Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận về bộ luật bắt buộc tất cả các điện thoại thông minh sẽ bán tại EU trong tương lai, bao gồm cả iPhone của Apple, phải được trang bị cổng USB-C để sạc có dây. Luật này sẽ được áp dụng bắt đầu từ mùa thu năm 2024. Quy tắc này cũng sẽ được áp dụng với cả các thiết bị điện tử khác, bao gồm máy tính bảng, máy ảnh kỹ thuật số, tai nghe, máy chơi game cầm tay và thiết bị đọc sách điện tử. Máy tính xách tay cũng sẽ phải tuân thủ quy tắc này vào một thời gian sau đó. Bộ luật này đã được xây dựng hơn chục năm nay. Tuy nhiên, đến sáng ngày hôm nay, thỏa thuận về phạm vi của nó mới đạt được, sau các cuộc đàm phán giữa các cơ quan khác nhau của EU.
“Hôm nay, chúng tôi đã biến bộ sạc chung trở thành hiện thực ở Châu Âu!” Báo cáo viên của Nghị viện Châu Âu Alex Agius Saliba cho biết trong một tuyên bố báo chí. “Người tiêu dùng tại châu Âu đã quá ngán ngẩm với việc phải sử dụng chồng chất nhiều bộ sạc cho các thiết bị điện tử. Giờ đây, họ có thể sử dụng một bộ sạc duy nhất cho tất cả các thiết bị điện tử di động của mình”. Luật cũng bao gồm các điều khoản được thiết kế để giải quyết các bộ sạc không dây trong tương lai, cũng như hài hòa các tiêu chuẩn sạc nhanh.
Luật này vẫn cần được Nghị viện và Hội đồng EU thông qua vào cuối năm nay, nhưng điều này dường như chỉ là hình thức. Trong một thông cáo báo chí, Nghị viện Châu Âu đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng luật sẽ có hiệu lực vào mùa thu năm 2024. Đến ngày hôm đó, tất cả các thiết bị được đề cập bởi luật pháp và được bán ở Liên minh Châu Âu đều sẽ phải sử dụng cổng USB-C để sạc có dây.
Việc giới thiệu “bộ sạc chung” là một nỗ lực của EU nhằm cắt giảm rác thải điện tử và giúp cuộc sống của người tiêu dùng trở nên dễ dàng hơn. Các nhà lập pháp hy vọng rằng, trong tương lai, điện thoại và các thiết bị tương tự sẽ không cần phải đi kèm bộ sạc, vì người mua đã có sẵn các phụ kiện thích hợp ở nhà. EU ước tính rằng đạo luật này có thể tiết kiệm cho người tiêu dùng khoảng 250 triệu euro mỗi năm cho việc mua “những bộ sạc không cần thiết” và cắt giảm khoảng 11.000 tấn rác thải điện tử hàng năm.
Thỏa thuận này sẽ có tác động rất lớn đến Apple, nhà sản xuất điện thoại thông minh duy nhất vẫn sử dụng cổng độc quyền thay vì USB-C. Năm 2021, Apple đã bán được 241 triệu điện thoại trên toàn cầu, trong đó khoảng 56 triệu chiếc được bán ở châu Âu.
Khi được hỏi trong cuộc họp báo rằng liệu EU có nhắm đến mục tiêu cụ thể là Apple hay không, Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU cho biết: “Quy tắc được áp dụng cho tất cả và nó không được sử dụng để chống lại bất kỳ ai”. Breton cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi làm việc cho người tiêu dùng, không phải cho các công ty. Chúng tôi phải đưa ra các quy tắc cho những công ty này, các quy tắc rõ ràng để gia nhập thị trường nội bộ.”
Báo cáo viên Saliba nói thêm: “Trong thời gian hai năm, nếu Apple muốn bán sản phẩm của họ trong thị trường nội bộ của chúng tôi, họ phải tuân thủ các quy tắc của chúng tôi và thiết bị của họ sẽ phải là USB-C”.
Tuy nhiên, thông cáo báo chí của Liên minh Châu Âu cũng cho biết rằng, luật này mới chỉ áp dụng cho các thiết bị “sạc qua cáp có dây”. Điều này có nghĩa rằng, Apple có thể không cần phải thêm USB-C vào các thiết bị của mình bằng cách tạo ra một chiếc điện thoại chỉ sạc không dây (như đã được đồn đại trước đây). Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho biết công ty đang thử nghiệm iPhone với USB-C trong nội bộ và nhà phân tích Ming-Chi Kuo của Apple tuyên bố, Apple có thể thực hiện chuyển đổi sớm nhất là vào năm tới. Apple hiện đã có chuẩn USB-C trên máy tính xách tay và một số dòng máy tính bảng.
Ủy ban Châu Âu đã công bố kế hoạch cho đạo luật này từ tháng 9 năm ngoái, nhưng các nỗ lực của họ trong việc buộc các nhà sản xuất phải sử dụng một tiêu chuẩn sạc chung đã có từ hơn một thập kỷ trước. Trong những năm đó, các nhà sản xuất Android đã tập trung vào micro USB, và sau đó là USB-C, làm tiêu chuẩn sạc phổ biến. Trong khi đó, Apple chuyển từ cung cấp điện thoại có đầu nối 30 chân độc quyền sang Lightning.
Apple đã phản đối các nỗ lực của Liên minh Châu Âu trong việc buộc phải có USB-C trên các thiết bị của họ. Người phát ngôn đã nói với Reuters vào năm ngoái: “Chúng tôi vẫn lo ngại rằng việc quy định nghiêm ngặt chỉ sử dụng một loại đầu nối sẽ cản trở sự đổi mới thay vì khuyến khích nó, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới người tiêu dùng ở châu Âu và trên toàn thế giới”. Có ý kiến cho rằng việc buộc chuyển sang USB-C sẽ tạo ra rác thải điện tử nhiều hơn là giảm lượng rác thải, vì nó sẽ khiến hệ sinh thái phụ kiện Lightning hiện có trở nên dư thừa.
Các nhà phê bình cho rằng luật mới này sẽ kìm hãm sự đổi mới vì không khuyến khích các nhà sản xuất phát triển các tiêu chuẩn sạc mới tốt hơn. EU phủ nhận ý kiến này và cho biết họ sẽ cập nhật luật khi công nghệ mới được phát triển. Breton nói trong cuộc họp báo: “Đừng cho rằng chúng tôi sẽ thiết lập một điều gì đó cố định trong 10 năm tới. Chúng tôi có một tiêu chuẩn đang được phát triển và một đội ngũ chuyên trách sẽ theo dõi sát sao tất cả những điều này để điều chỉnh theo thời gian. Chúng tôi sẽ phát triển!”.
Tuy nhiên, có một khía cạnh khác của luật vẫn chưa được giải quyết. Đó là tiêu chuẩn sạc cho máy tính xách tay. Trong khi các nhà sản xuất điện thoại có 24 tháng sau khi luật được thông qua để điều chỉnh thiết bị, thì thời hạn đối với nhà sản xuất máy tính xách tay lại dài hơn: 40 tháng. Các nhà lập pháp EU cho biết, điều này là do sự khó khăn trong việc tạo ra một bộ sạc tiêu chuẩn áp dụng cho máy tính xách tay với các yêu cầu điện năng khác nhau. Báo cáo viên Saliba cho biết: “Chúng tôi không chắc chắn về công nghệ cho một bộ sạc tiêu chuẩn có thể đáp ứng được cho máy tính xách tay từ 100 đến 240W. Vì vậy, chúng tôi quyết định kéo dài thời hạn để máy tính xách tay có một tiêu chuẩn rõ ràng.”