Với mã khuyến mãi 4share để giảm tối đa 50.000 đồng/chuyến, những hành khách đều nghĩ rằng đây là đợt khuyến mãi mới.
Tuy nhiên, khi nghe tài xế nói rằng đây là dịch vụ đi xe chung với người khác, mỗi nhóm khách chỉ tối đa 2 người, thì phần lớn hành khách đều hủy cuốc, chuyển sang dịch vụ Grab thường hoặc khuyến mãi khác. Một số người tò mò cũng đi thử một lần cho biết, vì dù sao thì với chuyến đi khoảng 2-3 km chỉ có hơn 20.000 đồng mà được khuyến mãi đến 50.000 đồng, thì xem như đi miễn phí. Tuy nhiên, đa số hành khách đều than vãn: Đi một lần cho biết thôi. Thậm chí có khách hàng so sánh rằng đi Grabshare không bằng đi xe buýt. Bởi xe buýt chỉ đón khách trên đúng lộ trình đã định.
Vậy Grabshare là gì? Đây là một dịch vụ mới, được hiểu là đi xe Grab và chia tiền (share) với hành khách khác, nên số tiền của hành khách chỉ khoảng ½ số tiền đi Grab car bình thường. Và đương nhiên trên đường đi, xe sẽ đón thêm khách khác có cùng hướng đi. Anh Nguyễn Hùng kể rằng mình đi từ quận 12 lên Nguyễn Trọng Tuyển (quận 3) bằng Grabshare. Ban đầu cũng cảm thấy thú vị, vì trên tuyến đường anh đi, có đón thêm một vị khách đi cùng trên cùng trục đường Trường Chinh. Tuy nhiên khi chiều về ngược lại, anh cảm thấy khó chịu vì xe phải đi loằng ngoằng đón một khách khác ở đường Lê Văn Sỹ hướng ngược lại, và hành trình của anh kéo gần 1 giờ đồng hồ mới về đến nhà. Còn vị khách đi chung với anh Hùng than rằng, cứ tưởng là chương trình khuyến mãi mới, chứ biết đi chung thế này tôi hủy chuyến sớm.
Ban đầu phần lớn hành khách đều nghĩ rằng xe sẽ đón khách trên cùng trục đường mình đi nên không mất thời gian và cho rằng đó là dịch vụ “văn minh”. Tuy nhiên, Grab chỉ tính lộ trình ngắn nhất theo Google Map, còn lái xe thì đi theo kinh nghiệm (phòng kẹt xe hoặc đường cấm). Mặt khác, Grabshare sẽ chọn khách theo hướng “chim bay” chứ không phải trên trục hành trình của bản đồ Google Map. Chính vì vậy, để đón một vị khách mới, đa số tài xế phải đi loằng ngoằng, thậm chí là chui vào hẻm hóc, đường một chiều, và mãi mới trở lại được lộ trình.
Việc đi “chung chạ” kiểu này sẽ dẫn tới nhiều phiền toái hơn là thuận tiện. Trước tiên phải đề cập đến vấn đề sức khỏe, nhất là xe đón khách từ bệnh viện, với những bệnh nhân có mầm bệnh truyền nhiễm. Nói đâu xa, chỉ trong một căn phòng máy lạnh mà có người bị hắt hơi sổ mũi, thì những người xung quanh cũng có nguy cơ bị cảm cúm sau đó. Huống gì trong không gian chật hẹp của một chiếc xe 5 chỗ, với 1 tài xế và 4 hành khách không quen biết nhau.
Kế đến phải nói về vấn đề tế nhị trong không gian chật chội. Mặc dù tại Việt Nam, các xe 4 chỗ đều được tính là 5 chỗ. Nhưng thực tế chỉ có những phân khúc xe trên nửa tỷ đồng thì mới có thể ngồi được 3 người thoải mái ở băng ghế sau. Còn những dòng xe nhỏ như Kia Morning, hay Hyundai I10 thì chỉ ngồi được 2 người đàn ông to cao là khó thở rồi. Huống chi một phụ nữ và 2 người đàn ông lạ ngồi không nhúc nhích được ở băng ghế sau. Và nếu có một ông Tây thì xem như ních bao gạo. Hoặc chẳng may xe đón tiếp một gã say từ quán nhậu, và trong hơi men có ý không lành mạnh thì chắc hẳn người phụ nữ kia sẵn sàng xuống xe bỏ cuốc.
Về mặt an toàn thì đây là điều đáng ngại nhất. Bởi trong số những hành khách đi chung ấy liệu tất cả đều tử tế? Mặc dù chưa có thông tin nào về việc “mất mát” xảy ra trên những hành trình Grabshare, nhưng chắc rằng, ngoài tài xế ôm vô lăng thì những hành khách còn lại ai cũng phải “phòng thủ”, và chỉ thở phào khi đã xuống xe. Điều này sẽ khiến “cảm tình” về dịch vụ taxi điện tử Grab bị suy giảm đáng kể.
Mặc dù hãng Grab đang tích cực tung các chương trình tăng thu nhập cho tài xế Grabshare, như thưởng 100% cuốc xe hoàn thành, bù lỗ cho các chuyến xe dưới 50.000 đồng, cùng các chương trình khác. Nhưng đa số các tài xế đều không mặn mà. Theo một lái xe chia sẻ, mặc dù tiền thưởng của Grabshare rất cao, và bảo đảm khách đi liên tục, nhưng việc chạy lòng vòng để đón thêm khách khiến mất rất nhiều thời gian và nhiên liệu so với việc dừng xe chờ cuốc hiện lên, rồi mới định hướng thuận tiện để đi. Đồng thời, việc tải đủ 5 người liên tục, và di chuyển trong thành phố với tốc độ trên dưới 30 km/h sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu không nhỏ so với đi 1 khách, và tiền bù lỗ của hãng không đủ để trang trải cho thiệt hại này. Chính vì thế, trên các diễn đàn Grab car, nhiều thành viên than phiền rằng họ sẵn sàng không nhận cuốc khi thấy điện thoại báo khách đi Grabshare. Một số kể rằng, sau khi giải thích cho khách về dịch vụ này trước khi lên xe, thì khách lập tức tắt điện thoại và hủy chuyến. Và có những ý kiến cho rằng nên bỏ dịch vụ này cho rồi.
Đúng là ý tưởng tận dụng tối đa chuyến xe, giảm chi phí cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho tài xế, gián tiếp giảm kẹt xe. Nhưng bài toán mà hãng taxi điện tử của Malaysia này đưa ra lại phạm phải sai lầm nghiêm trọng là “dịch vụ sẽ không tốt”. Và nếu không sớm khắc phục, chính dịch vụ này sẽ làm mất khách hàng, và các tài xế cũng có thể chuyển sang các đối thủ cạnh tranh.
Theo Nguoitieudung