Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ sơ sinh có khả năng tiếp xúc với số lượng vi nhựa cao hơn so với người lớn. Đồ chơi và quần áo của trẻ là hai thứ trẻ thường tiếp xúc nhất, và khi trẻ đưa chúng vào miệng cắn, khả năng rất cao sẽ khiến trẻ vô tình hấp thụ hạt vi nhựa từ 2 thứ này. Các đồ vật khác như hộp đựng thức ăn bằng nhựa, các loại bình sippy và bình sữa trẻ em… cũng có khả năng cao khiến các bé hấp thu hạt vi nhựa, nhất là khi chúng được dùng để pha sữa (công thức) bằng nước nóng sẽ càng dễ khiến cho các hạt vi nhựa dễ bị hoà vào sữa. Với những gia đình có sử dụng thảm lót trong nhà, thì vật này cũng sẽ là nguồn khiến trẻ ở tuổi đang tập trườn hoặc bò có khả năng cao hấp thụ phải các sợi nhỏ polyester có trong trong thảm.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu liệu việc hấp thụ hạt vi nhựa sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ sơ sinh hay không. Hiện nay, vẫn có khá ít nghiên cứu về việc hạt vi nhựa sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ con người. Thế nhưng, nghiên cứu mới phát hiện hạt vi nhựa có trong phân trẻ em được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters đã khiến nhiều chuyên gia lo lắng. Các nhà khoa học từng nghĩ rằng, khi một người vô tình hấp thu nhựa hay hạt vi nhựa vào cơ thể thì chúng cũng có thể được dễ dàng thải ra ngoài bằng đường chất thải. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy, những mảnh nhựa rất nhỏ thực sự có thể đi qua màng tế bào để xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Nếu đúng như vậy, thì mức độ ảnh hưởng và sự nguy hiểm khi cơ thể hấp thu hạt vi nhựa là cao hơn rất nhiều. Có một số bằng chứng cho thấy hạt vi nhựa có trong tuần hoàn máu có thể dẫn đến viêm tế bào và phá hoại tế bào, từ đó ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
Nhựa cũng chứa vô số hóa chất, bao gồm các chất có thể gây rối loạn nội tiết tố của cơ thể, và có liên quan đến các tác động xấu ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, cũng như sức khỏe sinh sản và hệ thần kinh. Trẻ sơ sinh càng có thể dễ bị tổn thương hơn so với người lớn nếu các bé hấp thu hạt vi nhựa, vì cơ thể của chúng vẫn đang lớn và phát triển, và các tác động này có thể tồn tại trong một thời gian dài và trong suốt quá trình phát triển của trẻ.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu mẫu phân của sáu đứa trẻ một tuổi ở thành phố New York. Họ cũng thực hiện nghiên cứu trên mẫu phân đầu tiên của ba đứa trẻ sơ sinh - bằng cách cạo các mẫu phân từ tã bằng dao trộn một cách vô cùng cẩn thận, tránh bất cứ thứ gì tiếp xúc trực tiếp với tã để tránh lấy phải các chất ngoại vi khác. Các nhà nghiên cứu cũng quyết định không kiểm tra loại nhựa thường được sử dụng trong tã lót, được gọi là polypropylene. Thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm PET và polycarbonate (một loại nhựa khác thường được sử dụng trong vỏ điện thoại) trong phân. Họ đã tìm thấy cả hai loại nhựa này, nhưng chỉ phát hiện sự khác biệt đang lưu ý về nồng độ PET tồn tại trong phân giữa trẻ sơ sinh và người lớn (họ đã lấy mẫu phân của 10 người lớn ở Albany, New York, để so sánh). Hiện cũng chưa có nhiều thông tin về khả năng tiếp xúc với hạt vi nhựa sẽ có sự khác nhau như thế nào tuỳ theo địa điểm và số lượng dân số ở mỗi nơi.
Nghiên cứu trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về khả năng hấp thu hạt vi nhựa trong cuộc sống hàng ngày hiện nay. Deonie Allen, nhà nghiên cứu của Đại học Strathclyde, chia sẻ rằng, chúng ta cần xem xét về mọi thứ mà một đứa trẻ có thể tiếp xúc, không chỉ là về các loại bình sữa và đồ chơi của chúng. Các nhà khoa học của nghiên cứu trên cũng kêu gọi giới khoa học và các chuyên gia có thể thực hiện nhiều nhiên cứu hơn nữa về khả năng hấp thu hạt vi nhựa trong cuộc sống, ở nhiều đối tượng và điều kiện thực nghiệm khác nhau, đặc biệt là với trẻ nhỏ và môi trường xung quanh chúng, qua đó có thể tìm cách giúp hạn chế tối đa việc hấp thu hạt vi nhựa hiện đang diễn ra này.
Theo Theverge
Ảnh từ W4S
đồ chơisức khoẻkhoa họcbình sữahạt vi nhựaphân trẻ sơ sinh chứa hạt vi nhựa