Miễn phí cho người dân đi lại 15 ngày đầu
Liên quan đến việc tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ Bộ GTVT, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
“Trong nhiều tháng qua, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Chúng tôi sẽ tiếp nhận bàn giao có điều kiện và đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn đầu, thời gian của giai đoạn này là 1 năm' - ông Viện nói.
Theo ông Viện, giá vé tàu Cát Linh được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.
TP Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận bàn giao dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông đưa vào vận hành
Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Hà Nội miễn tiền vé cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Nhân sự để vận hành, khai thác dự án Cát Linh- Hà Đông đã đầy đủ
'Sau khi tiếp nhận chúng tôi sẽ cho tàu chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách, trước khi thực hiện vận hành thương mại', ông Viện cho hay.
Nhân sự đầy đủ, sẵn sàng
Còn Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) thông tin, hiện nay, nhân sự vận hành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẵn sàng vào vị trí để vận hành theo kế hoạch vận hành năm đầu được xây dựng trên cơ sở chủ đầu tư phối hợp với đơn vị vận hành báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian vận hành giai đoạn đầu còn có các chuyên gia bảo hành của nhà sản xuất và chuyên gia tư vấn hỗ trợ quản lý vận hành của Công ty hỗ trợ, hướng dẫn để tăng cường tính thuần thục của đội ngũ nhân sự vận hành tuyến.
Đến nay, Cục Đường sắt Việt Nam đã cấp giấy phép lái tàu đủ cho số lái tàu vận hành trong giai đoạn đầu. Dự án cũng đã cấp chứng chỉ cho các chức danh hoàn thành đào tạo theo chương trình.
Metro Hà Nội đã tổ chức ôn luyện, sát hạch và cấp chứng chỉ cho các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (Điều độ chạy tàu; Nhân viên giám sát tín hiệu; Trưởng ca; Nhân viên quản lý tổng hợp; Nhân viên tác nghiệp tổng hợp; Nhân viên an toàn…).
Với các nhân sự bổ sung theo khuyến cáo của tư vấn Pháp ACT, đã hoàn thành công tác đào tạo và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ.
Ngoài ra, thời gian vừa qua dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tư vấn quản lý vận hành của Metro Hà Nội đã rà soát, cập nhật các quy trình vận hành, bảo trì của dự án và biên soạn ngân hàng câu hỏi để kiểm tra năng lực toàn bộ số nhân sự vận hành. Trong tháng 9, đầu tháng 10/2021 Metro Hà Nội đã tổ chức ôn tập, kiểm tra, đánh giá cho toàn bộ số nhân sự trực tiếp vận hành, kết quả đến nay 100 % đã đạt yêu cầu.
Trước đó, vào ngày 29/10, sau nhiều tháng chờ đợi, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã đồng ý nghiệm thu có điều kiện dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác thương mại giai đoạn đầu.
Ngày 27/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thành các công đoạn để bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội trước ngày 10/11, đưa vào khai thác, sử dụng. TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch để sẵn sàng tiếp nhận, vận hành khai thác giai đoạn đầu, sau khi có ý kiến của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Ngân Tuyền (ANTD)