Theo Livescience, các nghiên cứu về mèo là chất rắn hay lỏng, tác động của việc ôm cá sấu khi chơi bạc, và chơi kèn didgeridoo giúp ngủ ngon được tôn vinh trong lễ trao giải Ig Nobel lần thứ 27 diễn ra hôm 14/9 tại Đại học Harvard, Mỹ.
Huy chương giải Ig Nobel và Nobel (Ảnh: Livescience)
Giải Ig Nobel do Marc Abrahams, biên tập viên tạp chí Annals of Improbable Research, sáng lập. Giải thưởng không nhằm đánh giá những công trình khoa học xuất sắc nhất hay tệ nhất, mà để tôn vinh những nghiên cứu có thể khuyến khích mọi người suy nghĩ sáng tạo.
Giải Ig Nobel vật lý năm nay được trao cho nhà nghiên cứu Pháp Marc-Antoine Fardin với chủ đề “liệu mèo có thể vừa là chất rắn vừa là chất lỏng?”. Nghiên cứu này lấy cảm hứng từ hình ảnh những chú mèo bị kẹt trong ly, xô và bồn rửa mặt.
Mèo có phải vừa là chất rắn, vừa là chất lỏng? (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, những nghiên cứu đoạt giải khác có khả năng ứng dụng thực tiễn nhiều hơn.
Nghiên cứu tiến hành năm 2010 với sự tham gia của 103 người đến từ Queensland, Australia. Kết quả cho thấy, nhóm nghiện cờ bạc có xu hướng đặt cược cao hơn sau khi ôm cá sấu, vì não họ hiểu nhầm cảm giác phấn khích khi ôm một con vật nguy hiểm là dấu hiệu may mắn.
Một nhóm 6 nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước khác nhau thắng giải Hòa bình cho nghiên cứu năm 2005, “Kèn didgeridoo là một phương pháp chữa trị thay thế cho hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ: Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên”.
Kèn didgeridoo (Ảnh: Livescience)
Các nhà khoa học sau đó kết luận, kèn didgeridoo của Australia có thể mang lại những tác động tích cực vì việc tập kèn hàng ngày khiến người ta phải thổi rất nhiều, nhờ đó tăng cường đường hô hấp trên, giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
Ông Marc Abrahams, người sáng lập giải Ig Nobel, cho biết những người đoạt giải có cách suy nghĩ khác thường đối với mọi việc: “Với một số người thì thật khó nói chúng quan trọng hay không. Nếu bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ trong thời gian dài thì nghiên cứu về kèn Didgeridoo nghe rất hấp dẫn”.
“Chúng tôi hy vọng giải thưởng sẽ giúp nhiều người quay lại thói quen chú ý đến những điều kỳ lạ khi còn nhỏ, dừng lại một giây để có thời gian cân nhắc liệu nó tốt hay xấu”, ông chia sẻ.
Hoài Anh