Nguồn tin tin cậy cho biết, mức độ ảnh hưởng của lần đứt cáp này là khá lớn khi mất toàn bộ thông tin từ trạm CBVTU qua hướng Hong Kong. Hiện ban điều hành tuyến cáp AAG vẫn chưa chưa công bố lịch sửa chữa. Việc khắc phục sự cố sẽ mất nhiều thời gian hơn những lần trước do ảnh hưởng của cơn bão số 2 khiến tàu sửa cáp không thể sớm tiếp cận vị trí cáp đứt.
Theo ban điều hành tuyến cáp, sự cố diễn ra trên nhánh AAG - S11 (Hongkong - BU4). Ban đang tiến hành xác định nguyên nhân và đưa ra lịch khắc phục.
Cuối tháng 6, cáp quang AAG cũng gặp sự cố và gián đoạn trong 6 ngày do phân đoạn nối giữa Việt Nam đi các hướng Mỹ và Hong Kong bị đứt.
AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii, được sử dụng từ tháng 11/2009 với dung lượng thiết kế 2 terabit/giây, kết nối khu vực Đông Nam Á với Hoa Kỳ.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp AAG đã không ít lần gặp sự cố, ảnh hưởng nhiều đến người dùng bởi đây là tuyến Internet quốc tế chủ yếu của Việt Nam (hơn 60% internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua tuyến cáp quang này).
Xử lý sự cố cáp quang biển (ảnh minh họa).
Trước vấn đề tuyến cáp quang biển AAG liên tục bị sự cố từ năm 2014 đến năm 2015, các nhà cung cấp dịch vụ đang sử dụng đường truyền của cáp quang biển AAG như Viettel đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway, chiều dài hơn 11.000km và băng thông khoảng 4Tbps, nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ) và tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1, chiều dài 25.000km) nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.
Dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2016, các tuyến cáp mới này sẽ nâng tổng số đường trục quốc tế của Viettel lên 6 đường trục (AAG, IA, 2 hướng đi qua Trung Quốc, APG và AAE1), giúp nâng cao chất lượng kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam, đặc biệt đảm bảo dịch vụ cho khách hàng khi tuyến AAG gặp sự cố hoặc ngừng hoạt động.
Việt Cường