Trí tuệ nhân tạo (AI) đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, nhưng chỉ thực sự bùng nổ trong những năm gần đây. AI là một lĩnh vực của khoa học máy tính với mục đích tạo ra những cỗ máy có khả năng làm việc và tương tác như con người. AI thường bao gồm các công nghệ liên quan nhận thức vốn được thiết kế để tăng cường trí thông minh của con người thông qua khả năng hiểu, suy luận theo lý lẽ, học hỏi và tương tác như con người.
Tất nhiên, khi sự chú ý càng đổ dồn về AI thì kéo theo đó là ngày càng nhiều thông tin 'thất thiệt' xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo Mashable, hiện có rất nhiều người lo ngại về tương lai của AI và nguy cơ AI sẽ phản bội lại con người. Tuy nhiên, công nghệ AI thực sự lại được dùng để bổ trợ cho trí thông minh của con người, giúp chúng ta hiểu rõ hơn các dữ liệu phức tạp, từ đó giải quyết công việc hiệu quả hơn. Các công ty như IBM (với công nghệ Watson của mình) đã và đang đóng vai trò tiên phong mở ra thời đại mà con người và máy móc làm việc cùng nhau, với số lượng các tập đoàn sử dụng AI để thay đổi tư duy, đường hướng kinh doanh và thúc đẩy xã hội tiến lên ngày một tăng cao.
Do đó, chúng ta không nên lo lắng về việc máy tính sẽ thống trị thế giới. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp 5 hiểu lầm phổ biến nhất liên quan đến Trí tuệ nhân tạo.
Hiểu lầm 1: AI chỉ là một cách gọi hoa mỹ của 'người máy'
Một hiểu lầm khá phổ biến về AI là việc cho rằng nó chỉ là một khái niệm phức tạp hơn về 'người máy' (robot). Khi người ta nghĩ về AI, họ sẽ ngay lập tức nghĩ đến một con robot có thể đi lại, nói năng và thực hiện các hành động tương tự con người. Suy nghĩ này hoàn toàn sai, bởi robot và AI thực ra là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Robot là những cỗ máy có thể lập trình được để thực hiện một hành động một cách tự động hoặc bán tự động. Còn AI thì sử dụng các thuật toán trong các chương trình máy tính để thực hiện các công việc thường đòi hỏi phải vận dụng trí thông minh của con người. Nói cách khác, AI như là một bộ não.
Hai công nghệ robot và AI rất khác nhau, tuy nhiên đôi lúc cũng có sự giao thoa, ví dụ như những con robot được trang bị AI, tức là những cỗ máy được điều khiển bởi các chương trình AI.
Hiểu lầm 2: AI có thể tự hoạt động mà không cần con người
Khi các nghiên cứu về AI ngày càng phát triển, và khả năng của các chương trình máy tính ngày một mở rộng hơn, thì con người cũng bắt đầu tin rằng mọi chương trình AI có thể tự tồn tại và vận hành chính chúng. Thực ra, một vài công việc liên quan AI vẫn cần sự có mặt của con người.
Cụ thể, một vài tiến trình nhất định có sự tham gia của AI có thể vận hành tự động, với mục đích tăng cường trải nghiệm của người dùng. Ví dụ như các tính năng tự động phân loại, cá nhân hoá các đề xuất của các dịch vụ âm nhạc trực tuyến. Ngược lại, với các tiến trình phức tạp như đưa ra các quyết định quan trọng liên quan sức khoẻ hay y dược thì sự hiện diện của con người là điều bắt buộc phải có.
Dù rất nhiều nhà lãnh đạo các tập đoàn trên thế giới lo ngại về khả năng tự vận hành của AI, thì Phó chủ tịch mảng Watson và Cloud của IBM David Kenny khẳng định rằng AI vẫn cần đến năng lực đưa ra quyết định của con người. Ông cho biết 'những quyết định quan trọng cần phải có sự xem xét, đạo đức và trực giác của con người; AI không thể thay đổi được điều đó'.
Hiểu lầm 3: AI sẽ thay thế tất cả các công việc của con người
Tương tự như hiểu lầm số 2, nhiều người lo sợ rằng AI cuối cùng cũng sẽ thay thế con người trong mọi công việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra rằng: AI được tạo ra để làm việc cùng con người, không phải thay cho con người.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo các tập đoàn công nghệ đang tập trung nghiên cứu về những điểm chung giữa việc máy tính có thể làm và con người có thể làm, từ đó đưa đến kết quả hợp tác cuối cùng tốt hơn nhiều so với việc mỗi bên tự làm công việc của chính mình.
Đây không phải là lần đầu một công nghệ mới khiến con người lo sợ sẽ bị thay thế. Trước đây, các công nghệ như máy quét mã vạch và máy ATM cũng từng làm dấy lên mối lo ngại tương tự, nhưng cuối cùng chúng lại giúp cải tiến các ngành công nghiệp liên quan và thậm chí còn tạo ra một số loại hình việc làm mới.
Tất nhiên, AI sẽ làm thay đổi một số lĩnh vực nhất định, nhưng kéo theo đó, nó cũng giúp tạo ra những công việc hoàn toàn mới. Trong tương lai, con người và máy móc sẽ làm việc cùng nhau, trong đó con người sẽ tập trung hơn vào việc giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo, còn công nghệ sẽ đóng vai trò nghiên cứu và thực hiện các tính năng mà nó được lập trình. Sự hợp tác này sẽ giúp tăng cường khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt và không thiên vị của con người chúng ta.
Hiểu lầm 4: Chỉ các tập đoàn công nghệ lớn mới dùng AI
Suy nghĩ này xuất phát từ việc các công nghệ đằng sau AI thường rất phức tạp và đầy khoa học, do đó chỉ có các tập đoàn công nghệ lớn mới tận dụng được lợi thế của AI.
Thực tế thì AI hiện diện trong rất nhiều mặt của cuộc sống thường ngày. Trong khi các tập đoàn lớn sử dụng AI để nghiên cứu, thì chúng ta đều tương tác với AI mỗi ngày dù không hề nhận ra điều đó.
Ví dụ, chúng ta có những chiếc smartphone và loa thông minh sử dụng AI để thu thập thông tin và đáp trả các yêu cầu hoặc giải đáp các câu hỏi của người dùng, như 'Thời tiết hiện tại như thế nào?'. Hoặc nếu kiểm tra email thường xuyên, bạn sẽ thấy một số email cảnh báo lừa đảo từ ngân hàng, đó là kết quả của việc sử dụng AI để giám sát hoạt động và xử lý thông tin.
Hiểu lầm 5: AI sẽ thống trị thế giới
Nói thẳng ra một điều là sẽ không có một 'Trùm AI' có khả năng thống trị và điều khiển con người. Mọi công nghệ AI mới đều được tạo ra rất cẩn thận và với con người làm trọng tâm. Khi chúng ta bắt đầu hiểu AI là gì và mục đích của nó thì rõ ràng cả xã hội sẽ tận hưởng được những thành quả trong việc tận dụng công nghệ tiên tiến này.
Sự phát triển của AI sẽ tạo ra những mô hình kinh doanh mới, những kỹ năng mới trong lực lượng lao động; đồng thời cũng sẽ đòi hỏi các nhà làm chính sách, các công ty, và các cộng đồng làm việc cùng nhau để đảm bảo các hệ thống công nghệ này được quản lý một cách chặt chẽ.
Con người hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi đối với công nghệ AI, đặc biệt là khi nó tác động trực tiếp đến công việc và lợi ích của họ. Điều quan trọng nhất là các chuyên gia AI phải sẵn sàng để trả lời những câu hỏi đó, và đó cũng chính là những gì mà liên minh về AI gồm Google, Facebook, Amazon và IBM đang nhắm đến.
Tiềm năng của AI là cực kỳ to lớn. Nó có khả năng tác động tích cực đến nhiều thứ như nghiên cứu ung thư, sức khoẻ tâm thần, biến đổi khí hậu... bên cạnh các công việc đơn giản hơn như giúp đỡ con người trong hoạt động thường nhật và thực hiện các công việc đã được chỉ định. Chúng ta cần phải hiểu được cội nguồn của AI để có thể tiếp tục tận dụng nó cho một tương lai tươi sáng hơn.
Tấn Minh