Quantum Broken Thực ra tên nó là Quantum Break nhưng nó nát quá nên tạm gọi vậy đi. Game này cũng chịu chung tình cảnh của Dark Souls, chuyển thể lên PC quá lởm và rồi fan lại phải xắn tay áo lên để sửa lỗi thay nhà phát triển.
Quantum Broken
Thực ra tên nó là Quantum Break nhưng nó nát quá nên tạm gọi vậy đi. Game này cũng chịu chung tình cảnh của Dark Souls, chuyển thể lên PC quá lởm và rồi fan lại phải xắn tay áo lên để sửa lỗi thay nhà phát triển. Cứ như thể cái trào lưu “làm ăn sống nhăn” của mấy ông nhà phát triển port game “phò phạch” lây hết từ công ty này sang công ty khác vậy. Mà cái sự tệ lậu nó không chỉ dừng lại ở đó, dường như Microsoft – đơn vị chủ quản sản xuất tựa game – đang cố ngăn người “ngoại tộc” giúp họ sửa lỗi game của chính mình.
Cụ thể là Quantum Break bị đủ các loại “bệnh” làm giảm khả năng vận hành như tụt FPS, độ phân giải game bị khóa ở mức thấp hơn đòi hỏi của người chơi và không thể tùy chỉnh được. Đã thế còn chả có chức năng thoát game nữa. Hầu hết người dùng card đồ họa NVIDIA là nạn nhân của mớ rắc rối do chính nhà phát triển gây ra này. Mà hầu như 2/3 game thủ PC lại đang xài hàng của “Đội xanh” mới đau.
Và giờ đến phần có liên qua trực tiếp đến M$: Universal Windows Platform. UWP là công cụ giúp nhà phát triển tạo các bản port của cùng một chương trình hay game để chạy trên các thiết bị khác nhau dựa trên cùng một bộ mã gốc. Nhưng một “lão làng” ngành game lại cho rằng UWP thực ra là một thảm họa đối với giới lập trình và các “chợ” game kĩ thuật số.
Tim Sweeney thuộc Epic Games nói rằng UWP tồn tại một thứ khiến người chơi hay bất kỳ ai không được M$ đồng thuận sẽ không thể làm gì để cải thiện hiệu năng game bằng patch tự làm. Dù rằng Quantum Break không hẳn là quá nát như trường hợp của Batman: Arkham Knight nhưng… vẫn nát, chỉ là đỡ hơn chút đỉnh.
Sonic DX Adventure director’s cut
Thường thì phiên bản phát hành lần hai của một tựa game đáng lẽ phải nhân hai độ hài lòng của game thủ khi mà nhà phát triển có thể sửa hết mớ lỗi vớ vẫn còn vướng lại ở bản thường. Nhưng với Sonic Adventure thì lại nhân hai ức chế cho người hâm mộ.
Năm 2004, Sega phát hành một bản vá lỗi và cải thiện hiệu năng lớn cho Sonic DX Adventure sau sáu năm lên kệ. Lúc này, trò chơi có hai phiên bản, một cho GameCube và một cho PC. Bản game gốc thì khá “ngon lành cành đào” dù còn vài lỗi vặt – lí do có bản vá sau sáu năm này. Nhưng khi cập nhật xong thì lại lòi ra thêm cả núi lỗi.
Đặc biệt trên PC, người chơi đã phải tạo hẳn một trang FAQ để báo và cùng nhau tìm cách sửa chúng. Nào là nhân vật đứng lộn chỗ, nào là tường với sàn “ảo” (ý mình là có đất mà chạy qua không được, đạp lên ai ngờ té chết), rồi là Sonic với cộng sự chạy style cực dị…
Đến năm 2010, Sega quyết lầy lội thêm phát nữa khi cho ra mắt phiên bản Xbox 360 và PS3 với tên gọi là Sonic Adventure DX. Bản port console này thậm chí còn tệ hơn cả bản trên PC sau cập nhật. Và một lần nữa, fan lại phải “thay dev hành đạo” sửa hết mớ lỗi mà nhà phát triển bỏ lại chỉ để chơi được tựa game mình bỏ tiền ra mua.
Chrono Triggered
Squaresoft và những tựa game nhập vai 16-bit của họ là những “món ngon” nhất mà game thủ thời SNES có thể chiến và đáng chiếm một chỗ hơi to trong hồi ức. Nhưng bọn còn lại trong Square Enix thì không, đặc biệt là mỗi lần bọn họ port game sang hệ máy khác và số phận của tựa game của Chrono Trigger cũng giống như NieR vậy. Dù được ra mắt trước đàn em có vẻ “nặng đô” kể cả với những chiếc VGA mạnh mẽ đời mới nhất, song tựa game quá nhẹ với PC này lại tồn tại cơ số vấn đề khác.
Phiên bản chuyển thể lên PC của tựa game thật ra là một bản port từ phiên bản dành cho di động mà bản dành cho di động lại được port từ bản gốc trên Super Nintendo. Nói cho dễ hiểu thì phiên bản dành cho PC không được thiết kế để tối ưu hóa trải nghiệm cho game thủ trên hệ máy này. Giao diện game vốn được làm ra để chơi trên điện thoại cảm ứng cứ thế mà dùng, đồ họa cũng từ đấy mà bê sang, font chữ thì xấu thê thảm nhìn là hết hứng chơi.
Dòng game nhập vai chiến thuật theo lượt đình đám Final Fantasy thậm chí còn bị đối xử tàn tệ hơn. FF IV và FF VI (ra mắt ở thị trường phương tây với danh nghĩa FF II và FF III) không những khiến fan thất vọng vì phải xài chung giao diện bản mobile mà thiết kế nhân vật ban đầu còn bị đổi sạch phong cách đồ họa sang style hiện đại.
Super “khó” Mario Bros.
Không phải ai cũng từng có đủ tiền để sở hữu riêng nguyên dàn NES mà phải dành dụm từng đồng một đi ra tiệm để chiến “ăn nấm”. Nhưng rồi cứu tinh xuất hiện cho những ai may mắn hơn tí đang có một bộ máy tính ở nhà thời đó. NEC PC-8801 hoặc Sharp X1 cho phép game thủ thỏa sức dẫm đạp lũ rùa mai xanh và bọn nấm có chân kì dị ngay trên PC. Đáng buồn là trải nghiệm mong đợi ấy lại chẳng được như những gì người hâm mộ luôn yêu mến khi chơi bản gốc trên console.
Hudson Soft – công ty đảm nhiệm việc thực hiện quá trình đưa Super Mario Bros. chuyển thể lên PC đã không làm tốt việc của họ cho lắm. Thay vì port, họ làm lại tựa game, thay đổi vật phẩm hỗ trợ, thay đổi hoặc xóa bớt quái và cả nền đồ họa tươi sáng của game thành xanh đậm xấu xí. Super Mario Bros. trên PC trở thành một tựa game khó không tưởng khi không ít khối gạch tàng hình ẩn nấp khắp nơi trong mỗi màn chơi. Nếu bạn từng xem vài video gameplay mấy phiên bản chế cực khó và troll trên Youtube thì biết chúng lấy ý tưởng từ đâu rồi đấy.
“Nhục” 2
Các bạn chắc đoán ra cái tên cuối trong danh sách những bản chuyển thể PC tệ lậu nhất rồi chứ?! Dishonored 2 đích danh! Máy mạnh tất nhiên “miễn dịch” khỏi đại dịch “mần ăn ẩu tả” của nhà phát triển. Còn nếu bạn đang có ý định chày cối với cấu hình vừa đủ mức tối thiểu hay hơn tí thì ăn hành vì lag là cái chắc.
Không phải vì chạy không nổi game mà là do trò chơi chạy cực kỳ bất ổn định. Fps lên xuống bất thường, từ cao ngất ngưỡng xuống xập xệ vài khung trên giây dù có cố khóa ở một mức cố định. Độ nhạy của chuột bị thay đổi âm trong khi chơi khiến việc ngắm bắn leo tường trở nên cực kỳ mỏi tay. Không ít game thủ khi chơi được một lúc là phải đi nằm vì hình thì giật giật khôn lường còn chuột nhỡ tay xoay phát lộn vòng vòng như tàu lượn vì hai bug kia.
May thay, Bethesda hứa sẽ xử lý vấn đề sớm nhất có thể sau khi ăn bão preview xấu đỏ cả trang bán game trên Steam. Từ giờ, hễ đứa nào làm ăn vớ vẫn thì cứ dội bom trang Steam của bọn đó với ngón cái trỏ xuống cho sửa lỗi nhanh nhanh.
Nguồn : https://motgame.vn/nhung-game-xin-nat-bet-khi-chuyen-len-pc-p2.game