Thông tin cập nhật về tiến độ sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra ngày 23/8/2018 trên cáp nhánh S1H của tuyến cáp quang biển quốc tế AAG vừa được Trung tâm điều hành tuyến cáp này thông báo với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam. Cụ thể, theo Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển AAG, nhánh cáp S1H của tuyến cáp biển AAG đã bắt đầu được sửa chữa từ ngày 5/9 vừa qua, sau đúng nửa tháng gặp sự cố lần thứ tư trong năm 2018.
Chỉ tính riêng trong năm nay, tuyến cáp quang biển AAG đã có 3 lần gặp sự cố, được sửa chữa hoặc bảo dưỡng, lần lượt vào các ngày 6/1, 22/5, 16/6/2018. Đến thời điểm hiện tại, thống kê sơ bộ qua 4 lần gặp sự cố, được sửa chữa, bảo dưỡng, tổng số thời gian cáp AAG bị gián đoạn liên lạc trên tuyến đã lên tới gần 80 ngày.
Việc sửa chữa sẽ gây mất lưu lượng trên tuyến cáp biển AAG và có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kênh quốc tế. Đường cáp quang biển quốc tế AAG (Asia-America Gateway) chạy ngầm dưới biển có chiều dài 20.191km có tổng vốn đầu tư 560 triệu USD, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.
AAG chính thức hoạt động từ tháng 11-2009 với tổng dung lượng lên đến 2,88 Tbit/s (US-Hawaii & Hong Kong với Đông Nam Á) và 1,92 Tbit/s (Hawaii-Hong Kong)
Tuyến AAG có các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Vũng Tàu (Việt Nam, trong đoạn S1 có chiều dài 314 km), Tungku (Bruney), Currimao (Philippinnes), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ) và California (Mỹ).
Hiện nay, mặc dù không còn chiếm tỷ trọng dung lượng kết nối Internet đi quốc tế của các ISP tại Việt Nam song tất cả các nhà mạng gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom, NetNam đều vẫn đang khai thác, sử dụng tuyến cáp quang biển AAG. Tuy nhiên, các nhà mạng lớn này đều đã lên phương án dự phòng. Đó chính là đồng loạt chuyển lưu lượng sang các hướng cáp biển khác và đất liền nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng.
Ngô Viết Hùng - TECHRUM.VN