Tuy nhiên, số hóa hiện vật trưng bày trực tuyến không phải chỉ có một mặt lợi. Những hạn chế về lâu dài đối với công chúng và đơn vị trưng bày cũng khiến các chuyên gia và nhà quản lý phải đau đầu.
Xu hướng của bảo tàng hiện đại
Mới đây nhất, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt 3D Tour tham quan trực tuyến. Việc tham quan trực tuyến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua 3D Tour hoàn toàn miễn phí. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển ý tưởng và triển khai thực hiện với sự chung tay giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Dự án nhằm truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật và di sản và đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng.
Khách tham quan ở bất kỳ đâu trên thế giới có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày.
Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp khách tham quan dễ dàng nhận ra.
Đặc biệt, video với độ phân giải cao giới thiệu 2 Bảo vật quốc gia được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh và câu chuyện sẽ giúp du khách được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Trước đó, loạt bảo tàng lớn của thế giới và Việt Nam đã thực hiện số hóa và triển khai tham quan trực tuyến. Trong số đó phải kể đến các đơn vị như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ…
Hầu hết các bảo tàng này thực hiện trưng bày theo phương pháp lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật. Cùng với đó là kết hợp hài hòa giữa màu sắc và ánh sáng, giữa “tĩnh” - di vật gốc và “động” - sản phẩm media cùng những thủ pháp trưng bày hiện đại đã mang lại hiệu quả cao về thị giác. Hệ thống tủ trưng bày sắp đặt so le xen kẽ với các sản phẩm media trình chiếu trên nền tối giúp khách tham quan dễ dàng hình dung quy mô cùng vẻ tráng lệ của di sản.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, bảo tàng phải là nơi mà công chúng lựa chọn. Để đạt được điều đó, bảo tàng phải hiểu rõ nhu cầu để tạo ra các hoạt động và luôn phải đổi mới kịp thời để đáp ứng những nhu cầu ấy. Trong đó, ứng dụng công nghệ tăng cường sự hấp dẫn trong trưng bày và giới thiệu trưng bày là giải pháp quan trọng, phù hợp xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại.
Đầu tư lớn nhưng không có thu
Để thực hiện trưng bày trực tuyến, yêu cầu bảo tàng phải đầu tư lớn về công nghệ và chuyên gia.
Tuy nhiên, những hạn chế mà trưng bày trực tuyến đem lại đã và đang khiến các chuyên gia cũng như nhà quản lý phải đau đầu.
Lãnh đạo một bảo tàng ở Hà Nội nói rằng, số hóa hiện vật là chủ trương đúng đắn và là yêu cầu bức thiết trong thời đại công nghệ. Tuy nhiên, trưng bày trực tuyến thì hoàn toàn khác, lợi thì công chúng hưởng mà hại thì bảo tàng phải “nhận về”.
Theo vị lãnh đạo này, trưng bày trực tuyến lợi cho công chúng khi không mất phí tham quan, không cần đến bảo tàng vẫn thấy rõ hiện vật. Hạn chế cho bảo tàng là không có nguồn thu, nhưng vấn đề đáng lo hơn trong tương lai là công chúng sẽ không đến bảo tàng nữa.
“Trưng bày trực tuyến chẳng khác nào chấp nhận “khai tử” bảo tàng. Nói là “giữ chân” công chúng nhưng sau này khi hết dịch, công chúng có đến bảo tàng nữa không, khi đã biết hầu hết các hiện vật?”, vị lãnh đạo đặt câu hỏi.
Tham quan trực tuyến mang lại những lợi ích rất lớn đối với công chúng. Đó là nhờ công nghệ mà đông đảo người dân có thể tiếp cận những hiện vật, bộ sưu tập ở bất kỳ đâu. Nhờ tham quan trực tuyến, công chúng đã được bổ sung nguồn tri thức của nhân loại, mà không dừng lại ở công cụ giải trí đơn thuần.
Tuy nhiên, việc số hóa các tài liệu và phục dựng không gian 3 chiều cần nguồn vốn đầu tư lớn. Vì thế, không phải bảo tàng nào cũng làm được nếu như không tìm thấy nguồn vốn hỗ trợ. Hơn nữa, việc tham quan trực tuyến không mang lại nguồn thu cho các bảo tàng để duy trì hoạt động.
Chính vì thế, các đơn vị này thường chỉ số hóa các triển lãm thông thường, các tác phẩm nằm trong bộ sưu tập. Còn những kiệt tác, những tác phẩm độc nhất vô nhị thì bảo tàng buộc phải “giữ lại cho mình”. Đến bảo tàng lớn Louvre (Paris - Pháp) cũng phải thực hiện nguyên tắc này, khi kiệt tác “Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci vẫn cần du khách tới tận nơi để thưởng thức.
TS. Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Khó khăn lớn nhất với chúng tôi hiện nay là kinh phí cho thiết bị. Toàn bộ hệ thống máy chủ và máy chiếu chuyên dụng lại lên tới hàng triệu USD, mua thì không có kinh phí, thuê cũng rất tốn kém. Nếu sử dụng ngân sách làm triển lãm mà không bán vé để thu hồi vốn rất khó thực hiện.
Để tổ chức thành công một số cuộc triển lãm, bảo tàng đã phải liên hệ với một số nhà tài trợ, một số đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ miễn phí. Thêm vào đó, bảo tàng cũng gặp khó khăn về nhân lực vận hành từ khâu chuẩn bị cho đến bảo trì, bảo dưỡng máy móc khi gặp sự cố”.
“Trưng bày trực tuyến có tính lan tỏa rất tốt, nhưng hạn chế là sau này sự dịch chuyển xã hội sẽ ít dần đi. Dịch chuyển xã hội không có thì giá trị gia tăng sẽ hạn chế, không có nguồn thu. Muốn bán vé tham quan trực tuyến thì yêu cầu lại cực cao, bảo tàng cũng phải đầu tư cực lớn cả về độ “độc” của hiện vật lẫn tầm công nghệ cao cấp”.
TS Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội
Nguồn: giaoducthoidai.vn