Tưởng chừng như đơn giản nhưng bạn có biết rằng trong vòng 50 năm qua, nguồn gốc của âm thanh “răng rắc” phát ra khi bẻ các khớp ngón tay cho đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi. Một giả thuyết lâu đời nhằm giải thích hiện tượng này cho rằng có thể những bóng khí có mặt trong phần chất lỏng xung quanh các khớp khi bị tác động sẽ vỡ ra và tạo nên âm thanh. Trong khi đó, cũng có nghiên cứu cho rằng chính quá trình hình thành nên bóng khí đó mới là nguồn tạo ra âm thanh chứ không phải do bong bóng vỡ. Và mới đây, một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Scientific Reports thực hiện bởi 2 nhà khoa học tại viện École Polytechnique (Pháp) đã tiết lộ về một mô hình toán học của khớp đốt ngón tay, đồng thời đưa ra bằng chứng xem đâu mới là đáp án chính xác cho câu hỏi âm thanh “rắc rắc” xuất phát từ đâu.
Trước hết, bạn cần biết rằng bên trong các khớp ngón tay chứa đầy chất lỏng gọi là chất hoạt dịch. Tại nơi giao nhau giữa 2 thanh xương của mỗi đốt, chất lỏng này nằm đó và giữ cho chúng không cọ sát vào nhau. Bên trong chất hoạt dịch có chứa khí và chiếm lượng lớn là carbon dioxide. Tuy nhiên, khi xương của các đốt bị kéo ra xa nhau, áp suất của vùng giữa các khớp giảm đột ngột. Ở điều kiện áp suất thấp, khí dễ hợp lại với nhau và hình thành nên những bong bóng. Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng những bóng khí này nếu gặp áp lực sẽ bị nổ và tạo nên âm thanh khi bạn bẻ các đốt ngón tay của mình.
Tuy nhiên đến năm 2015, Greg Kawchuk đến từ Đại học Alberta và các cộng sự của ông đã dùng máy quét MRI để ghi lại xem những gì đã xảy ra bên trong ngón tay của các tình nguyện viên có thói quen hay bẻ đốt ngón tay. Kết quả là những gì bạn có thể nhìn thấy trong hình. Với những gì quan sát được, nhóm chuyên gia lúc bấy giờ kết luận chính sự thay đổi hình dạng của những bóng khí vốn đã tồn tại từ trước đã sản sinh áp suất, từ đó tạo nên âm thanh. Điều mà họ vẫn còn băn khoăn là không biết liệu áp suất đó có đủ lớn để tạo ra vết nứt nào hay không.
Abdul Barakat, giáo sư cơ sinh học đến từ Viện École Polytechnique và người cộng sự là Vineeth Suja trong quá trình nghiên cứu nguyên nhân của vấn đề đã bắt gặp được bài báo xuất bản năm 2015 nói trên. Để kiểm chứng kết quả nghiên cứu trước, họ đã tạo ra một mô hình toán học đơn giản của các khớp với một loạt các bóng khí có bên trong chất hoạt dịch. Sau đó, các chuyên gia cho chạy mô hình này dưới dạng mô phỏng và so sánh âm thanh bóng khí bị biến dạng được tạo ra từ mô hình này với các đoạn ghi âm tiếng bẻ khớp ngón tay của những tình nguyện viên. Kết quả cho thấy âm lượng và cả tần số của cả 2 rất khớp với nhau, ngay khi bóng khí chỉ co lại thay vì nổ. “Bóng khí không cần nổ cũng có thể tạo ra âm thanh. Nó chỉ cần bị ép khoảng 30-40% là tạo ra tiếng 'rắc rắc' đó”, tiến sĩ Barakat nói.
Vậy là kết quả nghiên cứu mới của 2 nhà khoa học Pháp một lần nữa bổ sung thêm mức độ tin cậy cho công trình của tiến sĩ Kawchuk. Tuy nhiên, còn trường hợp bóng khí hình thành thì sao? Các nhà nghiên cứu tại Viện École Polytechnique đã không mô hình hóa quá trình này. Kawchuk đề xuất cho nhóm chuyên gia Pháp thực hiện việc đó xem sự hình thành của bóng khí có tạo ra âm thanh hay không và ông Barakat cũng đã đồng ý. Sắp tới, họ sẽ mô phỏng lại toàn bộ quá trình để xem mọi chuyện diễn ra như thế nào. Có vẻ như sứ mệnh đi tìm nguồn gốc của âm thanh tạo ra khi chúng ta bẻ các khớp ngón tay vẫn chưa dừng lại.
Nguồn: NYTimes