Sau nhiều năm có mặt tại thị trường trong nước, lúc này Uber và Grab vẫn là 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thị trường ứng dụng dịch vụ gọi xe. Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn còn hàng loạt các dịch vụ đặt xe khác mặc dù khá thầm lặng trên thị trường.
Có thể thấy với chiến lược hoạt động bài bản và nguồn vốn lớn từ quốc tế, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chủ yếu là những ô tô hay xe ôm gắn phù hiệu Grab, Uber hoạt động. Khuyến mại liên tục cho người lái, số lượng xe rất lớn, gọi xe đơn giản đã khiến cho 2 ứng dụng này gần như có ưu thế tuyệt đối trên thị trường.
Thế nhưng thực tế nhu cầu của thị trường vẫn còn rất nhiều và đa dạng, đó trở thành cơ hội của những công ty trong nước tiếp tục khai thác. Tuy nhiên không hề dễ để cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ xe quốc tế hiện nay và mỗi dịch vụ phải sử dụng một chiến lược riêng:
Đánh vào thị trường nông thôn và liên tỉnh
Trong khi Grab và Uber hiện nay chỉ có mặt tại các thành phố lớn, khi có nhu cầu hoạt động đường dài, khách hàng chỉ có lựa chọn thỏa thuận riêng với tài xế thì một ứng dụng của Việt Nam đã chọn phục vụ những khách hàng đi đường dài từ 15 đến 500km.
Ứng dụng 123Xe phục vụ các khách hàng có nhu cầu đi đường dài.
123Xe là một sản phẩm của công ty trực thuộc VNG cho phép người dùng chuyến xe đường dài theo yêu cầu của mình như đi chung xe hay thuê cả xe 45 chỗ. Về cơ bản dịch vụ này cao cấp hơn hẳn việc khách hàng mua vé xe khách qua các dịch vụ vé xe tuy nhiên chính điều này lại làm giảm sức hấp dẫn đối với những khách hàng cá nhân muốn chọn giải pháp di chuyển có chi phí phù hợp.
Lúc này chưa có thông tin gì về 123Xe có mở rộng hoạt động của mình sang vận chuyển nội thành không tuy nhiên với chiến lược đi về nông thôn, trước đây cũng từng có doanh nghiệp Việt Nam đã thành công.
Cho mặc cả thoải mái
Đây là điều gần như không một ứng dụng đặt xe nào có. Khách hàng đặt xe qua Vivu có thể đặt giá tùy theo ý mình. Lái xe có quyền đồng ý vận chuyển chuyến đi hay không.
Tuy nhiên vì mới xuất hiện trên thị trường nên lúc này tại một số thành phố như Hà Nội, việc gọi được xe đối với người dùng là khá khó khăn. Do dịch vụ hoạt động cho phép tự đặt giá nên hiện nay chưa có tình trạng tăng cước dịch vụ như Uber và Grab. Bù lại khách hàng cũng không thể tìm được lái xe nào.
Đối với những hành khách di chuyển trong nội thành, mọi thứ có vẻ khá thủ công nhưng với những khách chọn quãng đường xa, việc thỏa thuận giá này sẽ giúp khách hàng chủ động về chi phí.
Bên cạnh đó lúc này ứng dụng cũng không có hệ thống đánh giá tài xế, mọi vấn đề về lái xe vẫn phải trực tiếp liên hệ tổng đài của dịch vụ.
Vivu hiện nay khi so với các ứng dụng xe khác thua kém khá nhiều về chức năng.
Vào đầu tháng 3/2017, Vivu khi đó vẫn sử dụng tên Facecar đã gây rất nhiều sự chú ý khi tuyên bố được đầu tư 1 tỷ USD. Tuy nhiên đến cuối tháng 3, khoản đầu tư này bị dừng lại do có dấu hiệu lừa đảo, công ty tiếp tục nhận được vốn từ các nhà đầu tư khác và đổi tên như hiện nay.
Kết hợp vận chuyển với các dịch vụ khác
Ban đầu Rada được phát triển như một dịch vụ giúp người dùng gặp sự cố về xe trên đường có thể tìm được sự hỗ trợ từ những thợ sửa tại khu vực lân cần, đến nay dịch vụ này đã trở thành nền tảng cung cấp các dịch vụ sửa chữa gia đình và có thêm đặt xe đưa đón sân bay và di chuyển đường dài.
Khi so sánh với các dịch vụ vận chuyển qua ứng dụng hiện nay, Rada đang có mức giá khá cạnh tranh cũng như hỗ trợ khách hàng đầy đủ cả về hóa đơn như các dịch vụ vận tải truyền thống.
Lúc này Rada vẫn đang hoạt động như một nền tảng cung cấp các dịch vụ tổng hợp. Do vậy những khách hàng thực hiện những chuyến đi ngay với quãng đường ngắn như Uber hay Grab sẽ không thể sử dụng được dịch vụ. Bên cạnh đó việc đặt giá những quãng đường đi dài đều được thực hiện thủ công.
Tùng Linh
* Nguồn: BizLive