giải pháp này sử dụng ít nước sạch hơn, ít nhu cầu vận chuyển hơn. Canh tác với công nghệ này cũng không sợ phụ thuộc vào mùa vụ hay cần tới thuốc trừ sâu.”
Tuần trước, những nỗ lực của các nhà khoa học tại viện VTT đã tạo ra thành quả, với tách cà phê trồng trong phòng thí nghiệm đầu tiên, thứ mà tiến sĩ Rischer cho biết là uống không khác gì cà phê thông thường. Anh Rischer giải thích: “Quy trình này sử dụng tế bào cây cà phê để nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Những tế bào được nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng đặc biệt, sau đó chúng được chuyển sang bình phản ứng sinh học để sinh sôi. Cuối cùng những tế bào hạt cà phê được thu hoạch, rang và trở thành bột cà phê.”
Hiện tại VTT không phải đơn vị duy nhất nghiên cứu cách trồng cà phê trong phòng thí nghiệm, mà bên Mỹ cũng đang có 2 startup với tham vọng tương tự. Một là Compound Foods với giải pháp “trồng” cà phê không cần hạt bằng cách chiết xuất phân tử cà phê thông qua quy trình “sinh học nhân tạo.” Thứ hai là Atomo, ứng dụng quy trình đảo ngược kết cấu để sản xuất phân tử cà phê, uống ít đắng hơn cà phê tự nhiên. Theo họ, quy trình này “dùng ít nước hơn 94% và xả thải carbon ít hơn 93% so với quy trình canh tác cà phê truyền thống.”
Theo New Atlas
cà phêmôi trườngnghiên cứukhoa họcnông nghiệpphòng thí nghiệmnông nghiệp tế bào