Giám đốc điều hành của các thương hiệu ô tô Đức đã cảnh báo trong Triển lãm IAA 2021 rằng cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu có thể kéo dài tới năm 2023. Cụ thể, theo ước tính, ngành công nghiệp ô tô sẽ mất thêm 15 đến 20 tháng nữa mới chấm dứt tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Tuy nhiên, có một tin vui là việc thiếu chip sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất xe như năm nay. Những tháng gần đây, hầu hết mọi nhà sản xuất ô tô đều đối mặt với khó khăn liên quan đến tình trạng thiếu chip toàn cầu.
Volkswagen đã chấp nhận giao xe mà không có hệ thống âm thanh ở thị trường Brazil đồng thời cắt giảm sản xuất, Nissan loại bỏ hệ thống định vị trên những chiếc xe thường có, Ram Trucks ngừng trang bị cho mẫu bán tải 1500 tính năng cảnh báo điểm mù và Renault dừng cung cấp màn hình lái kỹ thuật số kích thước lớn sau vô lăng của một số mẫu xe nhất định.
Trong khi Ford, Land Rover, Stellantis, General Motors và nhiều hãng khác đã phải điều chỉnh lịch sản xuất thường xuyên do thâm hụt chip. Mazda cũng phải cắt giảm sản lượng nội địa của các mẫu xe như CX-5, CX-30 và Mazda3 sedan do thiếu chip sử dụng cho hệ thống phanh và các bộ phận an toàn.
Ngoài sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất ô tô còn phải đối phó với nhu cầu vi mạch ngày càng tăng từ các công ty công nghệ, chẳng hạn, Apple sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để đảm bảo nguồn cung chip so với các công ty công nghệ và ô tô khác, điều này không gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Apple.
Theo Giám đốc điều hành Herbert Diess của VW, tình hình thiếu chip có thể kéo dài vài năm nữa chứ không chỉ là tới năm 2023, bởi vì nhu cầu sử dụng chất bán dẫn đang ngày càng tăng cao, tăng nhanh, ngành nghề nào cũng cần chip.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)
Theo: Motor1