Trước đây, phân khúc xe sportbike phân khối nhỏ từng là cuộc chơi riêng của các nhà nhập khẩu tư nhân với những mẫu xe nhập Thái Lan hay Indonesia.
Tuy nhiên trong năm 2017 này, cả 2 'ông lớn' Yamaha và Suzuki đã chính thức đưa các dòng sportbike thế hệ mới nhất của mình về, 'chiều lòng' những người yêu xe trong nước. Tại triển lãm xe máy Việt Nam (VMCS) diễn ra vào tháng 5/2017, Yamaha R15 thế hệ mới (hay còn gọi là R15 V3) và Suzuki GSX-R150 đều đã được đồng loạt trưng bày nhằm thăm dò phản ứng khách hàng.
Rất nhanh chóng sau khi xuất hiện tại VMCS 2017, Suzuki đã chính thức công bố phân phối GSX-R150 tại Việt Nam vào tháng 6/2017. Trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua, dù không công bố rộng rãi nhưng những chiếc R15 cũng đã bắt đầu xuất hiện tại các showroom chính hãng của Yamaha tại Việt Nam. Như vậy, cả 2 dòng xe này đều được phân phối chính hãng tại nước ta khá sớm, khi cả Suzuki GSX-R150 lẫn Yamaha R15 V3 mới chỉ được ra mắt lần đầu tiên tại Indonesia vào đầu năm nay.
Đều là những mẫu xe sportbike phân khối nhỏ thế hệ mới, Yamaha R15 V3 và Suzuki GSX-R150 khá tương đồng với nhau trên bảng thông số kỹ thuật. Chúng có công suất tương đương nhau, mang nhiều trang bị mới, đều có kiểu dáng rất hấp dẫn và nguồn gốc từ Indonesia. Chính vì vậy, việc lựa chọn giữa 1 trong 2 mẫu xe này trở nên khá khó khăn với khách hàng. Trong khuôn khổ bài viết này, TCN sẽ so sánh trực tiếp và phân tích một số yếu tố quan trong của R15 và GSX-R150, giúp bạn đọc dễ đưa ra quyết định lựa chọn hơn.
Thiết kế:
Cả Yamaha R15 V3 và Suzuki GSX-R150 đều là những mẫu xe có kiểu dáng rất bắt mắt và thể thao, lấy cảm hứng từ những mẫu xe sportbike lớn hơn của mỗi hãng. Bắt đầu từ R15, thế hệ thứ 3 của mẫu sportbike 150 cc này đã sở hữu kiểu dáng hoàn toàn mới, sắc sảo hơn. Một số chi tiết như ốp bình xăng, đuôi xe... đã được Yamaha áp dụng thiết kế của R1 và R6 vào, khiến cho mẫu xe này càng trở nên ấn tượng hơn nữa.
Ở phía trước, R15 sở hữu phần đầu khí động học vuốt thuôn về phía trước với cặp đèn pha LED. Ngoại trừ đèn xi-nhan ở hai bên quây gió, toàn bộ phần đèn trước với 1 bóng pha, 1 bóng cos và 2 bóng demi đối xứng đều là đèn LED. Ở phía sau, chiếc xe cũng được trang bị đèn LED hiện đại. Giống như R1 và R6, nằm giữa đèn pha là một 'hốc hút gió'. Tuy nhiên khác với các 'đàn anh' với hốc hút gió dẫn không khí trực tiếp vào hộp gió, chi tiết này trên R15 V3 chỉ có tác dụng trang trí khi bị bịt kín lại.
Cũng có đầu đèn trước full LED như R15, tuy nhiên GSX-R150 được Suzuki tích hợp toàn bộ các đèn pha, cos và demi vào một hộp đèn duy nhất. Tuy nhiên, phần đuôi xe có đèn hậu sử dụng bóng sợi đốt. So với đèn pha kép của R15, GSX-R150 có phần đầu ấn tượng không kém khi được thiết kế sắc sảo. Đèn pha trước vuốt về đằng trước, sau đó bẻ góc ở phần dưới, tạo cho chiếc xe vẻ dữ dằn hơn.
Thiết kế tổng thể của GSX-R150 là sự hòa trộn giữa kiểu dáng của mẫu superbike GSX-R1000 thế hệ mới, xe đua MotoGP GSX-RR và những chi tiết sáng tạo không có ở cả 2 mẫu xe nêu trên. Suzuki vốn được biết tới với những mẫu xe có kiểu dáng gây nhiều ý kiến tranh cãi, tuy nhiên có thể nói hãng đã thiết kế GSX-R150 rất thành công. Đứng bên cạnh R15, GSX-R150 hoàn toàn không thua kém đối thủ về 'chất' thể thao'.
Cả 2 mẫu xe đều có mâm dạng 5 cánh kép. Tuy nhiên khá thú vị khi Suzuki đã sử dụng thiết kế mâm chữ Y tương tự như TFX150 hay R3 nhưng thanh mảnh hơn, trong khi R15 có mâm mới kiểu 'xương cá' vốn đã trở thành đặc trưng của các dòng Suzuki Raider/Satria 150. Với chiều dài 1.990mm, rộng 725mm và cao 1.135mm, R15 V3 chênh lệch kích thước không nhiều so với GSX-R150. Đối thủ từ Suzuki có kích thước D x R x C lần lượt là 2.020mm, 700mm và 1.075mm.
Khi đứng cạnh nhau, R15 đem tới cảm giác to lớn tương đương với một mẫu xe 300cc, trong khi GSX-R150 trông nhỏ gọn hơn hẳn. Điều này xảy ra do Yamaha đã sử dụng một số chi tiết ốp bề thế hơn - chẳng hạn như ốp bình xăng toàn phần - Suzuki chỉ sử dụng ốp nhựa cho một phần bình xăng. Phần đuôi của GSX-R150 cũng được Suzuki vuốt gọn tối đa, trong khi Yamaha còn lắp 2 tấm ốp tạo thành các cánh gió hai bên tương tự R1 hay R6. GSX-R150 dài hơn, nhưng lại thấp và hẹp hơn hẳn so với R15.
Ngoài ra, cảm giác bề thế của R15 còn có được nhờ vào bản vành và lốp lớn hơn so với GSX-R150. Trên R15, Yamaha đã trang bị cho chiếc xe lốp trước/sau lần lượt là 100/80/17 và 140/70/17. Như vậy, R15 V3 có lốp trước chỉ nhỏ hơn 1 cỡ (110/70/17) và lốp sau to ngang với chiếc R3 thuộc phân khúc cao hơn của Yamaha. Trong khi đó, GSX-R150 chỉ là 90/80/17 và 130/70/17.
Dù chỉ là những mẫu sportbike phân khối nhỏ nhưng so với các dòng sportcity tầm 300 cc, cả R15 lẫn GSX-R150 đều có tư thế ngồi thể thao và 'thuần chất' sportbike hơn. Tuy nhiên nếu so với đối thủ từ Yamaha, GSX-R150 sẽ phù hợp với những người nhỏ con hơn khi chỉ có chiều cao yên 785mm và trọng lượng 131kg. Yamaha R15 V3 cao tới 815mm và trọng lượng đạt 137kg.
Khung và động cơ.
Trên bảng thông số kỹ thuật, R15 V3 và GSX-R150 khá tương đồng về mặt sức mạnh. Mẫu xe của Yamaha có công suất tối đa 19 mã lực tại tua máy 10.000rpm cùng mô-men xoắn 14,7Nm tại 8.500rpm, trong khi GSX-R150 đạt 18,9 mã lực @10.500rpm và 14Nm @ 9.000rpm. Dù yếu hơn chỉ một chút xíu nhưng đổi lại GSX-R150 có trọng lượng nhẹ hơn.
Đi sâu vào chi tiết, Yamaha đã nâng cấp khá triệt để khối động cơ của R15 so với thế hệ trước. Vẫn có dạng xi-lanh đơn SOHC 4 van làm mát bằng chất lỏng, nhưng cỗ máy này đã được nâng dung tích lên thành 155,1cc và bổ sung công nghệ van biến thiên VVA - giúp tiết kiệm nhiên liệu ở tua thấp và uy lực hơn ở tua máy cao. Chưa dừng lại ở đó, R15 còn được trang bị hộp số 6 cấp với ly hợp chống khóa bánh khi dồn số gấp (slipper clutch). Hiện tại, R15 V3 đang là mẫu sportbike 150cc duy nhất có VVA và slipper clutch.
Trong khi đó, Suzuki GSX-R150 sở hữu động cơ xi-lanh đơn DOHC 4 van làm mát bằng chất lỏng 147,3cc được cải tiến từ Raider 150 Fi - vốn là bản nâng cấp của khối máy quen thuộc đã được Suzuki sử dụng trên Raider 150/Satria 150 chế hòa khí cơ trong hơn chục năm qua. So với Raider 150 Fi, cỗ máy này có cải tiến lớn nhất nằm ở kim phun xăng điện tử với nhiều lỗ hơn. Cũng có hộp số 6 cấp như R15 V3, nhưng GSX-R150 không hỗ trợ côn slipper clutch như R15.
Yamaha vẫn tiếp tục trang bị cho R15 khung nhôm dạng deltabox giống thế hệ trước, cũng như rất nhiều mẫu xe backbone phân khối nhỏ của hãng hiện nay như TFX150, FZ150i... Trong khi đó, Suzuki GSX-R150 sử dụng cấu trúc khung thép ống dạng kim cương. So với khung nhôm dạng deltabox, thiết kế khung thép ống kim cương có độ vặn xoắn cao hơn và trọng lượng lớn hơn. Tuy nhiên trên những mẫu xe phân khối nhỏ, sự khác biệt trở nên không đáng kể so với các dòng xe trên 600 hay 1000cc.
Trang bị:
Cả Suzuki GSX-R150 và Yamaha R15 đều sở hữu hệ thống phanh khá tương đồng với đĩa đơn cho cả 2 bánh, heo phanh 2 piston cho bánh trước và 1 piston cho bánh sau. Chúng cũng không được trang bị sẵn ABS, tuy nhiên Suzuki và Yamaha đều để ngỏ khả năng trang bị hệ thống này trong tương lai. Hiện tại ở bất kỳ thị trường nào trên Thế giới, Yamaha R15 đều không có phiên bản ABS; nhưng bộ mâm của xe vẫn có sẵn lỗ chờ để khoan và lắp đĩa đọc của hệ thống này. Trong khi đó, phiên bản GSX-R125 của GSX-R150 tại châu Âu được trang bị sẵn ABS.
So với GSX-R150, Yamaha R15 nổi bật hơn với phuộc trước dạng ngược USD, giảm sự uốn cong của phuộc khi phanh gấp. Trong khi đó, phuộc trước của GSX-R150 chỉ là loại ống lồng bình thường. Cả 2 chiếc xe đều có hệ thống phuộc sau monoshock và lốp không săm. Chúng cũng đều có bảng đồng hồ điện tử với màn hình LCD đơn sắc khá hiện đại. Suzuki GSX-R150 có điểm nổi bật hơn R15 đó là sử dụng hệ thống khóa thông minh smartkey, trong khi R15 V3 chỉ được trang bị ổ khóa từ 2 cấp.
Giá bán:
Suzuki GSX-R150 có lợi thế lớn về giá so với R15 V3. Theo Suzuki Việt Nam, giá niêm yết của GSX-R150 chỉ là 74,99 triệu đồng. Trong khi đó, R15 V3 được Yamaha ấn định giá lên tới 92,9 triệu đồng - chênh lệch nhau tới gần 18 triệu đồng. Sự khác biệt lớn giữa giá bán của 2 mẫu xe xảy ra do GSX-R150 được Suzuki lắp ráp tại Việt Nam với toàn bộ linh kiện nhập từ Indonesia, trong khi R15 V3 là xe nhập nguyên chiếc cũng từ thị trường này.
Kết luận:
So với GSX-R150, R15 V3 nhỉnh hơn một chút về trang bị, sở hữu hiệu năng vận hành tương đương nhưng lại có giá đắt hơn khá nhiều. Nếu như được định giá tương đương nhau, phần thắng chắc chắn sẽ nghiêng về R15. Tuy nhiên tại Việt Nam, khách hàng khó lựa chọn giữa R15 V3 và GSX-R150 hơn do mức giá chênh lệch khá lớn giữa 2 mẫu xe.
Gạt qua một bên yếu tố kiểu dáng hay tình yêu với từng thương hiệu, nếu bạn là một người đang tìm kiếm một mẫu sportbike 150cc nhỏ gọn, giá thành hợp lý và có khổ người bé, GSX-R150 sẽ là sự lựa chọn hợp lý hơn. Trong khi đó với các khách hàng yêu thích kiểu dáng của một mẫu mô tô phân khối lớn nhưng chưa có bằng A2, sở hữu vóc người to cao và có thể chấp nhận bỏ thêm tiền để sở hữu các trang bị cao cấp hơn sẽ bị hấp dẫn bởi R15.
Ngoài ra, một lưu ý khác đối với những người sở hữu GSX-R150 và R15 đó là mạng lưới đại lý và trạm kỹ thuật của Suzuki hiện tại vẫn còn 'mỏng' hơn Yamaha - đặc biệt là tại các tỉnh thành miền Bắc. So với Suzuki, người sử dụng xe Yamaha cũng có thể dễ dàng đặt mua phụ tùng hơn thông qua ứng dụng tra mã phụ tùng trên smartphone và mạng lưới các showroom Yamaha Town ở nhiều tỉnh thành lớn tại Việt Nam.
Ảnh, video: Nguyễn Huy