Galaxy A7 2017 có camera trước và sau cùng độ phân giải là 16MP và khẩu độ ống kính F1.9. Với người dùng phổ thông, chụp tự động ở nhiều trường hợp khác nhau: du lịch, đời sống, sinh hoạt, tĩnh vật... thì galaxy A7 đáp ứng khá tốt.
Với những bạn thích chụp thủ công để phơi sáng (tốc độ màn trập chậm, hay chụp macro chồng hình bằng cách lấy nét thủ công thì chế độ chụp chuyên nghiệp trên Galaxy A 2017 chỉ cho phép điều chỉnh ISO, cân bằng trắng và bù trừ sáng chưa có khả năng lấy nét tay hay điều chỉnh thời gian phơi sáng hay chụp ảnh RAW...
Về đo sáng
Khả năng đo sáng của Galaxy A7 khá nhạy. Mình nói vậy bởi vì không ít điện thoại chụp hình bối cảnh ánh sáng chênh, chạm đo sáng ở vùng sáng hay vùng tối đều không thay đổi. Với mình, đây là điều thường check đầu tiên khi cầm thử camera điện thoại.
Khi mình đo sáng vào vùng sáng trong ảnh dưới và vùng tối thì kết quả phải khác hẳn nhau. Theo mình đó là điều quan trọng nhất để có bức ảnh đúng ý khi chụp bằng điện thoại. Dẫu là chế độ tự động thì hiệu năng này vẫn là cần thiết. Người xem có thể nhận xét tấm này sáng quá tấm kia tối quá... nhưng kỳ thực nó phải gọi là có ánh sáng đúng ý người chụp.
Ảnh chụp thuận sáng / xiên sáng
Chúng ta thường nói với ánh sáng lý tưởng, điện thoại cùi bắp cũng cho ra ảnh tốt. Cũng có thể đúng, nhưng không hoàn toàn. Ở chế độ tự động, ngoài độ sắc nét, dải tương phản chuyển tại ranh giới vùng tối vùng sáng, thì còn cả cân bằng trắng hài hoà, nhất là những khung ảnh có màu phức tạp, tương phản.
Galaxy A7 2017 cho cảm giác hơi rực rỡ một chút các tông màu nóng, nhìn chung là hài hoà và có độ no màu. Tấm cảnh rộng dưới đây, rất nhiều màu sắc tương phản, ánh sáng chiều vàng và khuôn mặt anh chàng sạm nắng vùng biển.
Crop 100% tại chủ thể và 100% vùng viền góc ảnh: thấy chi tiết, màu và tương phản các vùng màu và sáng tối rất ổn. Tại vùng viền mép ảnh có suy giảm độ sắc nhưng đó là đặc tính của camera phone với ống kính góc khá rộng.
Một ảnh khác chụp từ xa và gần toàn khung là các chi tiết nhỏ phức tạp, có vẻ như nhìn chung chung là ổn, nhưng crop 100% thì giảm độ sắc và thuật toán tăng sharpen. Dĩ nhiên là test khó với một camera điện thoại trong trường hợp này.
Còn cận cảnh thì độ sắc thể hiện tốt.
Ảnh chụp ngược sáng
Chụp khoảng 11g trưa. Tấm này đo sáng vào nhánh hoa giấy, không phải vùng tối hẳn và cũng không phải vùng mặt trời sáng chói. Máy cân bằng vùng trời và vùng dưới tán cây không quá tương phản, trời còn xanh và vùng tối không tối thui. Ảnh đủ dùng.
Tấm này chụp với khung cảnh rộng hơn, mặt trời sáng gắt hơn, đo sáng lấy nét vào mây trời. Với tương phản sáng gắt, các lọn mây trắng không còn tự nhiên, kiểu như bị xử lý để giữ chi tiết hơi nặng.
Giữ được mây trời thì vùng tối tối hẳn. Cũng như ảnh trên, mây trời bện lại như kiểu chồng hình HDR.
Bối cảnh ánh sáng loang lỗ
Tấm này mình đo sáng ở ranh giới vùng sáng tối thì máy xử lý khá ổn. Vùng sáng chi tiết và màu tốt, vùng tối không mất hẳn.
Nhưng tấm này, mình cố gắng đủ sáng cho vùng bóng râm, giữ chi tiết các thuyền thúng thì vùng sáng bị 'cháy', mất chi tiết phần áo và phần cái thúng. Theo kinh nghiệm bản thân thì xử lý như vậy là ở mức khá.
Cả hai trường hợp ảnh trên và ảnh dưới, ưu tiên đo sáng ở diện tích nào thì dĩ nhiên chấp nhận không như ý các vùng sáng chênh lệch ít hoặc nhiều. Trong những trường hợp này, mình thường chụp thiếu sáng một chút để giữ vùng sáng.
Ánh sáng yếu, buổi tối
Máy giảm tự động chuyển qua chế độ night scene và giảm tốc độ màn trập xuống thấp. Nhìn chung chung thì vẫn còn hình dạng các vật thể, máy xử lý nhiễu khá nhiều, chi tiết giảm cũng nhiều. Nếu gặp các vật thể chuyển động thì sẽ mờ nhoè, không có cách nào khác, chế độ chụp thủ công cũng không có thanh chỉnh tốc độ màn trập.
Có sự chuyển động, vật thể sẽ mờ nhoè. Máy xử lý nhiễu nhiều quá, trông ảnh không hạt nhưng chi tiết không rõ ràng.
Panorama của Galaxy A7 2017 rất dễ chụp và ổn định trong việc nối ảnh và cân đối các vùng sáng khác nhau khi quét ảnh.
Chụp ảnh & quay video dưới nước
Trước có lặn quay chụp với Galaxy S7, và giờ là Galaxy A7 thì khả năng này vẫn chưa có đối thủ.