Theo công ty tư vấn AlixPartners, tình trạng thiếu chip bán dẫn hiện nay dự kiến sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu mất 210 tỷ USD doanh thu vào năm 2021 và tình trạng này có thể sẽ kéo dài tới năm 2023.
Bên cạnh đó, AlixPartners cũng dự báo rằng sản lượng sản xuất ô tô toàn cầu có thể giảm khoảng 7,7 triệu xe vào năm 2021. Con số này tăng gần gấp đôi so với ước tính trước đó của nhà tư vấn là 3,9 triệu. Bất chấp những nỗ lực không ngừng để củng cố chuỗi cung ứng, mọi thứ vẫn trở nên tồi tệ khi các nhà sản xuất ô tô cạn kiệt kho dự trữ và các ngành công nghiệp khác thì không còn dư thừa.
Trước cuộc khủng hoảng này, các hãng xe hơi trên thế giới đã phải tìm ra những giải pháp khác nhau để thích nghi. Như Volkswagen lựa chọn cắt giảm sản lượng mẫu Golf bằng cách chỉ chạy dây chuyền bốn ngày một tuần, trong khi đó các mẫu xe khác như Touran, Tiguan hay Seat Tarraco thì phải tạm dừng sản xuất.
Trước sự lan rộng của đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á, Toyota cũng đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng 400.000 xe do thiếu hụt linh kiện phụ tùng ô tô, bao gồm cả chất bán dẫn.
Các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu, bao gồm Ford Motor và General Motors cũng đã cảnh báo về việc cắt giảm thu nhập lớn trong năm nay do tình trạng thiếu chip.
Theo đó, các đại lý ô tô trên thế giới cũng đang tỏ ra lo ngại vì lượng hàng có thể bị hạn chế trong suốt năm 2022 và thậm chí kéo dài sang đầu năm 2023.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, nhu cầu về chip điện tử dành cho dành cho máy tính xách tay, điện thoại di động, TV,… đã tăng lên rất nhiều do phần lớn dân số toàn cầu dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Chính tình trạng này đã tạo ra sự thiếu hụt chip cho ngành công nghiệp ô tô và gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Tú Trương (Tuoitrethudo)