Khi sửa đổi Bộ luật Lao động, cơ quan soạn thảo cần tính đến việc mở rộng diện bao phủ đến đối tượng lao động phi chính thức, đặc biệt là những “quan hệ việc làm công nghệ 4.0” như: tài xế Grab, gia công phần mềm…
Nghề lái xe Grab chưa được bảo vệ bởi pháp luật lao động
Theo các chuyên gia lao động, cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại được ký kết sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm khiến thị trường lao động thay đổi nhanh chóng. Thay đổi công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ làm thay đổi bản chất của việc làm cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và dịch vụ.
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng những thay đổi công nghệ sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất. Ví dụ, ILO ước tính rằng 86% lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may – da giày của Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ cao bị tự động hoá trong tương lai. Cách mạng 4.0 sẽ làm một số công việc biến mất nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới.
Ngày nay, tài xế xe công nghệ đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống thường nhật. Họ là “sản phẩm” của cách mạng 4.0. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là thật khó xác định loại hợp đồng giữa tài xế với các hãng xe công nghệ là hợp đồng dịch vụ dân sự hay hợp đồng lao động.
Việc không phân biệt rõ ràng hai loại hợp đồng này khiến người lao động gặp nhiều bất lợi. Cụ thể, khi có tranh chấp lao động xảy ra những quyền lợi cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… được giải quyết như thế nào?
Bàn về những nội dung cần thay đổi ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng thời gian tới đây, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần bổ sung các loại hình lao động mới để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động khi tham gia.
Công việc lái xe Grab là một minh hoạ cụ thể. Pháp luật về lao động hiện hành quy định, người lao động là người làm công ăn lương, có tuổi đời từ 15 trở lên, chịu sự điều hành của chủ sử dụng lao động thông qua giao kết hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, những người làm việc theo mô hình lái xe Grab lại chưa đáp ứng được các tiêu chí trên và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Như vậy, vấn đề tiền lương, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không được đáp ứng. Điều này tiềm ẩn, rủi ro cho người lao động trên thị trường lao động.
Theo ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ những hạn chế. Qua đánh giá tổng kết 5 năm thi hành luật, nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người lao động và công đoàn đã phản ánh những vướng mắc, bất cập về một số nội dung như: hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết tranh chấp lao động…
Đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, pháp luật về lao động buộc phải thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, nhằm đáp ứng yêu cầu từ hội nhập cũng như đảm bảo sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Do đó, Bộ luật sửa đổi phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong lần sửa đổi này Bộ luật Lao động sẽ xác lập những tiêu chí về điều kiện làm việc của người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động khi làm việc như tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Đồng thời, đặt ra những nguyên tắc để khuyến khích thương lượng tập thể nhằm xác lập điều kiện làm việc cao hơn luật và bảo đảm cho kết quả thương lượng đó được thực thi. Cùng với đó là lược bỏ các điều luật mang tính hành chính, cứng nhắc can thiệp vào quy trình ra quyết định của các chủ thể.
An Nhiên (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/quan-he-viec-lam-cong-nghe-4-0-lai-xe-grab-co-duoc-bao-ve-boi-phap-luat-ve-lao-dong.html