Hiện nay, rất nhiều nhà sản xuất xe ở Châu Á lẫn Châu Âu đều áp dụng hộp số vô cấp CVT (Continuously Variable Transmission). Điển hình tại Việt Nam có Honda City, Mitsubishi Outlander hoặc Renault Megane…
Về nguyên lý hoạt động, hộp số CVT không sử dụng các cặp bánh răng để thay đổi tỉ số truyền cho từng cấp số, thay vào đó nó dùng hệ thống gồm 2 ròng rọc (Pulley) được nối với nhau bằng dây curoa (có thể bằng kim loại hoặc cao su chịu lực). Để xe tăng tốc hay giảm tốc, rãnh của mỗi ròng rọc sẽ trượt vào – ra để thay đổi độ cao của từng đầu dây curoa, tỷ số thay đổi của bán kính quay trên ròng rọc này sẽ tạo nên “cấp số” cho xe. Sau đây, chúng ta điểm qua mặt tích cực và hạn chế của công nghệ này khi nó được áp dụng trên ô tô.
Lợi ích
Bộ phận chính hộp số CVT chỉ cần sử dụng 2 ròng rọc cùng 1 dây đai truyền động là có thể thay đổi tốc độ cho xe, so với hộp số 6 cấp thông thường sử dụng đến 12 bánh răng hoặc 18 bánh răng trên hộp số 9 cấp, tất cả chúng phải được sản xuất với độ chịu lực và chính xác cao. Nhờ vậy, các nhà sản xuất ô tô có thể cắt giảm được chi phí sản xuất. Vì lý do này, người tiêu dùng có thể sở hữu xe với giá thành thấp hơn và nhờ sử dụng cơ cấu thay đổi tỷ số truyền đơn giản nên hộp số CVT ít bị hư hỏng hơn hộp số thông thường. Với thiết kế được tinh giảm tối đa này, xe sử dụng hộp số CVT có trọng lượng nhẹ hơn nên sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Nhược điểm của hộp số có cấp là quá phức tạp và nặng nề như thế này
Hộp số CVT không có từng “nấc” như hộp số sử dụng bánh răng hành, vì vậy xe tăng tốc nhẹ nhàng, liên tục mà không bị “giật” làm hạn chế tối đa năng lượng thừa sinh ra, cũng như tạo được sự thoải mái cho người lái. Ngoài ra, CVT cung cấp liên tục cho xe dải công suất tối ưu, dù ở bất kỳ tốc độ nào. Khi lên dốc, hộp số đáp ứng ngay lập tức lúc người lái dậm thêm ga, cùng tình huống, hộp số thường sẽ bị “hẫng” khi xe tự động trả về 1 số để lấy gia tốc vượt dốc.
Hạn chế
Do hộp số CVT sử dụng dây đai để truyền động giữa 2 ròng rọc nên tốc độ của xe sẽ tăng từ từ và nằm trong 1 giới hạn nhất định, nếu bạn là người đam mê các dòng xe thể thao cũng như cảm giác “dính ghế” khi đạp hết chân ga thì hộp số CVT là lựa chọn bạn nên bỏ qua. Ngay cả khi sử dụng chế độ số tay +/- thì hộp số CVT vẫn không đem lại nhiều khác biệt như hộp số sử dụng bánh răng. Một nhược điểm nữa là dây đai truyền động có giới hạn chịu tải, vì vậy xe không thể đạt được vận tốc cao cũng như mô-men xoắn sẽ thấp hơn xe cùng loại sử dụng hộp số thường.
Xe sử dụng hộp số CVT thường sinh ra tiếng ồn lớn hơn, nếu không được cách âm tốt, âm thanh này vọng từ khoang máy vào cabin sẽ làm giảm sự thoải mái trong hành trình của bạn. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, bạn cần thay dây đai truyền động trong hộp số sau 50.000km vì không như bánh răng, dây này có tuổi thọ khi phải chịu tải lớn qua thời gian dài. Một điểm hạn chế nữa là tuổi thọ dầu trong hộp số CVT sẽ thấp hơn hộp số thường và hãng cũng yêu cầu bạn thay thường xuyên hơn, cần lưu ý phải thay đúng loại dầu cho CVT vì độ nhớt của nó khác với hộp số sử dụng bánh răng.
Lựa chọn
Qua các điểm mạnh và điểm hạn chế chúng tôi vừa đề cập, nếu bạn là một người trầm tính, lái xe theo phong cách điềm đạm, đề cao chi phí sử dụng và hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu thì CVT là lựa chọn rất thích hợp. Ngược lại, bạn lái xe theo trường phái đam mê tốc độ, cảm giác dính lưng vào ghế sau mỗi cú nhấn ga hoặc quan trọng tính chủ động khi sử dụng số bán tự động +/- thì CVT là lựa chọn bạn không nên nghĩ đến, thay vào đó, hộp số sử dụng bánh răng truyền thống sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của bạn.