Tập đoàn REE và hành trình phát triển
Được thành lập từ năm 1977, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) hiện là một công ty niêm yết hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực chính như dịch vụ cơ điện công trình; sản xuất, lắp ráp và kinh doanh hệ thống điều hòa không khí thương hiệu Reetech; phát triển, quản lý bất động sản; và cơ sở hạ tầng điện & nước.Logo thương hiệu của tập đoàn REE (Ảnh: Ashui)
Nhóm công ty REE bao gồm:
Công ty REE M&E là nhà thầu cơ điện công trình hàng đầu tại Việt Nam
Công ty Điện Máy REE chuyên kinh doanh hệ thống điều hòa không khí mang thương hiệu Reetech
Công ty REE Property là nhà quản lý các cao ốc văn phòng cho thuê phát triển bởi REE
Công ty REE Land, VIID và SaigonRes hoạt động trong lĩnh vực phát triển các dự án bất động sản; và
Cơ sở hạ tầng điện và nước với các khoản đầu tư vào các nhà máy điện và nhà máy cung cấp nước sạch.
Tập đoàn REE là một trong những công ty niêm yết cổ phiếu đầu tiên trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP. Hồ Chí Minh. Với những giải thưởng như nằm trong top 30 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, tập đoàn đã đạt những mốc lợi nhuận vượt ngoài mong đợi. Vào năm 2014, công ty đạt mức lợi nhuận lên tới 1000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những chiến lược không đúng đắn, công ty đã rơi vào khủng hoảng với mức giảm lợi nhuận thấp hơn hẳn so với năm 2013.
Chiến lược marketing của tập đoàn Ree: Trục xoay vững chắc hay ảo tưởng thương hiệu
Chiến lược xoay trục liệu có thông minh?
Với những áp lực cạnh tranh cao cùng nền kinh tế bão hòa, doanh thu của tập đoàn REE liên tiếp giảm. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của REE, công ty giờ đây xem xét đến các yếu tố đầu tư giá trị trong dài hạn, giúp REE gia tăng doanh thu và lợi nhuận một cách ổn định.
Trước kia, tập đoàn REE nổi tiếng với ngành kinh doanh cốt lõi là cơ điện công trình – được nhận định là một lĩnh vực khó phát triển, khó đầu tư. Tại thời điểm đó, các công trình uy tín đều được tín cẩn giao cho tập đoàn REE đảm nhận, thương hiệu gần như không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Trước kia, tập đoàn REE nổi tiếng với ngành kinh doanh cốt lõi là cơ điện công trình (Ảnh: Recorp)
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của thương hiệu chính là sức ép cạnh tranh đến từ nhiều đối thủ đã làm xói mòn biên lợi nhuận. Ngoài ra, với tình trạng một số nhà thầu nước ngoài đã sử dụng đối tác từ quốc gia của chính họ khi thực hiện các dự án tại Việt Nam, REE gặp thêm càng nhiều áp lực cạnh tranh ở mảng này. Điển hình là trong cuộc họp cổ đông gần đây của Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh (SRF), ban lãnh đạo công ty này đã tự tin tuyên bố, trong mảng cơ điện lạnh, năng lực của SRF không thua kém REE. Tuyên bố của SRF là có cơ sở khi doanh nghiệp này đã nhận được rất nhiều hợp đồng lớn trong thời gian qua, có dự án mà tổng mức đầu tư lên đến 400 tỷ đồng. Bà Thanh cũng thừa nhận, lĩnh vực M&E của REE không còn đạt được mức tăng trưởng mạnh như trong quá khứ.
Quá nhiều sản phẩm nhưng không đem lại lợi nhuận
Sau giai đoạn tái cơ cấu, mảng kinh doanh điện máy của Reetech vẫn giữ ngôi vị thứ 2 trong tổng doanh thu của công ty, nhưng tỷ lệ lãi ròng đóng góp rất nhỏ, chỉ khoảng 3-4%. Điều này dễ hiểu bởi doanh thu chính của mảng Reetech vẫn phụ thuộc nhiều vào cơ điện công trình.
Một thế mạnh nữa của REE là bất động sản. Kinh doanh ổn định, vượt qua các giai đoạn thị trường khó khăn, cho thuê văn phòng vẫn là điểm sáng của REE. Mảng này tuy hàng năm chỉ đóng góp một khoản doanh thu vào khoảng 500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế rất tốt, luôn đạt tỷ lệ bình quân trên 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng như các mảng kinh doanh khác của công ty, kinh doanh bất động sản cũng đã gần đạt mức tới hạn.
Tất nhiên, REE không cần làm gì thêm vẫn có thể kiếm tiền đều đặn từ các mảng kinh doanh truyền thống của mình, nhưng để đạt được nhiều cú tăng trưởng lợi nhuận đột biến, đem đến nhiều giá trị cho cổ đông, thì điều này là không thể.
REE từng là một nhà đầu tư tài chính có hạng, đã từng “lướt sóng” trên thị trường chứng khoán để tìm kiếm các khoản lợi nhuận đột biến một cách dễ dàng. Nhưng sự cố năm 2008 với khoản lỗ 153 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư tài chính đã khiến ban lãnh đạo công ty thận trọng trước các khoản mục đầu tư có lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng khó lường.
Kết
Thời hoàng kim đã kết thúc. Đã đến lúc tập đoàn REE cần xem lại chiến lược sản phẩm của thương hiệu và quyết định nên đầu tư và phát triển thế mạnh vào mảng kinh doanh nào. Đây cũng là bài học rút ra cho các thương hiệu, không nên hoạt động đa ngành khi chưa có một trụ cột vững chắc, đôi khi chỉ một sản phẩm được tập trung cũng đem lại doanh thu hàng ngàn tỉ đồng cho doanh nghiệp.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
Nguồn : https://marketingai.admicro.vn/chien-luo%cc%a3c-marketing-cu%cc%89a-ta%cc%a3p-doan-ree-truc-xoay-vung-chac-hay-ao-tuong-thuong-hieu/