Nguyên nhân khiến cho kế hoạch sửa cáp AAG tiếp tục bị trì hoãn, chậm so với kế hoạch dự kiến trước đó được cho là do thời tiết bất lợi gây khó khăn cho công việc khắc phục các sự cố xảy ra tại 2 vị trí cáp nhánh S1B hướng Singapore và S11 hướng Hong Kong của tuyến cáp quang biển AAG.
Ban điều hành tuyến cáp quang biển AAG cũng thông báo tới các ISP tại Việt Nam về lịch mới đối với việc sửa chữa tuyến cáp. Cụ thể, với cáp nhánh S11 hướng Hong Kong, dự kiến vào 17h hôm nay, ngày 22/8/2016, mối hàn cuối cùng sẽ được hoàn tất. Như vậy, so với kế hoạch dự kiến trước đó, thời điểm hoàn tất mối hàn cuối cùng của cáp nhánh S11 hướng Hong Kong bị lùi hơn 1 ngày (kế hoạch cũ là hàn xong mối hàn cuối cùng trên cáp nhánh S11 vào 8h30 sáng ngày 21/8/2016).
Tương tự, thời gian sửa chữa cáp nhánh S1B hướng Singapore của tuyến cáp AAG cũng bị lùi tiếp 1 ngày. Lịch mới là dự kiến 16h30 ngày hôm nay, 22/8/2016, mối hàn cuối cùng trên cáp nhánh S1B sẽ được hoàn tất và dự kiến kết thúc việc sửa chữa vào 17h30 ngày 25/8/2016 (kế hoạch dự kiến trước đó là cáp nhánh S1B hướng Singapore sẽ được hàn xong mối hàn cuối cùng vào 16h ngày 20/8/2016 và kết thúc việc sửa chữa vào ngày 24/8/2016).
Trước đó, tuyến cáp quang biển AAG đã gặp sự cố vào lúc 17h39’ ngày 2-8. Vị trí cáp đứt cách trạm cập bờ South Lantau của Hong Kong khoảng 90 km. Sự cố đứt tuyến cáp quang biển AAG - trên nhánh AAG - S11 (Hongkong - BU4), khiến internet đi quốc tế của Việt Nam bị ảnh hưởng khá lớn khi mất toàn bộ thông tin từ trạm CBVTU qua hướng Hong Kong.
Theo kế hoạch do Ban điều hành tuyến cáp AAG công bố trước đó, thời gian hoàn thành việc sửa chữa tuyến cáp này dự kiến vào ngày 24/8.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp AAG đã không ít lần gặp sự cố. Ảnh minh họa.
Cuối tháng 6, cáp quang AAG cũng gặp sự cố và gián đoạn trong 6 ngày do phân đoạn nối giữa Việt Nam đi các hướng Mỹ và Hong Kong bị đứt.
AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii, được sử dụng từ tháng 11/2009 với dung lượng thiết kế 2 terabit/giây, kết nối khu vực Đông Nam Á với Hoa Kỳ.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp AAG đã không ít lần gặp sự cố, ảnh hưởng nhiều đến người dùng bởi đây là tuyến Internet quốc tế chủ yếu của Việt Nam (hơn 60% internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua tuyến cáp quang này).
Trước vấn đề tuyến cáp quang biển AAG liên tục bị sự cố từ năm 2014 đến năm 2015, các nhà cung cấp dịch vụ đang sử dụng đường truyền của cáp quang biển AAG như Viettel đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway, chiều dài hơn 11.000km và băng thông khoảng 4Tbps, nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ) và tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1, chiều dài 25.000km) nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.
Việt Cường