Trong 3 năm qua, phân khúc crossover tầm giá 1 tỉ đồng tại Việt Nam cực kỳ sôi động cả về mẫu xe lẫn doanh số bán ra. Các đại diện trong phân khúc này có thể kể đến như Mazda CX-5, Honda CR-V, Hyundai Tucson, Nissan X-Trail và Mitsubishi Outlander.
Mỗi mẫu xe đều chọn hướng đi riêng của mình để tăng tính cạnh tranh. Mazda CX-5 có lợi thế về công nghệ và thương hiệu, Hyundai Tucson chọn giá bán và động cơ Diesel làm khác biệt, Nissan X-Trail thiên về vận hành, Honda CR-V hướng đến sự tiện nghi và tiết kiệm. Trong khi đó, Mitsubishi Outlander lại thiên về “chất” và sự linh hoạt.
Mitsubishi Outlander có mặt tại Việt Nam từ 8/2016 dưới dạng nhập khẩu từ Nhật Bản. Đến đầu năm 2018, Mitsubishi quyết định lắp ráp mẫu xe này tại Việt Nam với linh kiện được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản để đảm bảo tiêu chuẩn toàn cầu và mang lại lợi thế cạnh tranh hơn về giá bán, trang bị so với các đối thủ cùng phân khúc.
Hiện tại, Outlander đang được bán ra tại Việt Nam với 3 phiên bản 2.0 CVT, 2.0 CVT Premium và 2.4 CVT Premium với giá bán lần lượt 823, 942 và 1.100 triệu VNĐ. Nhóm thử xe của Otofun đã trải nghiệm cùng Mitsubishi Outlander phiên bản 2.4 CVT Premium cao cấp nhất trên cung đường Sài Gòn-Đà Lạt có tổng hành trình gần 1.000 km với đa dạng điều kiện vận hành để xem phiên bản lắp ráp CKD của Outlander có khác biệt gì so với phiên bản nhập khẩu trước đây.
Ngoại hình sắc nét
Ngoại hình Mitsubishi Outlander lắp ráp trong nước không có sự khác biệt so với phiên bản nhập khẩu trước đây. Thiết kế tổng thể Outlander vẫn sở hữu diện mạo khỏe khoắn, nổi bật với ngôn ngữ thiết kế “Dynamic Shield” hiện đại sử dụng nhiều đường thẳng dứt khoát.
So với phiên bản nhập khẩu trước đây, Outlander được lắp ráp hầu như không có sự thay đổi.
Phần đầu xe với lưới tản nhiệt viền mạ crôm tạo hình chữ “X” đặc trưng, cụm đèn chiếu sáng với đèn DRL LED và 2 Projector LED cho đèn cốt còn đèn pha dạng halogen, đèn sương mù dạng tròn nằm gọn trong hốc hút gió đặt ở hai bên.
Khi nhìn ngang, phần thân Outlander thuôn dài với các ô cửa sổ rộng, đường gân nổi cứng cáp kéo dài từ cụm đèn trước tới đèn hậu, bộ mâm đa chấu hợp kim kích cỡ 18 inch khá thể thao cùng lốp 225/55R18.
Phần đuôi Outlander gọn gàng, chắc chắn, cụm đèn hậu LED liền mạch với dải crôm phía sau, phần ốp cản bảo vệ dưới được mạ bạc, ống xả được đặt ẩn dưới gầm nhằm không phá vỡ thiết kế thanh lịch của phần đuôi.
Outlander 2018 có kích thước Dài x Rộng x Cao lần lượt là 4.695 x 1.810 x 1.710 (mm), chiều dài cơ sở đạt 2.670 mm. Khi nhìn thực tế, Outlander cho cảm giác 'trường' xe với hình dáng khá giống một chiếc MPV gia đình. Kiểu thiết kế này sẽ tạo nên khoang xe rộng rãi cho cả 3 hàng ghế.
Ngoài ra, bán kính vòng quay của Outlander khá tốt chỉ 5,3 m, điều này hết sức quan trọng trong các tình huống quay đầu trong phố đông đúc một cách gọn gàng và nhanh chóng.
Nhìn chung, nếu so với các đối thủ cùng phân khúc, Mitsubishi Outlander vẫn khác biệt về kiểu dáng với ngoại hình sắc nét, thân xe thuôn dài và các chi tiết ngoại thất khỏe khoắn.
Nội thất linh hoạt và thực dụng
Nội thất Outlander được đánh giá thiên về tính thực dụng hướng đến người lái, sự rộng rãi và linh hoạt nhiều hơn là sự bóng bẫy. Các chi tiết nội thất đều bầu tròn và có phần đơn giản. Phiên bản 2.4 CVT Premium nay đã được trang bị phanh tay điện tử cùng tính năng Auto Hold thay cho phanh tay cơ kiểu cũ. Nhờ vậy mà nội thất của chiếc xe trông gọn gàng, hiện đại hơn hẳn.
Vô-lăng Outlander bọc da thiết kế ba chấu tích hợp lẫy chuyển số và các nút bấm chức năng tiện dụng, nút khởi động Start/Stop, màn hình trung tâm dạng cảm ứng hiển thị đa thông tin có định vị GPS và nay đã bổ sung thêm kết nối Bluetooth so với phiên bản nhập khẩu trước đây.
So với phiên bản nhập khẩu trước đây, phiên bản láp ráp trong nước được trang bị màn hình cảm ứng với kết nối Bluetooth.
Ghế ngồi trên xe thiết kế rộng và hỗ trợ vai khá tốt, việc sử dụng chất liệu da màu be cho cảm giác khoang xe sang và thoáng hơn so với chất liệu da màu đen. Tuy nhiên nội thất màu be sáng đòi hỏi người sử dụng phải cẩn thận hơn vì dễ bẩn hơn.
Ở hàng ghế trước, Outlander có ghế lái chỉnh điện 8 hướng, ghế phụ chỉnh cơ, tư thế ngồi khá giống trên một mẫu MPV gia đình với khoảng để chân thoải mái. Hàng ghế thứ hai và thứ ba có thể xem là một lợi thế của Outlander so với các đối thủ với không gian thoải mái.
Nếu hàng ghế thứ hai có thể linh hoạt với kểu 60:40 thì hàng ghế thứ ba có thể điều chỉnh độ ngã hoặc gập phẳng xuống sàn theo kiểu 50:50 khi không dùng đến. Khi cần sử dụng hàng ghế thứ ba khi đi đủ 7 người thì có thể linh hoạt chỉnh trượt hàng ghế thứ hai lên phía trước để san sẻ không gian cho hàng ghế thứ ba.
Về cơ bản, không gian hàng ghế thứ ba trên Outlander chỉ phù hợp cho trẻ em từ 12 tuổi trở xuống hoặc hành khách có chiều cao trên 1,6m sử dụng để di chuyển trong quãng đường ngắn vì dù sao Outlander cũng là một mẫu crossover 5+2 với hàng ghế thứ ba chủ yếu sử dụng cho trẻ em nên không thể rộng rãi như những mẫu MPV hay SUV cỡ trung được. Tuy nhiên, sự linh hoạt của hàng ghế thứ ba trên Outlander là một điểm nổi trội của mẫu xe này so với các đối thủ trong phân khúc.
khoang chứa đồ có thể tích lên đến 1.792 lít.
Một điểm 'ăn tiền' khác của Outlander là không gian chứa đồ phía sau khi sử dụng cả ba hàng ghế khá ổn, có thể nói là rộng rãi so với các đối thủ. Không gian chứa đồ này có thể chứa được 5 ba lô cỡ trung để đáp ứng các chuyến đi 2-4 ngày của 7 hành khách. Khi cần chứa nhiều đồ hơn, người dùng có thể gập phẳng hàng ghế thứ hai và ba để tạo ra khoang chứa đồ có thể tích lên đến 1.792 lít.
Hệ thống điều hòa tự động hai dàn lạnh độc lập trên Outlander cho phép chỉnh riêng biệt nhiệt độ từng vùng với độ lạnh khá sâu, người sử dụng cần khéo léo điều chỉnh hướng cửa gió trước nhằm san sẻ khả năng làm mát cho hàng ghế sau để đảm bảo việc làm mát được tối ưu.
Nhìn chung, nội thất Outlander 2018 nổi bật với sự rộng rãi và linh hoạt trong không gian và cách bố trí ba hàng ghế. Mitsubishi đã có những nâng cấp và bổ sung đáng ghi nhận so với phiên bản nhập khẩu trước đây.
Vận hành nổi trội với hệ truyền động 4WD
Phiên bản Outlander 2.4 CVT Premium được trang bị động cơ xăng MIVEC có dung tích 2.4L, sản sinh công suất cực đại 167 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 222 Nm tại 4.100 vòng/phút. Động cơ này kết hợp cùng hộp số tự động vô cấp CVT INVECS III. Cấu hình động cơ và hộp số của Outlander 2.4 có thể nói là “ngang tài, ngang sức” so với các đối thủ cùng phân khúc như Mazda CX-5, Honda CR-V hay Hyundai Tucson.
Outlander có vô lăng chắc tay, phản ứng chân ga vừa phải ở tốc độ thấp nhưng đáp ứng khá tốt ở tốc độ trung bình, khả năng cách âm ở mức khá khi đi phố hay cao tốc. Tuy nhiên, phiên bản Outlander 2.4 CVT Premium lại có thứ “vũ khí” khá lợi hại chính là hệ truyền động 4WD cho phép người dùng tùy chọn chế độ 4WD Eco, 4WD Auto và 4WD Clock thông qua nút bấm cạnh cần số.
Trong các hành trình xa như cung đường từ Sài Gòn-Đà Lạt dài gần 1.000 km với đa dạng điều kiện vận hành mà nhóm thử xe của Otofun trải nghiệm thì hệ truyền động 4WD của Outlander đã thể hiện rõ ưu điểm.
Với điều kiện đi phố và chạy tốc độ dưới 60 km/h, chế độ 4WD Eco là lựa chọn hào hảo để tiết kiệm nhiên nhiên liệu. Khi vận hành ở tốc độ cao trên cao tốc, đường đèo dốc ở Bảo Lộc hay trên QL20 trong những cơn mưa, chế độ 4WD Auto cho phép người lái tự tin trong vận hành bởi hệ truyền động 4 bánh 4WD phát huy rất tốt khả năng bám đường giúp ổn định xe.
Với hệ truyền động 4 bánh 4WD, outlander dễ dàng vượt mọi địa hình.
Với điều kiện đường xá phức tạp như tại Việt Nam, chắc chắn rằng người dùng sẽ không ít lần “chạm trán” những cung đường đất, đá trơn trượt, lồi lõm. Ở những cung đường offroad nhẹ này, Outlander 2.4 CVT Premium có thể đáp ứng tốt khi chuyển sang chế độ 4WD Clock.
Thực tế cho thấy, nhóm thử xe đã cho Outlander thử sức trên các đồi dốc quanh co phức tạp trơn trượt, sình lầy của Đà lạt, mẫu crossover của Mitsubishi vẫn băng băng chinh phục. Khi xảy ra hiện tượng trượt bánh, lực kéo truyền sang các bánh còn lại để tăng độ bám và giúp xe tiếp tục tiến lên phía trước, rất ấn tượng!
Tất nhiên, Outlander không thể mạnh về offroad như các mẫu bán tải hay SUV 4x4 nhưng những gì mẫu xe này thể hiện với hệ truyền động 4WD trong các cung đường phức nạp hoàn toàn có thể giúp người lái tự tin chinh phục ngay trên một chiếc crossover 5+2.
Ngoài khả năng vận hành linh hoạt và nổi trội với hệ truyền động 4WD, Outlander còn giúp người lái an tâm với hàng loạt trang bị an toàn trên phiên bản 2.4 CVT Premium như: khung xe RISE cấu tạo bởi vật liệu thép gia cường có độ cứng cao, bảo vệ người ngồi trên xe khi xảy ra va chạm, sự vững chắc khi vào cua hoặc di chuyển ở tốc độ cao, 7 túi khí quanh xe, hệ thống phanh an toàn ABS/EBD/BA, cân bằng điện tử ASC, hệ thống kiểm soát chân ga khi phanh, kiểm soát hành trình, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, camera lùi, cảm biến lùi,…
Đánh giá chung
Có thể nói, với mức giá 1,1 tỷ đồng trên phiên bản cao cấp 2.4 CVT Premium, Mitsubishi Outlander 2018 sở hữu nhiều tính năng người dùng trong nước mong muốn trên một chiếc crossover 5+2 để đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng. Việc được lắp ráp tại Việt Nam nhưng tất cả linh kiện đều được nhập khẩu từ Nhật Bản, nên Outlander gần như tương đồng về thiết kế, trang bị và chất lượng so với phiên bản nhập khẩu trước đây.
Ưu thế từ nội thất rộng rãi và vận hành tin cậy từ hệ truyền động 4WD cùng trang bị an toàn đầy đủ là sự nổi trội của Outlander 2018 so với các đối thủ.
Phan Quân - Viên Huy
Theo VnMedia