Sau điều chỉnh, chiều dài toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông tăng thêm 3 km, từ 654 lên 657 km. Tuy nhiên tổng mức đầu tư toàn dự án lại giảm 14.000 tỷ đồng so với dự tính ban đầu, còn trên 100.000 tỷ. Trong đó vốn đầu tư Nhà nước cho dự án cũng giảm hơn 4.000 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư điều chỉnh còn hơn 54.000 tỷ đồng, giảm khoảng 9.600 tỷ so với ban đầu.
Việc giảm 14.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn dự án dù toàn tuyến tăng thêm 3 km được Bộ Giao thông Vận tải giải thích, là nhờ giảm chi phí dự phòng do cập nhật theo chỉ số giá xây dựng, thay đổi lãi suất vốn vay... so với bước nghiên cứu tiền khả thi. Ngoài ra bước nghiên cứu khả thi đã tính toán lại chuẩn xác chi phí giải phóng mặt bằng trên cơ sở cập nhật lại khối lượng, chi phí bồi thường, cập nhật đơn giá, định mức...
Nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam sẽ được đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh: Xuân Hoa
Cập nhật tiến độ thực hiện dự án, Bộ Giao thông cho biết, 8 dự án phân khúc (xây dựng theo hình thức BOT) đang ở bước hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và sẽ hoàn thành hồ sơ mời thầu ngay khi báo cáo được phê duyệt. Bộ này cũng dự kiến sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương khoảng đầu năm 2019.
Dự kiến công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thiện trong quý I/2020 để thi công và hoàn thành các dự án vào năm 2021.
Với 3 dự án đầu tư công, dự kiến công tác thi công đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019, thi công trong khoảng 2 năm (hoàn thành năm 2021); dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai thi công từ quý III/2019 và hoàn thành sau đó 3,5 năm.
Giá toàn tuyến tăng gần 2,5 lần sau 20 năm
Về mức giá, cao tốc này sẽ chia làm các giai đoạn theo hướng tăng dần với mức khởi điểm là 1.500 đồng một xe mỗi km (mức giá trung bình của các cao tốc đã khai thác hiện từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng). Mức này sẽ tăng lên 2.400 đồng một km sau đó 10 năm và lên cao nhất 3.400 đồng vào năm 2042.
Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, cơ quan này đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán lựa chọn mức giá phù hợp cho giai đoạn khởi điểm cũng như các thời kỳ trong cả vòng đời dự án. Mức giá này cũng được cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích của Nhà nước.
Nhà đầu tư phải có 20% vốn chủ sở hữu
Cũng theo báo cáo, rút kinh nghiệm những hạn chế về hình thức đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư muốn tham gia các dự án thành phần sẽ phải có vốn chủ sở hữu 20%, thay vì 10-12% như trước đây. Quy định này, theo Bộ Giao thông, nhằm đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính. Ngoài ra, Bộ này cũng sẽ phải triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu để kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu dự án nếu nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng sau 6 tháng để triển khai dự án.
Dự án thành phần hoàn vốn trong 24 năm
Quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà chức trách cho biết đã gặp không ít khó khăn về lãi suất vay của các dự án triển khai theo hình thức công - tư (PPP). Cụ thể, theo quy định của Bộ Tài chính lãi suất vốn vay dự án PPP không quá 1,5 lần mức bình quân lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ, khoảng 7,72% một năm. Mức lãi suất này được lấy làm cơ sở để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và xây dựng hồ sơ mời thầu chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế lãi suất trên thị trường cao hơn nhiều, mức 10,5 - 11%.
Sự chênh lệch lãi suất trên được cho sẽ gây khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và khả năng xem xét cấp tín dụng cho dự án là 'khó khả thi'. Tính toán sơ bộ, nếu lãi suất thị trường 10,5% một năm thì với vốn đầu tư Nhà nước rót vào dự án 55.000 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn các dự án thành phần theo hình thức PPP là 24 năm.
Một khó khăn khác cũng được Bộ Giao thông đề cập là việc huy động vốn vay nước ngoài cho dự án, vì pháp luật hiện chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu của ngân hàng nước ngoài (bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng từ các tổ chức bảo lãnh, bảo hiểm). Trong khi đó, vốn vay dài hạn trong nước cũng gặp trở ngại nhất định vì các ngân hàng bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng. Do đó, ngay cả khi lãi suất vốn vay cho dự án được tháo gỡ thì việc huy động nguồn cấp tín dụng còn những khó khăn nhất định.
Dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam gồm 11 dự án thành phần. Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch phân vốn trái phiếu Chính phủ là 80.000 tỷ đồng, trong đó dành 70.000 tỷ đồng cho dự án giao thông và 10.000 tỷ dự án chống ngập TP HCM. Trong 70.000 tỷ thì đưa vào dự án cao tốc Bắc Nam 55.000 tỷ, còn lại để xử lý cầu yếu đường sắt và các vấn đề cấp bách khác.
Nguồn : http://autobikes.vn/cao-toc-bac-nam-co-muc-phi-khoi-diem-1500-dongkm-6652.html