Để chống thất thu đối với loại hình kinh doanh, buôn bán của các cá nhân thông qua mạng cũng như mạng xã hội (kinh doanh online), cơ quan Thuế đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp.
Báo Hải quan đã trao đổi với PGS.TS Lê Xuân Trường (ảnh), Trưởng khoa Tại chức kiêm Giảng viên cao cấp Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, nhận thức được “lỗ hổng” trong việc quản lý thu thuế việc kinh doanh online, vừa qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan Thuế các địa phương rà soát và triển khai các biện pháp thu. Ông nghĩ sao về động thái này của ngành Thuế?
Đây là động thái đúng đắn và cần thiết trong quản lý thuế của ngành Thuế. Theo quy định của pháp luật, nộp thuế là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân và việc quản lý thuế phải đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch, bình đẳng. Điều này có nghĩa là, khi xác định rằng cá nhân kinh doanh online là đối tượng phải nộp thuế nhưng trên thực tế nghĩa vụ thuế chưa được thực hiện thì với quyền hạn và trách nhiệm của mình, ngành Thuế phải tìm mọi biện pháp để tăng cường quản lý. Đây là lẽ đương nhiên.
Xin ông giải thích thêm về “lẽ đương nhiên” mà ông vừa khẳng định. Hay nói một cách khác, có căn cứ pháp lý nào để ngành Thuế yêu cầu các cá nhân có hoạt động kinh doanh online thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hay không? Việc các cá nhân này không nộp thuế có vi phạm pháp luật về thuế không, thưa ông?
Cho đến nay, căn cứ pháp lý xác định nghĩa vụ nộp thuế của hoạt động kinh doanh online rất rõ ràng. Tôi xin dẫn chiếu một số quy định cụ thể như sau:
Điều 4 Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) nêu: “Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT”.
Điều 2 Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) quy định: “Đối tượng nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam”. Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật thuế TNCN quy định đối tượng chịu thuế TNCN là “thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.
Ngoài ra, Điều 7 Luật Quản lý thuế quy định nghĩa vụ của người nộp thuế cũng nhấn mạnh các nghĩa vụ gồm: Đăng ký thuế; kê khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; nộp thuế đầy đủ, đúng địa điểm, đúng thời hạn.
Từ những dẫn chiếu trên cho thấy, cá nhân có hoạt động kinh doanh có thu nhập chịu thuế dù dưới bất kỳ hình thức nào (có hay không có địa điểm cố định, kinh doanh bằng cách thức truyền thống hay kinh doanh online) đều phải đăng ký thuế và kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Nếu không thực hiện kê khai, nộp thuế tức là cá nhân kinh doanh qua mạng đã vi phạm pháp luật thuế.
Tương tự như đối với DN, theo Luật Quản lý thuế, Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN và các luật thuế khác, các DN, các tổ chức kinh tế nếu thực hiện hoạt động kinh doanh online cũng phải đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định pháp luật. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này là vi phạm pháp luật thuế.
Tuy đã “rốt ráo” khuyến khích cũng như đốc thúc thông qua việc gửi tin nhắn và thông báo đến từng cá nhân được xác định là có hoạt động kinh doanh online, song, lượng người đến đăng ký với cơ quan Thuế vẫn còn quá ít so với kỳ vọng. Theo ông, ngành Thuế nên làm gì để việc thu thuế kinh doanh online đạt hiệu quả cao?
Để quản lý thuế có hiệu quả đối với phương thức kinh doanh này, ngành Thuế có nhiều việc cần làm.
Trước tiên, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Hiện nay, hành lang pháp lý nền tảng cho quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã có, đó là Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử mới chỉ giải quyết được những mối quan hệ KT-XH ở một số lĩnh vực cụ thể. Thực tế những khó khăn, vướng mắc trong kiểm soát giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân kinh doanh online thời gian qua và đặc điểm riêng biệt của lĩnh vực kinh doanh này cho thấy, cần thiết phải có một hệ thống VBQPPL về giao dịch điện tử và quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Hệ thống VBQPPL này sẽ góp phần làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện các thủ tục đăng ký, kê khai, và chịu sự giám sát của cơ quan Nhà nước về giao dịch điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử; trình tự, thủ tục thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa trong kinh doanh online; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan Thuế, của Bộ Thông tin và Truyền thông, của Bộ Công Thương trong quản lý giao dịch điện tử của tổ chức, cá nhân kinh doanh online; trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử,…
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cần thành lập bộ phận chuyên trách về phòng chống gian lận thuế công nghệ cao. Đó có thể là Trung tâm phòng chống gian lận thuế công nghệ cao trực thuộc Tổng cục Thuế với các chức năng như tham mưu cho trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật phòng chống gian lận thuế công nghệ cao; xây dựng và hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, là đầu mối tổ chức thực hiện các nghiệp vụ nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận thuế sử dụng công nghệ cao; phối hợp cùng Thanh tra Tổng cục và các cục thuế thanh tra thuế đối với các DN có dấu hiệu gian lận.
Trên cơ sở hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cơ quan Thuế các cấp cần chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương,…) để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát các giao dịch kinh doanh online và tổ chức hướng dẫn các cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để những đối tượng kinh doanh online hiểu để thực hiện nghĩa vụ thuế, để toàn xã hội hiểu và ủng hộ hoạt động quản lý thuế của cơ quan Thuế.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Vân (thực hiện)