Cây lau nhà 360 độ giúp chị em phụ nữ giải quyết dễ dàng công việc dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, không thể tránh khỏi những sự cố nhỏ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của dụng cụ. Hãy cùng xem một số nguyên nhân và cách khắc phục ngay sau đây.
Cấu tạo bộ lau nhà
Bộ lau nhà 360 độ có 3 phần chính rất dễ phân biệt và có công dụng riêng
Bộ lau nhà 360 độ gồm 3 phần chính:
- Thùng đựng nước: có chất liệu bằng nhựa cứng hoặc inox, thân cao để hạn chế nước văng ra ngoài và tiện lợi trong việc di chuyển nhờ quai xách cùng bánh xe. Thùng với 2 bộ phận chính là phần chứa nước dùng để nhúng xả bông lau và mâm giặt bằng nhựa hoặc inox để người dùng dễ dàng nhấn phần bông lau vào mâm giặt, tạo lực quay cho mâm giúp vắt khô nước.
- Thân cây lau: có chất liệu bằng inox với các khớp nối bằng nhựa, có khoá cán giúp người dùng chủ động điều chỉnh chiều cao theo ý thích.
- Bông lau: được nối với thân cây bằng 1 vòng nhựa hoặc inox với đầu lau có khả năng chuyển động xoay 360 độ và dễ dàng tháo lắp để giặt xả, thay thế dễ dàng.
Cách sử dụng cây lau nhà 360 độ rất đơn giản, bạn chỉ cần nhúng xả bông lau, sau đó nhấn trụ cây lau vào lồng giặt, thân lau sẽ truyền chuyển động giúp đầu vắt ly tâm quay với số vòng lớn và vắt khô mà không dùng sức người để vắt như những cây lau nhà thông thường.
Các lỗi hư hỏng thường gặp ở cây lau nhà
Cây lau nhà không xoay được
Có thể vì khả năng ma sát giữa thân cây và đầu đã bị mài mòn nên cây lau nhà không xoay được. Lúc này, bạn hãy dùng 1 mảnh vải quấn và buộc ngay vị trí nối giữa cây cầm và đầu lau. Tiến hành buộc vào đó một số sợi thun (sợi thun hay buộc bao bì - tăng giảm lượng thun để có lực ma sát như ý) để tăng ma sát.
Cây lau nhà không thể xoay ảnh hưởng rất nhiều đến việc di chuyển các ngóc ngách trong nhà bạn
Thân cây lỏng lẻo, không chắc chắn khi lau chùi
Nếu bạn lắp cây lau nhà chưa đúng hướng dẫn hoặc các khớp nối sử dụng lâu ngày bị khô nhớt, thì sẽ gây ra tình trạng thân cây lỏng lẻo.
Khi đó hãy nhanh chóng tháo rời và lắp ráp lại theo hướng dẫn sử dụng. Nếu cây lau đã dùng trong thời gian dài, thì tháo và châm nhớt vào vị trí các khớp nối rồi lắp ráp lại dùng thử xem sao.
Bông lau xả không sạch, không ráo nước
Khi lực ly tâm của mâm vắt và đầu bông lau không đủ mạnh thì việc bông lau không được vắt khô sẽ hiển nhiên xảy ra. Một nguyên nhân khác nữa là do chất liệu bông lau kém chất lượng.
Khi phát hiện nguyên nhân, bạn tiến hành kiểm tra đã khóa chốt thân cây lau hay chưa (khóa gạt hoặc khóa xoay - giúp cố định chiều dài và độ chắc chắn của thân cây lau). Nếu khóa lỏng sẽ không tạo lực nhấn đủ mạnh và đều để tạo lực ly tâm giúp vắt khô bông lau.
Cách thức tự xả của bông lau bằng lực ly tâm sẽ giúp tiết kiệm công sức vắt tay của người dùng nên khi có vấn đề không thể xả sạch, hãy nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết
Một lưu ý nữa là thao tác sử dụng cũng liên quan rất nhiều. Bạn cần nhấn đều và nhanh dần để tạo vòng quay nhanh, cho lực ly tâm mạnh dần giúp xả khô.
Ngoài ra khi chọn bộ lau nhà 360 độ, bạn nên quan tâm đến loại bông lau được làm bằng sợi Microfiber để giặt và vắt dễ hơn, lau nhà được sạch hơn mà không bị vệt nước trên sàn nhà.
Không cố định được chiều dài thân cây lau
Khi khóa gạt/xoay chỉnh hỏng hay bị kẹt, thì việc cố định chiều dài trên thân cây lau sẽ không thể diễn ra.
Gạt khóa thường được làm bằng nhựa kém chất lượng, sử dụng kém bền, dễ gãy chốt, nên khi vô tình xảy ra vấn đề, bạn có thể chỉnh cố định để sử dụng. Nếu khóa chỉ bị kẹt, bạn mở ra kiểm tra và thêm dầu nhớt bôi trơn, còn nếu bị hỏng có khả năng phải thay mới, và thường phải dùng phụ kiện chính hãng.