Thịt sạch từ phòng thí nghiệm
Israel đang là điểm nóng, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nghiên cứu nuôi thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Trung Quốc vừa ký hiệp định thương mại trị giá 300 triệu USD với quốc gia này, lượng thịt sẽ được xuất khẩu chủ yếu từ 3 công ty gồm SuperMeat, Future Meat Technologies và Meat the Future. Động thái được cho là nỗ lực của quốc gia tỷ dân trong việc giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường và khí hậu.
Các nhà khoa học đang lấy mẫu thịt để tiến hành nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Cơ quan Cải cách và Viện Xuất khẩu Israel là 2 trung tâm đã đứng ra đàm phán với Trung Quốc. Họ cũng đã tham gia hội thảo về thịt nuôi trong phòng thí nghiệm tổ chức lần đầu tiên tại Haifa (Israel) tháng 5 vừa qua.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp thịt nhân tạo tại Israel, rất nhiều cuộc nghiên cứu quy mô cũng đang diễn ra ở Mỹ. Công ty Memphis Meats vừa nhận được 17 triệu USD từ tỷ phú Bill Gates và Richard Branson, trong khi Hampton Creek đã có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm, sớm nhất vào năm sau. Ngay cả những thương hiệu thực phẩm lớn như Tyson foods cũng bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực này.
Các nhà khoa học đang lấy mẫu thịt để tiến hành nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được tạo ra từ tế bào của các loài động vật, do đó quá trình giết mổ được loại bỏ hoàn toàn. Hiện rào cản lớn nhất trong việc đưa thịt nhân tạo vào thương mại là chi phí sản xuất cao và mùi vị của sản phẩm. Mặc dù vậy, sử dụng thịt nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường gây ra bởi chăn nuôi gia súc trong tương lai.
Thân thiện với môi trường
Theo ước tính, khoảng 14,5% lượng khí nhà kính gây ra bởi việc chăn nuôi gia súc, trong đó nuôi bò là nguyên nhân chính. Nếu giải pháp thịt nuôi trong phòng thí nghiệm thành công, các trang trại sẽ dần được xóa bỏ và đóng góp lớn trong nỗ lực cắt giảm khí ô nhiễm.
Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã công bố kế hoạch khuyến khích người dân ăn ít thịt hơn, trong mục tiêu giảm mức tiêu thụ sản phẩm này xuống 50%. Đây là quốc gia có mức tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới khi hàng năm nhập khẩu khoảng 13,5 tỷ USD tiền thịt.
Trong khi 300 triệu USD là rất nhỏ so với hàng chục tỷ USD, có ý kiến cho rằng khả năng hợp tác thành công của thương vụ lần này có thể sẽ mở ra cơ hội đầu tư lớn hơn. Bruce Friedrich, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về thực phẩm thay thế, Good Food Initiative cho biết, động thái của Trung Quốc chứng tỏ họ đã bắt đầu chú ý tới công nghiệp thịt nhân tạo, hàng tỷ USD có thể sẽ được chi ra cho ngành này trong tương lai.
Bên cạnh lợi ích về môi trường, thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm cũng sử dụng ít tài nguyên đất, nước hơn và an toàn cho người sử dụng so với thịt truyền thống. Sẽ phải mất một thời gian trước khi sản phẩm tới tay đại đa số người dân tuy nhiên những lợi ích mà chúng đem lại là không thể chối cãi.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý