Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung về hàng loạt các chính sách khác nhau. Trong đó có 3 quy định liên quan trực tiếp đến vấn đề ô tô, xe máy như bằng lái xe, phí sử dụng đường bộ và việc người khuyết tật điều khiển ô tô. Thông tư này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, thay thế Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT.
1. Người khuyết tật được quyền cấp giấy phép lái ô tô B1
Cụ thể, tại khoản 2, điều 43 của thông tư này quy định: Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 (ô tô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo.
Để đủ điều kiện tham gia thi giấy phép lái xe hạng B1, người khuyết tật cũng phải trải qua các bước khám sức khỏe và đáp ứng yêu cầu về sức khỏe được quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe do liên Bộ GTVT - Y tế ban hành. Do đó, cần phải khai đủ tiền sử, bệnh sử của gia đình và qua vòng kiểm tra của bác sĩ, sau đó mới được khám 8 chuyên khoa lâm sàng như tâm thần, thần kinh, mắt, tai – mũi – họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp và chuyên khoa nội tiết (phụ nữ có thêm khoa thai sản).
Quy định về sức khoẻ không cho phép những trường hợp sau đây được điều khiển xe: Người rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý; thị lực nhìn xa hai mắt dưới 5/10; rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; suy tim độ III trở lên; các bệnh, tật gây khó thở.
Những người bị cụt hoặc mất chức năng một bàn tay, một bàn chân, một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) cũng không được phép lái xe.
Đối với người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo thì cơ sở đào tạo có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe tập lái. Ô tô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
2. Không bắt buộc đổi bằng lái xe sang thẻ PET
Đây có thể coi là tin mừng cho những ai chưa đổi bằng lái xe. Theo Thông tư mới ban hành, Bộ GTVT chỉ khuyến khích người dân đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET trước 31/12/2020, chứ không bắt buộc hình thức này như thông tư số 58.
Qua đó, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn việc đổi bằng lái xe sang thẻ PET hay không tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người.
Ngoài ra, quy định mới yêu cầu người có GPLX có thời hạn phải thực hiện đổi GPLX trước khi hết thời hạn sử dụng, trong khi quy định cũ cho phép người có GPLX quá thời hạn sử dụng dưới ba tháng, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch vẫn được xét cấp lại giấy phép.
Người có GPLX hạng E đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, có nhu cầu tiếp tục lái xe, nếu có đủ sức khỏe theo quy định, được xét đổi GPLX từ hạng D trở xuống.
Trường hợp năm sinh, họ, tên, tên đệm ghi trên GPLX có sai lệch so với chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân sẽ được đổi GPLX mới phù hợp với thông tin trên chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
3. Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô, xe máy
Từ ngày 5/6, mô tô và xe máy sẽ không còn phải trả phí sử dụng đường bộ. Lệ phí này sẽ chỉ còn áp dụng đối với các đối tượng như ô tô, máy kéo, các phương tiện được kéo bởi ô tô,...
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn phải chịu trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.
Bảo Ngọc (Tuoitrethudo)