Nghị định 116 ra đời không chỉ giúp cân bằng thị trường mà còn tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô.
Cân bằng lợi ích các bên
Trái với những thông tin thất thiệt thời gian vừa qua cho rằng Nghị định 116 đang làm khó các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, những gì đã và đang diễn ra cho thấy Nghị định này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, mới đây nhất là hàng nghìn ô tô Honda nhập khẩu từ Thái Lan đã về đến Việt Nam mà không hề gặp một rào cản nào từ phía các cơ quan chức năng.
Nghị định 116 ra đời cũng cho thấy tầm nhìn xa của các nhà hoạch định chính sách, am hiểu thị trường... Bởi Việt Nam mới chỉ tiêu thụ khoảng 300 nghìn xe/năm, công nghiệp hỗ trợ chưa đủ mạnh nên chi phí sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so với khu vực. Do đó, các liên doanh ô tô sẽ chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp như bấy lâu. Lúc này Nghị định 116 còn có tác dụng cân bằng lại thị trường xe nội, ngoại, trong đó có điều kiện kinh doanh ô tô của các doanh nghiệp. Hiện, Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư số 03 hướng dẫn Nghị định 116.
Nghị định 116 đang giúp thị trường ô tô cân bằng lại
Theo Bộ GTVT, ý kiến của một số doanh nghiệp cho rằng họ đang rất khó khăn về quy định phải có bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu và cho rằng điều kiện này không phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng thực tế là Bộ GTVT đã chấp nhận mẫu Giấy chứng nhận của Chính phủ Thái Lan cấp cho các mẫu xe của Honda vừa mới được Honda Việt Nam nhập về, cùng loại giấy đó cấp cho xe Ford Ranger, Ford Everest của Ford Việt Nam, tương tự, các đối tác của Thaco và Thành Công như: Trung Quốc (Foton), Đức (BMW, MINI), Pháp (Peugeot), Nhật Bản (Mazda), Ấn Độ (Fuso), Hàn Quốc (KIA, Hyundai) đều đã cung cấp được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đáp ứng yêu cầu.
Bộ GTVT đã chấp nhận mẫu Giấy chứng nhận của Thái Lan cấp cho các mẫu xe của Honda vừa mới được Honda Việt Nam nhập về
Về việc một số doanh nghiệp có ý kiến việc kiểm tra theo lô xe nhập khẩu là không cần thiết, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ GTVT cho rằng, ý kiến trên của các doanh nghiệp không có cơ sở để khẳng định tất cả lô xe nhập khẩu cùng kiểu loại đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và an toàn giống như mẫu đại diện của lô xe nhập khẩu đầu tiên. Cũng theo ông Hà, nếu từng lô xe nhập khẩu nhập về Việt Nam không được kiểm tra khí thải, các yếu tố an toàn kỹ thuật thì không công bằng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước khi đang chịu sự giám sát rất khắt khe.
Những phản hồi tích cực
Những chính sách đúng đắn mang lại lợi ích và sự công bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng mang lại những tín hiệu tốt. Ông Hồ Anh Tuấn, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Dù mới đầu những doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh ô tô như chúng tôi rất hoang mang khi Nghị định 116 ra đời. Nhưng đến nay các vướng mắc đã được tháo gỡ, chúng tôi hiểu các hàng rào kỹ thuật chính là để bảo vệ và duy trì sản xuất lắp ráp trong nước, điều lớn hơn nữa là nó liên quan đến công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động trong ngành sản xuất, lắp ráp, phụ kiện ô tô trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ, đây cũng là niềm tin để các hãng xe tiếp tục duy trì sản xuất, tiếp tục đầu tư tại Việt Nam, và mục tiêu xa hơn và lớn hơn là để thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp ô tô tại Việt Nam mà Chính phủ rất kỳ vọng.
Chính sách đúng đắn sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam
Tín hiệu đáng mừng mới đây nhất cũng đã đến từ Hyundai Thành Công khi doanh nghiệp này vừa chính thức tạm ngừng đưa về các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, thay vào đó là đẩy mạnh lắp ráp trong nước tại nhà máy của mình ở Ninh Bình. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho biết, kế hoạch lắp ráp trong nước 90 - 95% các mẫu xe Hyundai đã được xây dựng từ trước khi Nghị định 116 ban hành. Trong đó, mẫu xe Hyundai Grand i10 đã được lắp ráp trong nước từ tháng 7/2017 thay vì nhập khẩu từ Ấn Độ. Ông Đức cũng tự tin khẳng định, với tỷ lệ nội địa hoá từ 40% trở lên, xe Hyundai lắp ráp tại Việt Nam sẽ được hưởng thuế nhập khẩu nội khối ASEAN 0% và hoàn toàn có thể xuất khẩu ngược sang các quốc gia trong trong khối.
Những động thái tích cực cũng đến từ một số doanh nghiệp khác khi mới đây Tập đoàn Mitsubishi Motors (Nhật Bản) đã gặp gỡ các cơ quan chức năng của Việt Nam để thông báo nghiên cứu việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi thứ hai với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm. Hay nhà máy sản xuất lắp ráp xe Mazda công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm), tổng vốn đầu tư là 12.000 tỉ đồng cũng đang được Thaco gấp rút xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động ngay cuối tháng 3 này với mục tiêu tỉ lệ nội địa hoá các mẫu xe đạt 40% không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN...
Tùng Anh (LSVN)
Nguồn : AutoBikes