Sinh hoạt tôn giáo trực tuyến trong thời dịch bệnh ở Úc
Theo điều tra nhân khẩu năm 2016, có 52,1% tín đồ Cơ Đốc giáo tại Úc, trong đó 22,6% là tín đồ Công giáo La Mã và 13,3% là tín đồ Anh giáo; 30,1% được ghi nhận là 'không tôn giáo'; 7,3% tự nhận thuộc các tôn giáo phi Cơ Đốc gồm: Hồi giáo (2,6%), Phật giáo (2,5%), Ấn Độ giáo (1,9%) và Do Thái giáo (0,4%). 9,6% còn lại không cung cấp câu trả lời thích hợp.
Trong lịch sử tôn giáo của nước Úc, Giáo hội Anh (nay gọi là Giáo hội Anh giáo Úc) là tôn giáo lớn nhất. Tuy nhiên sau những biến động về việc di dân trong lịch sử khiến cho giáo hội này suy giảm tương đối. Việc mở cửa nước Úc thời hậu chiến cho phép nhập cư đa văn hóa khiến Giáo hội Công giáo La Mã trở thành giáo hội lớn mạnh. Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, và Do Thái giáo ở Úc cũng có sự phát triển vào các thập kỷ hậu chiến. Các tôn giáo nhỏ như: Bahá'í, Sikh giáo, Wicca và Dị giáo cũng gia tăng đáng kể về số lượng tín đồ trong những năm gần đây.
Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các tín đồ tôn giáo tại nước Úc không thể đến các không gian linh thiêng của họ. Nhưng dường như hoạt động tín ngưỡng vẫn còn tiếp diễn sôi động theo một hình thức khác tại đất nước này. Thậm chí, các cộng đồng tôn giáo đang khám phá những cách thức mới để gặp gỡ và giao lưu với nhau trên nhiều nền tảng công nghệ.
Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sydney. Ảnh: Kylachanyc
Các tìm kiếm Google cho từ 'cầu nguyện trực tuyến' đã tăng trong thời gian qua. Đó là sự phản ứng và thích nghi với những loại hình hoạt động tín ngưỡng mới trước sự bùng phát của dịch bệnh và hạn chế tiếp túc, hạn chế tụ họp trong không gian thật.
Thủ tướng Úc, Ngài Scott Morrison cho biết ông cũng tham gia các buổi cầu nguyện trực tuyến. Với lời nguyện cầu cho đất nước và các cộng đồng tôn giáo đang đối mặt với việc đóng cửa các không gian cầu nguyện linh thiêng do đại dịch.
Ở Úc, việc người ta áp dụng công nghệ để kết nối, sinh hoạt với nhau trong một không gian hội đồng trực tuyến không chỉ diễn ra đối với các tôn giáo truyền thống. Các hoạt động tâm linh và trị liệu khác như yoga, thiền, võ thuật và các lớp học khiêu vũ có ý thức… cũng đang phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng trực tuyến.
Có những buổi thiền toàn cầu đã được tổ chức thông qua kênh You Tube để chữa lành và lan tỏa tình yêu thương đến những người đang phải vật lộn để chống chọi với đại dịch. Một số phòng tập yoga thậm chí còn tổ chức các lớp học miễn phí hoặc thông qua hình thức quyên góp trực tuyến.
Các nhà thờ lớn của nước này như Hillsong và Gracepioint cũng đã chuyển sang phát trực tiếp các buổi cầu nguyện, giảng đạo và các thực hiện hoạt động khác trên nền tảng trực tuyến.
Giờ đây, đối với 600.000 người Hồi giáo của nước Úc thì việc tổ chức các buổi học, cầu nguyện trong tháng Ramadan trên nền tảng trực tuyến đã không còn xa lạ nữa.
Người ta cũng ghi nhận rằng trong thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ để kết nối trong hoạt động tôn giáo mà những người nhập cư mới đến định cư tại Úc, các sinh viên quốc tế và những người có thị thực lao động tạm thời đang gặp khó khăn để tìm việc làm và nhà ở trong thời kỳ đại dịch đã được sự giúp đỡ lớn từ cộng đồng trực tuyến của các nhóm tôn giáo ở nước này.
Cha Bob Maguire ở Melbourne (một linh mục Công giáo La Mã người Úc, nhân vật có nhiều ảnh hưởng truyền thông đến từ Nam Melbourne) đã hỗ trợ nhiều suất ăn cho các đối tượng khó khăn thông qua các cộng đồng tôn giáo được kết nối với nhau qua mạng.
Kết nối cộng đồng tôn giáo trực tuyến là xu hướng mới
Trên thực tế tôn giáo ở mỗi quốc gia đều phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa của họ. Trong bối cảnh của xã hội với những bước tiến vượt bậc của công nghệ, các tôn giáo đã thích nghi và ứng dụng những thành tựu của nó vào hoạt động của mình.
Trước những ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tỏ ra nhanh nhạy trước việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động tín ngưỡng. Trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh tại Anh thời gian đầu, tổng giám mục của Canterbury, Justin Welby đã đưa ra lời kêu gọi hủy bỏ các buổi lễ nhà thờ tổ chức trực tiếp và thay vào đó là phát trực trực tuyến trên nền tảng công nghệ.
Không gian linh thiêng trong nhà thờ thánh Patrick . Ảnh: Kylachanyc
Hoạt động trực tuyến cũng phổ biến đối với các tôn giáo khác trên thế giới. Hội Phật Giáo Victoria đã thực hiện các buổi họp và hướng dẫn thiền định trực tuyến nhiều năm nay.
Tương tự như vậy, Giáo đường Do Thái ở Đông Melbourne đã biến các lớp học Do Thái và giờ họp trưa thứ Hai thành lớp học online. Nhiều ngôi đền Hindu như Durga của Melbourne và Hiệp hội Quốc tế về ý thức Krishna, đã chuyển các buổi sinh hoạt của họ thành các buổi họp trực tuyến.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã kêu gọi người Hồi giáo ở nhà trong tháng lễ Ramadan. Thay vì các cuộc tụ tập đông người vào buổi tối như thông lệ thì giờ đây, họ sẽ kết nối và cầu nguyện trên nền tảng trực tuyến.
Trước những đe dọa khủng khiếp từ đại dịch COVID-19, số phận con người sẽ trở nên mong manh nhỏ bé hơn, tỷ lệ người tử vong tăng cao, thất nghiệp tràn lan và những nguy cơ khác. Các tín đồ tôn giáo thể gặp gỡ nhau ở những không gian linh thiêng thì những thay đổi về mặt hoạt động nhờ ứng dụng công nghệ này đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc đáp ứng những nhu cầu mặt tinh thần của con người.
Các hoạt động tín ngưỡng và tâm linh trên nền tảng trực tuyến chắc chắn không thể ngày một ngày hai thay thế và chiếm lĩnh thói quen sinh hoạt truyền thống đã có hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, có thể tận dụng miền kỹ thuật số để người ta kết nối với nhau trong hoạt động tín ngưỡng là một may mắn lớn trong cuộc khủng hoảng này. Một khi con người học quen với cách kết nối sinh hoạt mới trong tín ngưỡng tôn giáo. Thì sự kết nối và hoạt động ấy cũng sẽ có những sắc màu tôn nghiêm như sự kết nối và hoạt động trong thế giới thực.
Một số chuyên gia nhận định rằng sẽ có một số hoạt động tôn giáo sẽ mãi mãi bị thay đổi bởi cuộc khủng hoảng đại dịch này. Con người ta buộc phải học quen và thực hành với các kỹ năng hoạt động tôn giáo trực tuyến. Nền tảng công nghệ sẽ được ứng dụng tại thời điểm này sẽ tác động đến cách con người ta tham gia vào các hoạt động tôn giáo và tâm linh trong tương lai.
Trong tác phẩm 'Đạo Phật ngày nay' (phần Hiện đại hóa), Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng 'Mỗi lần xã hội biến thiên với những cơ cấu sinh hoạt của nó là mỗi lần đạo Phật phải chuyển mình vươn tới những hình thái sinh hoạt mới để thực hiện những nguyên lý linh động của mình. Sau mỗi lần lột xác như thế, đạo Phật biến thành trẻ trung và lấy ngay lại được phong độ và khí lực của thời nguyên thuỷ'.
Tại Việt Nam, Đạo Phật nói riêng và các tôn giáo khác nói chung đang cũng đang có những bước chuyển mình rõ rệt trong việc ứng dụng các công nghệ để gia tăng các tiện ích trong hoạt động tín ngưỡng của mình. Bằng chứng là các nghiên cứu về tôn giáo kỹ thuật số đang được khuyến khích. Các chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức truyền thông mới trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và dân tộc được chú trọng.
Các tôn giáo ở Việt Nam đang phát huy tốt sức mạnh của mình, ngày càng lan tỏa ý nghĩa của các giá trị tích cực của hoạt động tín ngưỡng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội và các mục tiêu chung của đất nước. Việc ứng dụng công nghệ trong việc phát huy, lưu giữ các giá trị của tín ngưỡng, dân tộc và tôn giáo trong đời sống hiện nay đang được phổ biến và nhân rộng.
aithandleadership.com