*OEM là các nhà sản xuất thiết bị gốc như Samsung, LG, HTC,...
'Tát nước theo mưa”, các nhà sản xuất Android mượn dịp Apple đang bị phản ứng tiêu cực (có người dùng còn kiện ra đòa và đòi đền bù hàng tỷ đô la) để lần lượt đưa ra những tuyên bố đầy tính nhân văn: Họ không làm chậm thiết bị cũ và luôn hướng đến lợi ích của khách hàng.
Nhưng nếu Apple làm chậm được iPhone cũ, thì Samsung, Sony, Huawei,... và mọi nhà sản xuất smartphone Android cũng hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề ở đây là, liệu họ có nên làm? Trang SlashGear đã đưa ra một số nhận định khá thú vị về việc này.
Điểm lại sự cố nghiêm trọng của Táo khuyết
Apple phát hiện ra, sau một thời gian nhất định, pin của những chiếc iPhone cũ có thể gây nên hiện tượng sập nguồn đột ngột. Đó là khi điện thoại không còn đủ khả năng để xử lý game, ứng dụng hay nhiều tác vụ khác với một viên pin cũ. Thế là họ đưa vào phần mềm tính năng làm chậm điện thoại nhằm ngăn ngừa tình trạng này.
Tuy nhiên, vấn đề là chủ sở hữu iPhone không hề hay biết về điều đó. Lẽ ra, họ có thể tùy chọn: Hoặc thay pin mới để khôi phục tốc độ xử lý, hoặc chấp nhận hiệu năng giảm sút một cách tự nguyện.
Ngay sau khi bị phát hiện hành vi “lén lút”, Apple phải chính thức xin lỗi vì đã không công khai phương pháp. Họ quyết định đền bù khách hàng bằng chương trình giảm giá thay thế pin (lên đến hơn 63 %).
Android có thể làm điều tương tự hay không?
Câu trả lời là CÓ! Tuy nhiên, hiện các nhà sản xuất đã và đang cung cấp công khai cho người dùng quyền được tra cứu thông tin về pin cũng như việc hiệu suất pin giảm ảnh hưởng đến smartphone như thế nào.
Trước tiên, chúng ta hãy nói về BATTERY_HEALTH, một yếu tố trong phần “Battery Manager” (Quản lý pin) của Android API (công cụ dành cho các nhà phát triển hệ điều hành Android).
BATTERY_HEALTH_GOOD hoặc BATTERY_HEALTH_DEAD cho biết pin có hoạt động hay không. Chỉ số “GOOD” có thể là bất kỳ trạng thái nào từ lúc mới mua đến khi gần hỏng - “DEAD”.
Bấy nhiêu là không đủ để kết luận liệu pin điện thoại có gây ra hiện tượng sập nguồn bất thường hay không. Tuy nhiên, các nhà sản xuất có thể sử dụng PMIC (mạch tích hợp quản lý điện năng) của thiết bị và khả năng của Android để xem thông tin về pin.
Ví dụ, smartphone Samsung Galaxy chạy Android bao gồm các bộ đếm là Fg_cycle và fg_fullcapnon, trong đó yếu tố “cycle” cho biết có bao nhiêu chu kỳ sạc mà thiết bị đã trải qua tại thời điểm được điểm tra, còn fulcamnom chỉ ra công suất tối đa hiện đại của pin mà điện thoại có thể sử dụng.
Người dùng có nên được quyền kiểm soát việc xử lý nguồn?
Về cơ bản, lý do 'pin cũ => máy tắt nguồn đột ngột' rõ ràng là không đủ thuyết phục để dẫn đến quyết định làm chậm điện thoại.
Chúng ta có nên mong đợi một “tính năng” như những gì Apple mô tả để tránh tắt máy bất ngờ? Ngay cả khi không gặp sự cố sập nguồn, việc tự mình kiểm soát những yếu tố có khả năng kéo dài tuổi thọ pin sẽ rất tuyệt vời phải không? Thực tế, hiện nay đã có rất nhiều điện thoại làm được điều này.
Google Pixel sở hữu nút bật tắt trong menu mang tên “Battery Saver” (ảnh trên) với chức năng như sau: Giảm hiệu suất của thiết bị, giới hạn chế độ rung, dịch vụ định vị và hầu hết dữ liệu nền; email, tin nhắn và các ứng dụng khác dựa vào tính năng đồng bộ có thể không cập nhật thông tin trừ khi bạn mở chúng.
“Battery Saver” có thể coi như một công tắc chuyển đổi giữa hoặc có tất cả, hoặc không có gì. Trong khi đó, Razer Phone được trang bị tính năng gọi là “Game Booster” cho phép kiểm soát chi tiết hiệu suất và công nghệ màn hình ở từng ứng dụng riêng biệt.
Hầu hết các thiết bị Android đều cung cấp một giải pháp nằm lưng chừng giữa cách thức “nút gạt chuyển toàn bộ” trên Google Pixel và “kiểm soát sâu từng chi tiết bên trong” như Razer Phone.
Tạm kết
Hệ điều hành Android có thể giám sát sức khỏe phần cứng của thiết bị, các nhà sản xuất smartphone Android cũng đủ khả năng để cho phép người dùng tự quyết định số phận chiếc điện thoại họ cầm trong tay.
Nếu người dùng được tự lựa chọn, họ có thể gặp một số vấn đề trong trường hợp sử dụng điện thoại lâu hơn tuổi thọ trung bình của nó.
Nhưng nếu họ bị buộc chấp nhận một tính năng nào đó mà không được thông báo, nhiều rắc rối sẽ xuất hiện giống như những gì Apple vừa phải đối mặt, và chắc chắn không người dùng cũng như nhà sản xuất nào mong muốn như vậy cả.
Như vậy, việc các hãng tự can thiệp và làm chậm điện thoại cũ (với viên pin đã chai) là nên nhưng họ cần thông báo cụ thể, minh bạch cho người dùng để tránh xảy ra những sự cố và hiểu lầm không đáng có.
Không biết, bạn có suy nghĩ gì về việc các công ty giới hạn hiệu suất điện thoại? Cùng chia sẻ quan điểm thông qua phần bình luận ở bên dưới nhé.
Tech Funny