Đào tạo, sát hạch lái xe đang xem nhẹ quản lý người dạy?
Giáo viên dùng bằng giả, làm bằng giả
Tháng 11-2016, qua kiểm tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 50 giáo viên dạy sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh sử dụng bằng tốt nghiệp THTP giả để nộp vào các Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Cụ thể, trong số 50 giáo viên nói trên, có 8 người của trường Trung cấp nghề Bình Minh, 6 người của trường Trung cấp Tây Nguyên, 8 người tại Trung tâm dạy nghề cơ giới Thành Luân, 10 người tại trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên và 18 người tại trường Trung cấp nghề Việt Mỹ. Ngay sau đó, Sở GTVT tỉnh này đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận thực hành lái ôtô của 50 giáo viên nói trên.
Trước đó, vào tháng 8-2016, Công an tỉnh Sơn La đã phá chuyên án, bắt giữ 7 đối tượng thuộc Trung tâm sát hạch và Công ty CP xây dựng công trình giao thông 1, thuộc Sở GTVT Sơn La cấu kết với 2 đối tượng bên ngoài giở trò gian lận trong tổ chức thi sát hạch giấy phép lái xe mô tô hạng A1. Theo đó, lợi dụng các mối quan hệ và nắm bắt được tâm lý của bà con người dân tộc muốn làm giấy phép lái xe mô tô hạng A1 nhưng không biết Luật Giao thông, các đối tượng đã lập hồ sơ khống của các thí sinh, thu của mỗi người số tiền từ 1,5 đến 3 triệu đồng tùy từng trường hợp cụ thể. Trong vụ việc này, các thí sinh dự thi phần lý thuyết nhưng để trống bài thi. Sau đó, các sát hạch viên tự điền kết quả vào bài dự thi của các thí sinh.
Kết quả thanh tra, kiểm tra về công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại Sơn La của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, từ tháng 1-2015 đến giữa năm 2016, Sở GTVT Sơn La không giám sát các kỳ thi sát hạch lái xe, chưa thực hiện kiểm tra đối với các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, qua trích xuất camera gắn trong phòng sát hạch lý thuyết, cơ quan hữu quan phát hiện, có kỹ thuật viên không phận sự nhưng vẫn đi lại giữa phòng thi, dừng lại cạnh nhiều người đang làm sát hạch. Sổ ghi chép lên lớp, lưu trữ của giáo viên còn bị cắt dán, ghép. Do vậy, sau thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Sở GTVT Sơn La có văn bản yêu cầu tạm dừng chức năng tuyển sinh đào tạo lái xe mô tô hạng A1 của Trung tâm dạy nghề thuộc Công ty CP cơ khí Sơn La đến khi khắc phục xong tồn tại.
Ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo
Liên quan đến việc 50 giáo viên dạy lái xe sử dụng bằng giả tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc giáo viên sử dụng bằng giả để nộp vào các trung tâm đào tạo, sát hạch không ảnh hưởng đến chất lượng học viên. Tuy vậy, dư luận cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, giáo viên gian lận trong bằng cấp liên quan đến vấn đề tư cách thì khó có thể nói không ảnh hưởng đến chất lượng người học lái xe. “Người học lái xe ngoài khả năng nhanh/chậm, xử lý tình huống trên đường tốt thì còn đòi hỏi cao về ý thức khi tham gia giao thông. Một người thầy không đủ tư cách thì sẽ dạy cho học viên ý thức như thế nào khi tham gia giao thông?”, một chuyên gia giao thông đặt vấn đề.
Tương tự, TS. Vũ Đình Hiền, Phó trưởng Bộ môn Đường bộ, trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, giáo viên dạy lái xe mà sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để đi dạy người khác là không thể chấp nhận được. Do đó, cần phải xem xét lại việc tuyển dụng các giáo viên vào dạy lái xe ở các trung tâm đào tạo, sát hạch.
Cũng đánh giá việc giáo viên sử dụng bằng THTP giả không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy lái xe cho học viên nhưng TS Vũ Đình Hiền nhìn nhận, chất lượng đào tạo của một đơn vị cũng căn cứ vào phần nào đó đội ngũ giáo viên. Bởi vậy, việc giáo viên sử dụng bằng giả cũng cho thấy chất lượng đào tạo ở trung tâm đó có vấn đề.
Được biết, Bộ GTVT đang soạn thảo Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 58/2015/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo hướng đổi mới và siết chặt hơn đối với người học lái xe. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành giao thông mới chỉ hướng đến siết chặt việc học và thi lấy bằng lái xe của người tham gia giao thông mà xem nhẹ người dạy, chưa quản lý chặt các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe thì không ổn...
Hải Dương (ANTĐ)